Cái khó của trường địa phương khi đào tạo nhân lực ngành Kiểm toán
Được nhận định là ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, sinh viên ngành Kiểm toán nơi có tỷ lệ việc làm cao, người 'rẽ hướng'.
Đứng trước định hướng về chuẩn mực kế toán quốc tế, ngành Kiểm toán có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm tại ngành này nhưng một số sinh viên còn gặp khó do hạn chế về khả năng ngoại ngữ.
Xây dựng chương trình đào tạo bám sát yêu cầu thực tế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Trần Hạnh Phương - Trưởng Bộ môn Kiểm toán - Khoa Kinh tế & Kế toán (Trường Đại học Quy Nhơn) cho biết, trước đây, Khoa đào tạo chuyên ngành Kiểm toán thuộc ngành Kế toán. Tuy nhiên, nhận thấy được nhu cầu nhân lực chuyên ngành này và sau quá trình điều chỉnh chương trình đào tạo, học hỏi kinh nghiệm từ các cơ sở giáo dục đại học đi đầu trong công tác đào tạo ngành Kiểm toán. Khoa quyết định mở đào tạo ngành này và đã có 2 khóa sinh viên tốt nghiệp.
Tiến sĩ Phương cho biết, trường định hướng đào tạo ngành Kiểm toán theo hướng thực nghiệm, nghĩa là đào tạo sinh viên nắm được kiến thức thực tế bằng cách thực hành cơ bản, kiến thức chuyên môn giúp các bạn ra trường có thể làm việc tốt tại vị trí trợ lý kiểm toán viên. Bên cạnh đó, Khoa và trường cũng hỗ trợ sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đề cập đến việc đổi mới chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội, Tiến sĩ Lê Trần Hạnh Phương thông tin: “Sau mỗi đợt giảng dạy, Khoa và trường đều cập nhật chương trình đào tạo, hướng kiểm toán mới, những phương pháp, quy định kế toán, kiểm toán nội bộ điều này giúp sinh viên nắm bắt được kịp thời nội dung đổi mới của xã hội hiện nay. Đồng thời, nếu dạy theo một bộ số liệu cũ hoặc chương trình cũ, sinh viên các khóa sẽ có sự tham khảo nội dung, không hiểu rõ kiến thức thực tế.
Trong thời gian tới, Khoa và bộ môn sẽ đẩy mạnh đào tạo nội dung kiểm toán nội bộ để sinh viên có thể tiếp cận được nhanh nhất nhu cầu thị trường trường lao động hiện nay về kiểm toán nội bộ”.
Cùng là cơ sở đào tạo ngành Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) có mục tiêu đào tạo cử nhân ngành này có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có kiến thức cơ bản về kinh tế - xã hội, pháp luật, quản lý doanh nghiệp và nắm vững kiến thức chuyên sâu về kiểm toán.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến - Trưởng khoa Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) nói: “Ngành Kiểm toán có vai trò rất lớn trong việc hướng các doanh nghiệp thực hiện đúng chế độ tài chính, ngân sách của Nhà nước, đồng thời, kiểm toán viên có vai trò nhắc nhở, đốc thúc và ngăn chặn những sai phạm tài chính kế toán về sử dụng ngân sách.
Ngành Kiểm toán của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) thường chú trọng đào tạo các môn học về kiểm toán, đồng thời trang bị kiến thức nền và kĩ năng thực hành cho sinh viên, nội dung mô phỏng thực hành. Hàng năm, Khoa đón nhận từ 100 - 120 sinh viên tham gia học ngành này”.
Tiến sĩ Chiến cho biết, từ năm 2020 đến nay, chương trình đào tạo ngành Kiểm toán của Khoa có sự tham gia của doanh nghiệp trong việc giảng dạy 15 tiết. “Sinh viên có phản hồi tích cực khi tham gia các tiết học này. Nắm bắt được tâm lý đó, Khoa đã nhân rộng ở nhiều môn học trong việc mời doanh nghiệp về giảng dạy.
Tuy nhiên, Khoa cũng gặp khó trong việc tìm kiếm và mời doanh nghiệp đạt chất lượng, có uy tín về giảng dạy, đặc biệt là mời công ty, doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, bởi, kinh phí còn hạn chế. Chưa kể, số lượng công ty về kiểm toán ở miền Trung còn chưa nhiều”.
Học trường địa phương, sinh viên gặp khó tìm địa điểm thực tập
Bàn về nội dung thực hành của sinh viên ngành Kiểm toán, thầy Chiến cho biết, thầy, cô trong Khoa và bộ môn tiến hành gửi biểu mẫu và cho sinh viên trực tiếp thực hành trên biểu mẫu đó, dựa trên số liệu thực tế để phân tích và kết luận.
Song, Khoa cũng gặp khó khi tìm kiếm đơn vị thực tập do chủ yếu các doanh nghiệp, công ty có địa chỉ tại Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh nên nhiều sinh viên không thực tập được đúng ngành mà lựa chọn cơ hội thực tập tại ngành Kế toán. Để giải quyết tình trạng đó, Khoa kết nối với cựu sinh viên hiện đang mở công ty, doanh nghiệp, tạo môi trường thực hành, thực tập cho sinh viên.
