Cái chết của vị Hoàng giáp khiến vua Minh Mạng xót xa

Cái chết và sự thanh bạch hiếm có của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân khiến vua Minh Mạng cảm thán.

Làng Hương Ngải - quê hương Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân.

Làng Hương Ngải - quê hương Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân.

Cái chết và sự thanh bạch hiếm có của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân khiến vua Minh Mạng cảm thán: “Tiếc rằng triều đình mất người hiền lương ấy, nay sao có thể làm cho sống lại ở chín suối được”.

Qua đời tại nhiệm sở khi mới 34 tuổi, trong túi không một đồng xu, duy có chiếc áo mới được ban cấp dùng để khâm liệm, cái chết của nhà khoa bảng - vị quan thanh liêm Nguyễn Đăng Huân từng gây chấn động trong triều ngoài nội. Vì thương xót bề tôi hiền lương, vua Minh Mạng đã ban tặng 8 chữ: “Thanh bạch tự trì, thế chi liêm lại”.

Một lèo thi đều đỗ Tiến sĩ

Nguyễn Đăng Huân tự là Hy Khiêm, sinh năm Ất Sửu (1805), người xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Gia đình ông có nhiều người đỗ đạt, cụ nội và ông nội đều đỗ Sinh đồ triều Hậu Lê.

Cha ông là Nguyễn Đình Thực vào năm Tân Dậu (1801), niên hiệu Bảo Hưng đã thi trúng Quốc Tử Giám thượng đường Giám sinh. Cụ nổi tiếng là người theo lẽ phải, ghét thói gian tà. Sau khi ở Quốc Tử Giám về quê, cụ mở trường dạy học, có hàng trăm học trò, nhiều người sau này đỗ đạt.

 Bài thi Đình của Nguyễn Đăng Huân được lưu chép trong 'Lịch khoa Hội Đình văn tuyển'.

Bài thi Đình của Nguyễn Đăng Huân được lưu chép trong 'Lịch khoa Hội Đình văn tuyển'.

Tương truyền khi Nguyễn Đăng Huân còn nhỏ, có vị quan họ Bùi là bạn của cha ông - Giám sinh Nguyễn Đình Thực đến chơi nhà, thấy cậu bé Huân thông minh, lanh lợi liền ra một vế đối thử tài: “Nhị thân cư đồng hương, hà địa bất sinh tài, hà tài bất tư thế” (Hai người ở cùng làng, đất nào chẳng sinh người tài, người tài nào chẳng giúp đời). Nguyễn Đăng Huân liền đối lại: “Nhất cử đăng khoa đệ, tự Hương dĩ cập Hội, tự Hội dĩ chí Đình” (Một lèo thi đều đỗ, từ thi Hương rồi thi Hội, từ thi Hội đến thi Đình).

Nguyễn Đăng Huân học giỏi và nhanh chóng nổi tiếng khắp tỉnh Sơn Tây xưa. Các kỳ tập văn của ông đều được thầy phê hạng bình và ưu. Có lần ông đi ăn giỗ nhà ông ngoại, người cậu của ông ra câu đối trêu rằng: “Thịt mỡ dưa hành đi miếng một”.

Ông liền ứng khẩu: “Lọng vàng quân kiệu kéo hàng đôi”. Suốt những năm đi học, Nguyễn Đăng Huân luôn để trong người một thẻ bài ghi hai chữ Trung - Hiếu. Năm 16 tuổi, Nguyễn Đăng Huân thi đỗ nhị trường; năm 18 và 22 tuổi, ông đều thi đỗ nhất trường. Năm Minh Mạng thứ 9 (Mậu Tý, 1828), ông thi đỗ Cử nhân. Năm sau (1829), ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Đệ nhất danh (Hoàng giáp).

