Cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng cho người lao động

Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến sức khỏe NLĐ để đảm bảo năng suất lao động. Ảnh: HOÀNG LÊ

Người lao động (NLĐ) nhiều nơi đang phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo an toàn và căng thẳng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động, hiệu quả công việc chưa cao.

Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2023 diễn ra từ ngày 1-31/5 với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”, đang được các sở, ban ngành, công ty, doanh nghiệp sản xuất hưởng ứng.

Nhiều áp lực

Theo các chuyên gia, do tác động của kinh tế thị trường, các doanh nghiệp đang theo đuổi mục tiêu tạo ra lợi nhuận cao hơn. Vì vậy, doanh nghiệp liên tục thay đổi cách tổ chức và quản lý sản phẩm, đổi mới công nghệ, phương pháp làm việc, chính sách nhân sự… Những thay đổi đó dẫn đến cường độ làm việc cao hơn; khối lượng công việc tăng, có tác động tiêu cực đến sức khỏe và sự an toàn của NLĐ.

Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Hiện nay, NLĐ gặp rất nhiều áp lực. Thời gian làm việc tăng, cường độ làm việc tăng do tổ chức sản xuất không hợp lý. NLĐ phải làm đêm hoặc tăng ca; nhiều người có con nhỏ nhưng phải làm việc trong giờ không chăm sóc con nhỏ được, không đưa đón con được cũng dẫn đến áp lực, căng thẳng…

Chị Nguyễn Thị Kim Tuyết Nhung đang làm việc tại Công ty CP An Hưng, chia sẻ: Nhiều thời điểm đơn hàng tăng, NLĐ phải làm việc cường độ cao, tăng ca... nên đôi khi căng thẳng. Còn anh Đỗ Ngọc Anh làm việc tại Khu công nghiệp An Phú (TP Tuy Hòa) thổ lộ: Công ty chuyên sản xuất các mặt hàng để xuất sang nước ngoài. Sau đợt dịch COVID-19, đơn hàng rất nhiều nên công nhân phải tăng ca mới đáp ứng được. Tuy công ty có chế độ khuyến khích NLĐ nhưng tăng ca liên tục, tôi không đủ sức nên đã nghỉ để xin việc khác.

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), sau đại dịch, rất nhiều người bị hậu COVID-19 nên ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm trí nhớ… đòi hỏi thời gian hồi phục và công tác tổ chức sản xuất phải đảm bảo. Ngoài biện pháp quản lý tổ chức sản xuất, người sử dụng lao động, công đoàn phải có biện pháp hỗ trợ giúp NLĐ làm việc với tinh thần sảng khoái hơn, giúp giữ được sức lao động và năng suất cao hơn. “Chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay hướng tới tất cả vì sức khỏe, vì tinh thần và vì điều kiện làm việc của NLĐ được an toàn hơn. Do đó, chúng tôi khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp giảm căng thẳng cho NLĐ”, ông Hà Tất Thắng nói.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng đã đưa ra khuyến nghị, có hơn 200 bệnh hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ. Do đó, các hoạt động trong tháng hành động hướng tới kêu gọi doanh nghiệp không tăng thời gian làm thêm quá quy định, bố trí cho lao động nghỉ ngơi, chăm lo sức khỏe, đời sống…

NLĐ trên địa bàn TP Tuy Hòa được khám sức khỏe định kỳ. Ảnh: KIM CHI

NLĐ trên địa bàn TP Tuy Hòa được khám sức khỏe định kỳ. Ảnh: KIM CHI

An toàn là trên hết

Theo ông Phan Đại Thắng, trong năm qua, công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về công tác này. Một số người sử dụng lao động đã chủ động triển khai tốt các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, vệ sinh môi trường làm việc và trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ.

Theo báo cáo của 33 doanh nghiệp, tổng số người làm thêm trong năm 2022 là 6.460 người với tổng số giờ làm thêm 326.652 giờ. Các đơn vị, công ty đã thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho 2.108 người với tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 9.864 NLĐ. “Trong năm 2023, các công ty tiếp tục tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP; phối hợp tham gia chiến dịch truyền thông về thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ; thực hiện công tác tự kiểm tra tại đơn vị; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho NLĐ”, ông Thắng cho biết.

Ông Phan Đình Hồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP An Hưng chia sẻ: Công ty luôn đảm bảo đầy đủ chế độ, các chính sách, phúc lợi ưu tiên như: thưởng chuyên cần từ 1-1,2 triệu đồng/người/tháng; thưởng năng suất 300.000 đồng/tháng; thưởng lương tháng 13, tặng quà nhân các dịp lễ, tết… Việc khám sức khỏe định kỳ cũng được công ty áp dụng, động viên tinh thần NLĐ. Nhờ phối hợp thực hiện hiệu quả các chương trình phúc lợi, các mặt đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, đoàn viên, NLĐ rất phấn khởi, nỗ lực thi đua lao động sản xuất, tin tưởng, gắn bó lâu dài với công ty.

Tại lễ phát động Tháng công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ tại Khu công nghiệp An Phú, đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận: Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa thiết thực, được đông đảo NLĐ và doanh nghiệp trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Các hoạt động đó đã thể hiện vai trò tích cực của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, đảm bảo làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc cho cán bộ, đoàn viên, NLĐ, đặc biệt là lao động đang trực tiếp sản xuất ở các doanh nghiệp, các khu công nghiệp của tỉnh. Những hoạt động đó cũng tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm, đời sống, việc làm của cán bộ, đoàn viên, NLĐ, góp phần tạo sự gắn bó giữa đoàn viên, NLĐ với tổ chức công đoàn và chủ doanh nghiệp, nhất là trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 22-CT/TW ngày 5/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo đề nghị các cấp công đoàn cần thực hiện tốt việc thông tin tuyên truyền, phát động các phong trào thực hiện công tác ATVSLĐ tại đơn vị; xây dựng các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá rủi ro về an toàn đối với các máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Đồng thời triển khai các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ rủi ro, tai nạn đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc. Các cấp công đoàn cần phối hợp thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ theo quy định, huấn luyện kỹ năng đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; tổ chức biểu diễn mẫu xử lý sự cố kỹ thuật về an toàn; thực hành sơ cấp cứu. Thực hiện công tác kiểm tra, tự kiểm tra nhằm phát hiện và kịp thời khắc phục những nguy cơ mất an toàn, xử lý các vi phạm về ATVSLĐ. Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại, hội thi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình về ATVSLĐ. Khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tốt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa thiết thực, được đông đảo NLĐ và doanh nghiệp trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Các hoạt động đó đã thể hiện vai trò tích cực của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ…

Đồng chí Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,

Phó Chủ tịch UBND tỉnh

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/298120/cai-thien-dieu-kien-lam-viec-giam-cang-thang-cho-nguoi-lao-dong.html