Cấm dạy thêm học thêm: 'Giáo viên trao truyền kiến thức tự nguyện sẽ nhận được rất nhiều thứ'
Nhiều giáo viên ủng hộ quy định mới của Bộ GD&ĐT về dạy thêm học thêm trong trường học, đảm bảo công bằng giữa các môn học, công bằng cho giáo viên và học sinh, tạo sự cạnh tranh lành mạnh.
Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm với mục tiêu loại bỏ vấn nạn học thêm tràn lan, tránh những biến tướng của dạy thêm là hết sức cần thiết. Mặc dù vậy, trong bối cảnh căng thẳng của các cuộc thi chuyển cấp, vào đại học vẫn hết sức nóng, thì giảm bớt học thêm lại càng thêm phần lo lắng cho học sinh và phụ huynh.
Học thêm phải xuất phải từ nhu cầu
Tối ngày 7/2, phụ huynh Dương Anh Quân, Khâm Thiên, Hà Nội có chút lo lắng khi nhận được thông báo từ cô giáo là sẽ dừng học thêm bắt đầu từ tuần sau.
Vị phụ huynh chia sẻ: "Hết học kỳ này con tôi sẽ lên lớp 6, vì vậy gia đình vẫn đăng ký cho con đi học thêm để nắm vững kiến thức khi sang môi trường mới. Cho con đi học thêm thầy cô của trường sẽ giúp phụ huynh thuận tiện, không phải tìm kiếm các giáo viên bên ngoài, giáo viên cũng hiểu rõ năng lực của các cháu".
Trước mắt, anh Quân chọn để con tăng cường giờ học tại nhà và thuê gia sư đối với những môn quan trọng.
Có quan điểm ủng hộ quy định mới, chị Ngọc Thu, Cầu Giấy, Hà Nội nhận thấy như vậy sẽ có sự công bằng giữa học sinh đi học thêm và không đi học thêm.
"Nhiều năm qua tôi không cho con đi học thêm hay tham gia các câu lạc bộ tại trường, cháu vẫn tiếp thu và có kết quả tốt ở trên trường. Tuy nhiên, con tôi cũng là trường hợp đặc biệt trong lớp khi tất cả các bạn đều đi học thêm, việc bị phân biệt với các bạn khác đã từng xảy ra trong quá trình xếp loại học tập ở những năm học trước", chị Thu chia sẻ.
Không học thêm, học sinh phải nỗ lực học tập trên lớp
Trao đổi với Người Đưa Tin, cô giáo Hồ Thị Xuân Thu - Giáo viên Trường Tiểu học-THCS-THPT Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng Thông tư 29 giảm bớt gánh nặng tài chính học tập cho học sinh và phụ huynh.
"Việc đi học thêm giờ đây sẽ xuất phát từ nhu cầu của học sinh, các em được lựa chọn những thầy cô phù hợp để theo học. Điều này cũng đảm bảo công bằng giữa các môn học, công bằng cho giáo viên và chính các em, tạo sự cạnh tranh lành mạnh", cô Hồ Thị Xuân cho hay.
Ngoài ra, khi quy định mới có hiệu lực, vấn đề đầu tiên phải thực hiện là chất lượng giờ học chính khóa phải được nâng cao hơn, giáo viên phải đảm bảo lượng kiến thức, còn học sinh phải thực sự nỗ lực, tập trung trên lớp học.
![Áp lực thi cử là một trong những lý do khiến học sinh phải đi học thêm (Ảnh: Hữu Thắng).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_296_51427988/905709e533abdaf583ba.jpg)
Áp lực thi cử là một trong những lý do khiến học sinh phải đi học thêm (Ảnh: Hữu Thắng).
Riêng đối với quy định dạy thêm trong nhà trường để ôn tập học sinh giỏi và hỗ trợ học sinh yếu, cô Thu đưa ra quan điểm nội dung này cần làm rõ, diễn đạt phù hợp, tránh tình trạng học sinh không nằm trong nhóm trên vẫn được đăng ký học.
