Cái tên mới xuất hiện trong top công ty chứng khoán cho vay margin cao nhất

Đến cuối quý IV/2024, top 6 các công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin cao nhất có sự xáo trộn khi xuất hiện Mirae Asset và Vietcap, song VNDirect lại biến mất khỏi danh sách.

Thống kê của FiinTrade từ báo cáo tài chính quý IV/2024 của 70 công ty chứng khoán đại diện 99,2% quy mô vốn chủ sở hữu của toàn ngành, thì dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ (margin) đạt gần 243.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2024, tăng nhẹ so với cuối quý III và là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam .

Cùng thời điểm cuối quý IV/2024, tổng vốn chủ sở hữu nhóm thị trường chứng khoán vào khoảng 265.000 tỷ đồng, tăng khoảng 15.000 tỷ đồng so với cuối quý III.

Như vậy, tỉ lệ margin/vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2024 nhích nhẹ lên mức 91%, cao nhất trong vòng 9 quý. Dù vậy, con số này vẫn còn thấp hơn nhiều so với giai đoạn VN-Index trên đỉnh 1.500 điểm hồi cuối năm 2021 đến đầu năm 2022.

Biến động top 6 công ty cho cho vay margin cao nhất

Theo thống kê của Người Đưa Tin, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) là công ty có dư nợ cho vay tăng mạnh nhất. Tại ngày 31/12/2024, dư nợ cho vay của TCBS gần 26.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với quý liền trước và tăng hơn 1,5 lần so với thời điểm cuối năm 2023, đứng đầu trong nhóm chứng khoán. năm 2024, TCBS đạt hơn 2.500 tỷ đồng thu nhập thuần từ mảng cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán, tăng 65% so với năm 2023.

Công ty này cũng là quán quân lợi nhuận ngành chứng khoán với mức lãi sau thuế quý II/2024 tăng 6% lên 746,2 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2024, doanh thu hoạt động của TCBS tăng 45% lên 7.615,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 60% lên 3.849,7 tỷ đồng. Đây đều là kết quả kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi hoạt động.

Đứng thứ hai là Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) với dư nợ cho vay đạt 21.998,6 tỷ đồng, tăng 6.864 tỷ đồng so với hồi đầu năm và là mức cao nhất kể từ thời điểm cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ margin ở mức 21.815 tỷ đồng.

Lãi từ các khoản cho vay và phải thu là điểm sáng trong quý IV/2024 của SSI khi tăng 23% lên 570,7 tỷ đồng. Trong khi đó lãi thuần từ tự doanh giảm 37%, doanh thu môi giới cũng giảm 15% xuống gần 203 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2024, Chứng khoán SSI ghi nhận 8.201 tỷ đồng doanh thu và 3.352,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 19% và 23% so với cùng kỳ năm 2023. So với mục tiêu đề ra, công ty chứng khoán này đã vượt kế hoạch doanh thu và hoàn thành 98,6% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Vị trí thứ 3 thuộc về Chứng khoán Tp.HCM (HSC) với dư nợ cho vay ký quỹ tăng hơn 8.293,4 tỷ đồng so với đầu năm, đạt hơn 20.428,5 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2024.

Trong quý IV/2024, HSC ghi nhận doanh thu hoạt động 1.181,5 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Cấn trừ thuế và các loại chi phí, Chứng khoán HSC báo lãi sau thuế 227 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2024, Chứng khoán HSC ghi nhận 4.276,2 tỷ đồng doanh thu hoạt động tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi các chi phí, HSC báo lãi sau thuế 1.039,7 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ và hoàn thành 90% kế hoạch năm. Đây là lần đầu doanh nghiệp quay lãi mức lãi nghìn tỷ sau khi đạt kỷ lục 1.147 tỷ đồng vào năm 2021.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) là cái tên mới xuất hiện trong top những công ty chứng khoán có dư nợ margin cao nhất. Thời điểm cuối năm 2024, dư nợ cho vay margin của MAS ở mức 18.225 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm và chiếm 84% tổng tài sản.

Trong quý IV/2024, MAS ghi nhận lãi sau thuế gần 180 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ nhờ tiết giảm hai khoản chi phí trọng yếu là chi phí môi giới và chi phí lãi vay. Lũy kế cả năm 2024, công ty lãi sau thuế 659 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, Chứng khoán VPS ghi nhận nhiều điểm sáng từ hoạt động tự doanh và lãi từ các khoản cho vay, song mảng môi giới không còn đem lại lợi nhuận chính cho công ty.

Hoạt động cho vay của VPS khởi sắc khi lãi từ cho vay và phải thu đạt 458 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Tại ngày 31/12/2024, dư nợ cho vay của VPS ghi nhận hơn 12.493 tỷ đồng, tăng 867,4 tỷ so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là dư nợ cho vay ký quỹ (margin) với 12.209 tỷ đồng, đây là con số kỷ lục của doanh nghiệp từ khi hoạt động.

Tính chung trong quý IV/2024, doanh thu hoạt động của Chứng khoán VPS đạt 1.544 tỷ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà môi giới chứng khoán này ghi nhận lãi sau thuế 837,3 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ và là con số cao nhất từ trước đến nay.

Lũy kế cả năm 2024, doanh thu hoạt động của VPS tăng nhẹ lên 6.466,3 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3,8 lần lên 3.156,6 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch lãi trước thuế kỷ lục 1.500 tỷ đồng đề ra.