Bài đối sách thi Đình của Nguyễn Đăng Huân hiện được lưu chép trong “Lịch khoa Hội Đình văn tuyển” (Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội, ký hiệu: A.1759/2). Tên tuổi, quê quán của ông được khắc trên bia đá tại Văn Thánh Huế. Kỳ thi này, triều Nguyễn không lấy Tam khôi mà Nguyễn Đăng Huân lại đỗ Đệ nhất giáp nên được xếp hàng Đình nguyên Hoàng giáp.

Sau khi đỗ, Nguyễn Đăng Huân được nhận chức Hàn lâm viện ty soạn, sau bổ là Tri phủ Điện Bàn (Quảng Nam). Ông có lòng nhân ái bao dung luôn lo cho dân chúng, nổi tiếng là người làm quan công bằng, liêm chính. Ngay cả với tội phạm, khi xét xử ông cũng tìm đường sống cho họ, để họ có cơ hội làm lại cuộc đời.

Vì vậy, ông rất được dân chúng trong vùng kính nể. Khi về nhà lo tang cha, dân chúng đưa đến nhiều tặng vật nhưng ông đều từ chối không nhận. Sau đó, ông được triệu về kinh giữ chúc Hàn lâm viện thị giảng. Năm sau, được thăng Lang trung bộ Lễ, Thanh lại tư viên ngoại lang, phụng chỉ vua soạn bộ “Minh Mệnh chính yếu”.

 Sắc phong của vua Minh Mạng phong cho Tiến sĩ Nguyễn Đăng Huân.

Sắc phong của vua Minh Mạng phong cho Tiến sĩ Nguyễn Đăng Huân.

Vua xót bề tôi hiền lương

Trong dịp theo hầu vua kinh lý vào Điện Bàn, dân chúng đón tiếp và tặng vị quan cũ của mình nhiều vật phẩm quý giá, nhưng Nguyễn Đăng Huân đều từ chối. Hành vi thanh liêm khi còn tại vị chức Tri phủ Điện Bàn từng khiến dân chúng cảm động, nay sự thanh bạch vẫn giữ nguyên càng khiến dân chúng địa phương rơi nước mắt, chỉ còn biết lưu luyến mãi không thôi.

Theo gia phả và các nguồn sử liệu, Nguyễn Đăng Huân luôn sống một cuộc đời thanh bạch, chỉ một mình tại nhiệm sở, còn vợ con vẫn ở quê nhà. Trong thời gian ở kinh thành Huế, ông vẫn quan tâm đến công việc làng xã. Ông chính là người viết bài ký tạc trên chuông chùa làng Hương Ngải xưa (đúc năm 1835 và hiện còn lưu giữ tại chùa) và một số câu đối được lưu lại tại các nơi thờ phụng chung của làng.

Năm Đinh Dậu, Minh mệnh thứ 18 (1837), Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân đột ngột mất tại nhiệm sở khi mới 34 tuổi. Nhà vua cử các quan khoa đạo và quan nội các vào xem xét và chỉ thấy một cái túi trong đó đựng một số bộ quần áo cũ, chỉ có một chiếc áo rét mới được ban cấp, không có đồng tiền nào và cũng không cất giữ bất cứ thứ gì quý giá.

Ngự sử tâu lên triều, nhà vua rất thương tiếc truy tặng Thị lang và phong Trung Thuận đại phu, tước Hương Đình bá, lại ban tặng 8 chữ: “Thanh bạch tự trì, thế chi liêm lại” (Nghĩa là: Giữ được thanh bạch nên người đời không nguôi nhớ tới ông quan liêm khiết).

Vua còn lệnh cho các nơi có trách nhiệm đưa thi hài Nguyễn Đăng Huân về quê mai táng và quan sở tại phải thường xuyên đến thăm hỏi mẹ già. Từ kinh thành Huế về đến quê nhà Hương Ngải, thi hài đi đến đâu đều được các nơi tổ chức đón rước và đưa tiễn trọng thể. Ở quê nhà, người dân cũng tổ chức lễ tang, khắc bia ghi lại công đức.