Về giáo viên, khi tham gia dạy thêm trong trường không thu phí học sinh, nhưng Nhà nước vẫn cần có khoản hỗ trợ để chi trả cho các thầy cô và nhà trường, bởi theo vị giáo viên hoạt động dạy thêm này không phải trong thời gian ngắn và số lượng học sinh cũng không hề ít.
"Trước mắt khi chưa có những hướng dẫn tiếp theo, để dạy miễn phí cho học sinh rất cần sự đồng lòng, hỗ trợ từ phía giáo viên. Từ khi bắt đầu đứng lớp, tôi cũng vẫn dạy không thu phí cho những học sinh có nhu cầu, nếu giáo viên trao truyền kiến thức một cách tự nguyện, chắc chắn sẽ nhận lại được rất nhiều thứ, đó cũng là trách nhiệm của nghề giáo", cô Hồ Thị Xuân Thu bày tỏ.
Trước những quy định mới, thầy Nguyễn Văn Đường - Giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho rằng khi học sinh được lựa chọn thầy cô theo học, chắc chắn hiệu quả học tập sẽ tăng lên. Mặc dù vậy, cũng sẽ không tránh khỏi gia đình các em phải bỏ một chi phí cao hơn cho học tập.
Đối với giáo viên, chắc chắn những thầy cô chưa đủ năng lực, thương hiệu, sẽ khó tham gia giảng dạy ở các trung tâm hay tự mở lớp, như vậy sẽ mất nguồn thu từ hoạt động này.
Ở đây, thầy giáo cũng bày tỏ Thông tư mới ban hành phải làm sao loại bỏ được tiêu cực của học thêm, chứ không phải chỉ là đơn thuần thay đổi địa điểm học thêm từ trong trường ra ngoài trung tâm.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_296_51427988/5d35cf87f5c91c9745d8.jpg)
"Phải có cách quản lý, điều hành hoạt động của các trung tâm, làm sao để tránh được tình trạng các em bị ép đăng ký ra trung tâm để học. Việc kiểm soát này giao cho cơ quan chức năng cụ thể nào? Cơ chế xử lý sai phạm ra sao hay chỉ kêu gọi sự tự giác của người lập trung tâm", thầy Đườg chia sẻ.
Và phải giải quyết được gốc của vấn đề là đảm bảo lương và đời sống cho giáo viên, có như vậy thầy cô sẽ không cố đi dạy thêm và sẽ có thêm thời gian nâng cao chuyên môn. Cùng với đó, là giảm tải áp lực thi cử cho học sinh mỗi khi chuyển cấp, vào đại học, chắc chắn học tập sẽ hiệu quả.
Có góc nhìn khác, chia sẻ với Người Đưa Tin, cô Lê Thị Hằng – Giáo viên cấp THCS tại Thanh Hóa bày tỏ: "Bản thân chúng tôi cũng hoang mang về những điều chỉnh sắp tới về dạy thêm. Thực tế, mức thu học phí mỗi tiết học sẽ khoảng 18.000 đồng/học sinh, đây vừa giúp giáo viên có thêm thu nhập ngoài lương, nhưng quan trọng nhất là hỗ trợ học sinh ôn tập, nâng cao kiến thức".
Theo cô giáo, hiện nay Chương trình GDPT 2018 mới thực hiện được một vài năm, về nội dung và phương pháp giảng dạy, phân chia thời lượng tiết học cả thầy và trò đang cùng từng bước thực hiện. Vì vậy, học sinh rất cần nhiều thời gian để trau dồi, học thêm những kiến thức trên lớp, khi thay đổi dừng dạy thêm trong trường, chắc chắn thời gian đầu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các em.
Tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW, Nghị quyết 57-NQ/TW và Chiến lược phát triển giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 6/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: ""Dạy thêm, học thêm là hoạt động giáo dục liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, liên quan đến học sinh.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm ban hành các quy định về quản lý hoạt động này theo quy luật chuyên ngành cũng như phù hợp với các quy định khác. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là không cấm hoạt động dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm những điều vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm không đúng quy định".
Thứ trưởng nhấn mạnh trong các nhà trường công lập, giáo viên đã nhận lương Nhà nước, sử dụng cơ sở vật chất của nhà nước thì không có chuyện dạy thêm thu tiền của phụ huynh, học sinh.