Cam Lộ chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Cam Lộ là huyện đầu tiên của khu vực từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Quảng Ngãi được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó việc xây dựng con người và môi trường văn hóa là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng những địa phương NTM trở thành những 'miền quê đáng sống'. Thời gian qua, huyện Cam Lộ chú trọng xây dựng hoàn thiện chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường và điều kiện làm cho văn hóa trở thành mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững quê hương, đất nước.

Từ khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ ngày càng khang trang sạch đẹp -Ảnh: N.T.H

Từ khi xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ ngày càng khang trang sạch đẹp -Ảnh: N.T.H

Kế thừa và phát huy tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, huyện Cam Lộ chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, bằng các hình thức thiết thực như thăm hỏi, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với đất nước, nhằm bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh các giá trị đạo đức, lối sống và nhân cách tốt đẹp của con người.

Hằng năm, huyện Cam Lộ tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện và Nhà Tằm Tân Tường nhân các ngày lễ, tết; tổ chức kỷ niệm ngày Vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu, Nhân dân đứng lên phò vua đánh giặc cứu nước và ngày húy nhật Vua Hàm Nghi tại Đền thờ Vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương ở Khu di tích quốc gia Thành Tân Sở; tổ chức “Bữa cơm cùng mẹ” tri ân các mẹ Việt Nam anh hùng và các hoạt động dã ngoại, học ngoại khóa cho học sinh tại các di tích, địa điểm lưu niệm, ghi danh công lao các anh hùng dân tộc..., qua đó giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội ngày càng được chú trọng. Các cơ quan, đơn vị xây dựng văn hóa công sở; các gia đình, dòng họ xây dựng phong trào dòng họ không có người vi phạm pháp luật, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội, bảo vệ, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, nhân rộng giá trị cao đẹp, nhân văn...

Từ năm 2014 đến nay, 100% thôn, bản, khu phố trên địa bàn đều duy trì danh hiệu “đơn vị văn hóa”; trên 95% hộ gia đình được công nhận “gia đình văn hóa”. Các hoạt động văn hóa cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được duy trì, phát triển sâu rộng.

Cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thể thao từng bước được đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động. Thông qua đó đã thu hút được nhiều đối tượng lứa tuổi tham gia, tạo điều kiện cho tất cả người dân được thụ hưởng văn hóa. Toàn huyện có 80/80 thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.

Để đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội, làm cho đạo đức, lối sống và những giá trị của con người Việt Nam biểu hiện sinh động tại mỗi địa phương, nội dung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn hóa nông thôn mới, văn minh đô thị được cả hệ thống chính trị và Nhân dân huyện Cam Lộ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả.

UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; các thôn, bản, khu phố ban hành hương ước, quy ước để điều chỉnh các hoạt động người dân nói chung và hoạt động văn hóa ở khu dân cư nói riêng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân.

Đến nay, các địa phương, đơn vị đã xây dựng các tiêu chí cụ thể đối với các danh hiệu thi đua “gia đình văn hóa”, “thôn văn hóa”, “khu phố văn hóa”, “cơ quan, đơn vị văn hóa”...; đồng thời, xây dựng các quy tắc ứng xử qua việc hướng dẫn thực hiện quy ước mẫu ở thôn, khu phố văn hóa. Các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương chủ động xây dựng chương trình phối hợp nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ về xây dựng văn hóa.

Các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn huyện hoạt động theo đúng hiến chương, điều lệ của giáo hội, pháp luật của Nhà nước; các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng tham gia đầy đủ các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động...

Thông qua việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp, các ngành và Nhân dân tích cực hưởng ứng việc xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng gia đình no ấm, đoàn kết, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tiếp tục chú trọng xây dựng và hình thành con người Cam Lộ có lối sống tốt đẹp, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, nhân ái, nghĩa tình, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Thực hiện có hiệu quả việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Cam Lộ phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ.

Khánh Ngọc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cam-lo-chu-trong-xay-dung-moi-truong-van-hoa-lanh-manh-185719.htm