Còn về phía Trường Đại học Quy Nhơn, việc tổ chức học phần thực hành của sinh viên có nhiều thuận lợi nhưng cũng có khó khăn. Tiến sĩ Lê Trần Hạnh Phương chia sẻ: “Một điểm thuận lợi của sinh viên ngành Kiểm toán của trường là nhận được sự hỗ trợ, kết nối của công ty kiểm toán tại địa phương có nhu cầu về nguồn nhân lực ngành này. Sinh viên tham gia thực tập ngắn hạn được hướng dẫn và học hỏi ngay doanh nghiệp.
Bởi, đơn vị này mong muốn, khi bắt đầu thời gian thực tập năm 4, sinh viên đã có khoảng thời gian hiểu rõ về quy trình làm việc tại doanh nghiệp. Đồng thời, giảng viên bộ môn có sự kết nối mật thiết với công ty kiểm toán, tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên tham gia thực hành, thực tập tại đơn vị này.
Đồng thời, sau mỗi khóa sinh viên tốt nghiệp, công ty kiểm toán sẽ phản hồi góp ý với Khoa về nội dung thực hành, sinh viên còn yếu ở điểm nào để Khoa và trường có những điều chỉnh trong chương trình đào tạo”.
Bên cạnh đó, ngành Kiểm toán của trường có học phần thực hành kiểm toán 6 tín chỉ, sinh viên được học với bộ số liệu thực tế trên máy tính; 1 học phần thực tập thực tế 2 tín chỉ, có thời gian ít nhất từ 5 - 7 ngày ở công ty kiểm toán và 1 học phần thực tập năm 4 và các đề án chuyên ngành. Với nội dung học này giúp sinh viên nắm rõ kiến thức lý thuyết ngành Kiểm toán và áp dụng vào thực tế.
Sinh viên có việc làm nơi chiếm tỷ lệ cao, người làm trái ngành
Chia sẻ thêm về công tác tuyển sinh, Tiến sĩ Phương thông tin: "Khoa và Trường Đại học Quy Nhơn xác định ngành Kiểm toán cần đảm bảo chất lượng sinh viên “đầu vào”, mặt khác trên thực tế, Khoa gặp không ít khó khăn khi tiến hành tư vấn tuyển sinh tại địa phương.
Để học sinh và phụ huynh hiểu về kiểm toán và cơ hội việc làm của ngành là rất khó. Do vậy, trong công tác tuyển sinh, Khoa chủ động tiếp cận, trao đổi và tư vấn để học sinh và phụ huynh có lựa chọn phù hợp và yên tâm khi học tập tại trường. Trong khi đó, sinh viên có định hướng và hiểu rõ về ngành Kiểm toán sẽ lựa chọn học tập tại các trường đại học trọng điểm ở thành phố lớn".
Chia sẻ về cơ hội việc làm của sinh viên ngành Kiểm toán, Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến cho biết, sinh viên ngành Kiểm toán của trường sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp ở khu vực miền Trung và miền Nam tiếp nhận nhiều. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngành Kiểm toán cao. Ngoài ra, trưởng tổ chức ngày hội tuyển dụng giúp sinh viên rộng mở trong việc lựa chọn nơi làm việc phù hợp.
Cô Phương cũng chia sẻ thêm, Khoa và trường có 2 khóa sinh viên tốt nghiệp ngành Kiểm toán nhưng có khoảng 30% - 50% tỷ lệ sinh viên làm đúng ngành kiểm toán ở 2 thành phố là Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, còn 50% sinh viên lựa chọn làm việc tại ngành Kế toán.
Lý giải về điều này, cô Phương nói: “Do trong quá trình thực tập, một số sinh viên không chịu được áp lực công việc nên quyết định “rẽ hướng” làm việc tại ngành Kế toán. Bên cạnh đó, thầy cô bộ môn và Khoa cũng trăn trở nhiều khi kỹ năng tiếng Anh của sinh viên chưa tốt nên trong mỗi kỳ thi tuyển, các bạn bị mất lợi thế ở phần đánh giá tiếng Anh trong khi phần thực hành các bạn làm rất tốt”.
Nhận định về nhu cầu việc làm của ngành học này, Tiến sĩ Phương chia sẻ rằng: “Hiện nay, một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Kiểm toán tập trung chủ yếu ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, sinh viên các trường này sau khi tốt nghiệp vẫn lựa chọn ở lại làm việc, trong khi các địa phương như Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Yên,... rất cần nhân lực ngành Kiểm toán như kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ.
Cách đây 5 năm, nguồn nhân lực ngành Kiểm toán ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên được đào tạo chủ yếu từ kế toán, chưa hiểu rõ về công việc, phương pháp làm việc của kế toán viên. Do đó, nguồn nhân lực ở hiện tại cũng như trong tương lai, đặc biệt ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang rất cần.
Chưa kể, trên cả nước, nguồn nhân lực ngành Kiểm toán cũng đang thiếu khi nước ta có định hướng về chuyển đổi báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán quốc tế”.
Để nâng cao chất lượng đào tạo ngành Kiểm toán trong thời gian tới, Trưởng bộ môn Kiểm toán, Khoa Kinh tế & Kế toán (Trường Đại học Quy Nhơn) đề xuất: “Cần tạo lập hệ sinh thái cộng hưởng từ các cơ sở giáo dục đại học, hội nghề nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc kết hợp các công ty kiểm toán ở các vùng với nhau, tạo môi trường cho sinh viên tiếp cận”.