Cải thiện hệ sinh thái và giảm nghèo hiệu quả
Thời gian qua, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừng, mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó, bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, cải thiện môi trường sinh thái trên địa bàn thành phố Lai Châu.
Sùng Phài là địa phương có số diện tích rừng lớn nhất thành phố Lai Châu với hơn 2.200ha. Năm 2023, đã chi trả tiền DVMTR cho 38 nhóm hộ và 89 hộ gia đình của xã và 9 cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng với tổng số tiền chi trả hơn 2 tỷ đồng. Việc chi trả được xã tiến hành công khai, chi đúng, chi đủ đảm bảo theo quy định.
Từ khi tiền chi trả DVMTR được triển khai, người dân có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình và có thêm động lực để chung tay góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cùng với đó, nhận thức của người dân trong xã về việc bảo vệ rừng cũng được nâng lên. Nhiều năm qua, trên địa bàn xã không còn xảy ra tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy.
Ông Sùng A Chía - Trưởng bản Trung Chải phấn khởi nói: Trung bình mỗi năm bà con trong bản được nhận từ 1 - 2 triệu đồng từ tiền DVMTR, bà con có điều kiện tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, được cán bộ tuyên truyền về việc bảo vệ rừng, mọi người đều có ý thức hơn rất nhiều, không tự ý đốt rừng, phát nương làm rẫy.
Hay như bản Suối Thầu, nhờ có tiền DVMTR, bản có điều kiện tu sửa, nâng cấp đường nội bản, kênh mương thủy lợi phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất cho bà con ở bản. Anh Sùng A Nhà - Trưởng bản Suối Thầu chia sẻ: Bản thường xuyên tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cho từng hộ gia đình, lập quy ước, hương ước của bản trong việc bảo vệ rừng. Đối với tiền DVMTR, bản tuyên truyền nhân dân sử dụng hợp lý và khoa học. Đặc biệt, chúng tôi tổ chức họp bản để thống nhất trích một phần từ tiền DVMTR để cho vào quỹ nhằm tu sửa kênh mương thủy lợi, đường bản hoặc hệ thống điện thắp sáng trong bản.
Được biết, diện tích được chi trả DVMTR năm 2023 của thành phố hơn 2.643ha với tổng số tiền 2.952 triệu đồng cho 76 nhóm hộ, 303 hộ gia đình, cộng đồng dân cư 9 bản. Hằng năm, Hạt Kiểm lâm thành phố phối hợp với các xã, phường tiến hành xác định đối tượng sử dụng DVMTR, diện tích rừng cung ứng DVMTR. Xây dựng bản đồ khoán, nghiệm thu DVMTR đến từng xã, phường để xác định diện tích chi trả. Triển khai xác định ranh giới, diện tích rừng đến từng chủ rừng có cung ứng DVMTR và ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chi trả DVMTR.
Đặc biệt là kiểm tra, giám sát việc rà soát, xây dựng phương án diện tích rừng, đối tượng được hưởng tiền chi trả DVMTR. Công khai danh sách đối tượng được chi trả, kế hoạch chi trả hằng năm theo quy chế dân chủ tại cơ sở bằng các hình thức: niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, nhà văn hóa để người dân tiện theo dõi. Từ đó, bà con đồng tình, ủng hộ, tạo được sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của nhân dân đối với công tác bảo vệ rừng.
Anh Nguyễn Văn Thế - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Lai Châu khẳng định: “Việc thực hiện tiền chi trả DVMTR trên địa bàn thành phố góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, tăng tỷ lệ che phủ rừng của thành phố lên 28%. Khuyến khích chủ rừng, người dân tham gia công tác phát triển rừng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng. Tạo ra nguồn tài chính quan trọng, ổn định, góp phần giảm chi phí từ ngân sách nhà nước cho ngành Lâm nghiệp”.
Việc tổ chức triển khai tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã khẳng định hướng đi đúng đắn và phù hợp với thực tiễn công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng; từng bước đi vào cuộc sống người dân, tạo lập nguồn tài chính mới mang tính ổn định, bền vững.