Những ngôi sao mới xuất hiện

Bên cạnh những cái tên quen thuộc thắng lớn từ mảng tự doanh, thì Chứng khoán Kafi hay Chứng khoán Vietcap cũng ghi dấu ấn trong năm 2024 vừa qua.

Cụ thể, các khoản cho vay của Chứng khoán Vietcap vào thời điểm cuối quý IV/2024 đạt kỷ lục 11.222 tỷ đồng, tăng tới 3.200 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó dư nợ margin ghi nhận hơn 11.100 tỷ đồng, con số này đã đưa Vietcap lọt vào top 6 công ty chứng khoán có dư nợ margin cao nhất, thay thế VNDirect.

Quý IV/2024, Chứng khoán Vietcap ghi nhận doanh thu hoạt động gần 999 tỷ đồng, tăng 193,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng 24%. Trong đó, lãi từ cho vay và phải thu của Chứng khoán Vietcap tăng 35% lên 251,9 tỷ đồng. Trừ đi chi phí, Chứng khoán Vietcap báo lãi sau thuế 218,4 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2024, doanh hoạt động của Chứng khoán Vietcap đạt 3.969 tỷ đồng, tăng 49%. Lãi trước thuế đạt 910,7 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ và vượt 56% kế hoạch năm đề ra.

Các khoản cho vay và phải thu của Chứng khoán Kafi tăng mạnh từ 1.095,7 tỷ đồng hồi đầu năm lên 5.359,6 tỷ đồng vào quý IV/2024. Trong đó chủ yếu là cho vay margin với gần 5.323 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với đầu năm.

Trong quý IV/2024, Kafi ghi nhận doanh thu hoạt động tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên 340,3 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu khởi sắc tăng gấp 4 lần lên 94,8 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, Chứng khoán Kafi báo lãi sau thuế 86,3 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ và là con số kỷ lục từ khi hoạt động.

Cùng với kết quả kinh doanh khởi sắc ở các quý trước đó, lũy kế cả năm 2024, doanh thu hoạt động của công ty đạt 955,9 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Lãi trước thuế và sau thuế ở mức 256,7 tỷ đồng và 203,7 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.

Đòn bẩy của ngành sẽ tăng lên trong thời gian tới?

Ông Trần Đức Anh - Giám đốc vĩ mô và chiến lược thị trường CTCK KB Việt Nam (KBSV) nhận định, thực trạng dư nợ margin trên thị trường hiện cao, nhưng với thanh khoản thấp, thì phần nhiều tới từ thỏa thuận giữa các khách hàng lớn thỏa thuận với công ty chứng khoán, còn dư nợ margin thực tế của nhà đầu tư cá nhân có lẽ không cao so với thời điểm 1-2 năm trước.

Còn phía VIS Rating dự báo, việc tăng vốn đáng kể trong năm 2024 và kế hoạch năm 2025 tiếp tục hỗ trợ doanh thu mảng cho vay ký quỹ.

Cụ thể, với tỉ lệ margin/vốn chủ sở hữu hiện nay và quy định "công ty chứng khoán không được cho vay ký quỹ vượt quá hai lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm", các đơn vị ước còn hơn 260.000 tỷ đồng dành cho nhà đầu tư vay margin thời gian tới. Như vậy, xét về mặt tổng thể toàn thị trường, dư địa cho vay còn rất nhiều.

Đơn vị này cũng cho rằng, lợi nhuận cho vay margin sẽ cải thiện nhờ tâm lý nhà đầu tư tích cực, trong khi lợi nhuận dịch vụ môi giới vẫn ở mức thấp do giảm phí môi giới theo chính sách.

Trong xu hướng phục hồi, các công ty chứng khoán có liên kết với ngân hàng tư nhân sẽ có thể tăng dư nợ margin nhanh hơn các công ty cùng ngành, nhờ việc bơm vốn cao hơn trong giai đoạn 2024-2025.

Ngược lại, các công ty chứng khoán có vốn nước ngoài sẽ đối mặt với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận hạn chế do lãi suất cho vay ký quỹ thấp hơn, thiếu lợi thế quy mô và nền khách hàng khiêm tốn.

Đồng quan điểm, CTCK VNDirect cho rằng dư nợ cho vay margin và lợi suất cho vay được sẽ gia tăng trong năm 2025, do thanh khoản toàn thị trường và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ được cải thiện nửa cuối năm.

Theo đó, giá trị giao dịch bình quân bình quân năm 2025 ước khoảng 25.000 tỷ đồng/phiên tăng 20% so với năm 2024, nhờ các yếu tố như: Hệ thống KRX được dự kiến vận hành trong nửa đầu năm 2025; VN-Index dao động quanh vùng 1.400-1.450 điểm; Thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ cận biên lên mới; lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết toàn thị trường ước tăng 18%.

VNDirect kỳ vọng dư nợ cho vay ký quỹ sẽ tăng lên mức 254.000 tỷ đồng trong năm 2025 nhờ tâm lý nhà đầu tư cải thiện, trong bối cảnh thanh khoản gia tăng và hiệu suất đầu tư cải thiện.

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cai-ten-moi-xuat-hien-trong-top-cong-ty-chung-khoan-cho-vay-margin-cao-nhat-204250205144936018.htm