Việc này, sách “Đại Nam thực lục” có chép: “Sớ dâng lên, vua thương tiếc lắm, truy thụ Lang trung bộ Lễ, thưởng cho 100 quan tiền, sai bắt thuyền đưa (thi hài) về quê và thưởng cho 100 quan để nuôi vợ con viên ấy. Lại nghe nói hãy còn mẹ già, thưởng thêm 100 quan tiền và sắc cho quan địa phương thời thường thăm hỏi”.

Cái chết của vị quan thanh liêm lúc còn rất trẻ đã làm rung động trong triều ngoài nội, khiến muôn dân đương thời xúc động. Sử nhà Nguyễn cũng ghi rằng, quan khoa đạo là Nguyễn Tự, Lê Văn Thực làm sớ đem sự trạng của Nguyễn Đăng Huân tâu lên và nói:

“Quan lại trị dân quý hồ thanh bạch, làm quan thanh liêm ở triều đình, cố nhiên không thiếu người, nhưng tìm được người đặc biệt thì trước có Nguyễn Hữu Hoàng - Tri phủ Anh Sơn (Nghệ An), nay có Nguyễn Đăng Huân, phẩm hạnh tiết tháo không những dân hạt đều biết, mà sĩ phu không ai là không biết. So với người xưa, tưởng chẳng kém gì, xin lượng gia ơn điển, khiến cho người liêm được cảm kích phấn khởi”.

Vua Minh Mạng tới triều, hỏi sự trạng Nguyễn Đăng Huân khi làm quan, Phan Huy Thực đem những điều được nghe biết tâu trả lời. Vua bảo rằng: “Tiếc rằng triều đình mất người hiền lương ấy, nay sao có thể làm cho sống lại ở chín suối được?”.

Lại hỏi sự trạng Nguyễn Hữu Hoàng, Hà Quyền đem cả đầu cuối tâu lên. Vua bảo rằng: “Thế thời Nguyễn Hữu Hoàng trước đã nêu thưởng rồi”, nhân ngoảnh lại hỏi Trương Đăng Quế rằng: “Ngươi có biết Nguyễn Hữu Hoàng, Nguyễn Đăng Huân không?”.

Quế thưa rằng: “Tiết tháo thanh liêm của hai người ấy, thần cũng có nghe biết, nhưng người ta giữ được tiết tháo, có khi lúc đầu hơi biết cố gắng, mà về sau không trọn vẹn, cầu được người có trước có sau ít lắm, cho nên tuy hoặc có nghe biết cũng ít khi dám khinh thường tâu lên”.

Vua bảo rằng: “Phàm người ta, tự việc mình làm ra, còn không thể tự tin, huống chi người khác, nếu thấy có việc thực, bèn phải tâu lên, có gì là không nên, sau nếu thay đổi tiết tháo, là hắn tự chịu, há nên đoán trước là sau này không thể giữ được, mà không đề tâu cho để phải bỏ sót người hiền ư?”.

 Quán Nghinh Hương của làng Hương Ngải - nơi từng đón tiếp Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân và các nhà khoa bảng vinh quy bái tổ.

Quán Nghinh Hương của làng Hương Ngải - nơi từng đón tiếp Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân và các nhà khoa bảng vinh quy bái tổ.

Bia đá ghi danh người trung nghĩa

Hơn 20 năm sau, niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852), sử quán triều Nguyễn soạn bộ “Đại Nam liệt truyện”, tiếp tục thuật gốc ngọn trước sau về Nguyễn Đăng Huân: Ông “tính người thanh liêm cẩn thận, bình dị gần dân, mỗi khi đi thường đi bộ (không dùng cáng), xử đoán hết tình, thường có người kiện về ruộng, trước hết mở bảo cho hai bên biết, rồi chỉ nói một câu là xử đoán xong, hai bên nguyên - bị đều phục; việc khác cũng thế.

Coi chức vài năm, người trong quận yêu như bố mẹ. Vì có tang bố xin về, ai đưa đồ tiễn biếu đều khước từ. Sau lĩnh Lang trung bộ Lễ, theo xa giá đi tuần qua hạt cũ, nhân dân đón đường yết kiến, nhiều người đưa biếu tiền lụa, đều không nhận. Rồi chết, túi làm quan vẫn rỗng tuếch, duy có một cái áo mùa đông mới ban cho để khâm liệm.

Đại thân (Ngự sử đài) đem việc tâu lên, vua rất tiếc nói rằng: “Đáng giận là lúc Đăng Huân sống không có ai đề cử đến, truy thụ cho hàm Lang trung, sai hậu cấp cho gia đình; lại sai quan có chức trách ở địa phương thường hỏi thăm người mẹ. Sau dân Điện Bàn truy nhớ phụ thờ vào Văn từ của bản phủ. Con là Điện do quân công được bổ Tri huyện”.

 Khu mộ Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân tại quê hương Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội).

Khu mộ Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân tại quê hương Hương Ngải (Thạch Thất, Hà Nội).

Cũng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời của triều đình nên hai người con của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân được học hành và thành danh. Con trai cả là Nguyễn Đăng Tích được phong Lục phẩm Suất đội và bổ hàm Lục phẩm Văn giai, sau này được làm Tri huyện ở Gia Lộc (Hải Dương), rồi thăng dần làm Tri châu Mai Đà (Đà Bắc và Mai Châu ngày nay).

Con thứ của Nguyễn Đăng Huân là Nguyễn Đăng Bảng làm nghề dạy học, có nhiều học trò theo học, nhiều người thành đạt và hữu dụng. Hiện nay, tại bàn thờ tư gia dòng đích tôn còn treo đôi câu đối học trò mừng thầy Nguyễn Đăng Bảng như sau: “Thanh bạch truyền gia sơn đầu ngưỡng/ Văn chương quán thế thạch bi tôn” (nghĩa là: Gia đình truyền thống thanh liêm, núi cao cũng ngưỡng vọng/ Văn chương bao trùm thiên hạ, bia đá ghi danh còn tồn tại mãi).

Các bộ chính sử của triều Nguyễn như “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, “Đại Nam nhất thống chí”, sau khi kể công danh hành trạng đã dùng những câu chữ đẹp nhất để ca ngợi Nguyễn Đăng Huân. Tiếc thay một con người tài cao, đức độ, được vua tin dân mến lại đoản mệnh, và ngày càng ít người biết tới.

Theo lưu truyền, phu nhân của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Huân là bà Nguyễn Thị Chuyên, là người có học và có tài ứng đối. Trong thời gian Nguyễn Đăng Huân còn đi học, lý dịch bắt bà đi phu thay chồng đắp đê sông Tích.

Quan tri huyện thấy vậy có hỏi, bà trình bày lý do, quan huyện ra một vế đối và hứa nếu đối được sẽ miễn cho việc phu dịch: “Phu là chồng, Phụ là vợ, vì chồng nên vợ phải đi phu”. Bà đối lại: “Mẫu là mẹ, Tử là con, thờ mẹ sao con còn nói mẫu”. Quan huyện bừng mặt nhưng phục tài, liền tặng bà một nén bạc và miễn cho việc đắp đê.

Sau này khi Nguyễn Đăng Huân đỗ Tiến sĩ vinh quy bái tổ, bọn lý dịch trước đây hay những nhiễu đến lạy xin tha tội. Cả hai ông bà không truy cứu, chỉ khuyên bọn chúng từ nay không được quấy nhiễu dân chúng, giữ đạo làm người - để phúc cho con.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cai-chet-cua-vi-hoang-giap-khien-vua-minh-mang-xot-xa-post706780.html