Cẩm nang nâng cao kỹ năng ứng xử trong gia đình

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 28/1/2022 được triển khai, nhân rộng trong toàn dân.

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình (Bộ tiêu chí) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 28/1/2022 được triển khai, nhân rộng trong toàn dân. Hiện, nhiều gia đình, dòng họ ở Thái Nguyên xem trọng, nhắc nhau vận dụng, nâng cao kỹ năng ứng xử trong gia đình, góp phần đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Vợ chồng ông bà Mùng Viết Hòa - Nguyễn Thị Hồng (ở tổ 4, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên) chia sẻ về những nội dung của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Vợ chồng ông bà Mùng Viết Hòa - Nguyễn Thị Hồng (ở tổ 4, phường Tân Thịnh, TP. Thái Nguyên) chia sẻ về những nội dung của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình của tỉnh: Trước khi triển khai Bộ tiêu chí đến toàn dân, Ban Chỉ đạo đã triển khai, thực hiện thí điểm tại một số xóm ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), một số tổ dân phố của phường Mỏ Chè (TP. Sông Công). Bộ tiêu chí được nhân dân đánh giá cao và đồng tình ủng hộ, tiếp nhận, vận dụng vào ứng xử trong gia đình.

Bộ tiêu chí bao gồm các nội dung chính: Tiêu chí ứng xử chung; Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.

Để nội dung Bộ tiêu chí lan tỏa rộng rãi, đi vào đời sống của từng gia đình, dòng họ, chính quyền các cấp, xóm, tổ dân phố đã linh hoạt tuyên truyền nhân các dịp hội họp, gặp mặt; thông qua hệ thống loa truyền thanh.

Tuy mới triển khai từ tháng 3-2023 đến nay, nhưng hầu hết các nội dung trong Bộ tiêu chí đã trở nên thân thuộc trong nhiều nếp nhà; trở thành một cẩm nang quý, chấn chỉnh, nhắc nhở mỗi người nâng cao hơn ý thức trong “Đối nhân xử thế”. Đơn giản là hành vi ứng xử trong gia đình có tôn ti trật tự.

Trong đời sống thực tế không phải ai, gia đình nào cũng trọn vẹn hạnh phúc. Lời người xưa dạy: “Bát đĩa còn có khi xô”; hoặc “Cơm sôi nhỏ lửa”… đến nay còn nguyên ý nghĩa. Bởi cuộc sống hằng ngày, có thể bắt đầu từ một rắc rối nhỏ cũng làm các thành viên trong gia đình lời qua, tiếng lại. Nếu người trong cuộc xử lý tình huống không khéo sẽ đẩy những việc nhỏ đến đỉnh điểm căng thẳng, thậm chí là ẩu đả, xô xát dẫn đến án mạng.

Ông Lê Quang Hưởng, xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai), chia sẻ: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Bộ tiêu chí giúp vợ chồng tôi khi giận dỗi, mỗi người biết tự kiềm chế cái tôi riêng, không tranh luận đúng - sai khi nóng giận.

Ai cũng biết “Thuận vợ thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn”. Nhưng mỗi người lại có một “thói quyen” ứng xử. Dân gian có câu “Anh nhất thì tôi thứ nhì/ Ai hơn tôi nữa tôi thì thứ tư”… là nhắc nhở chuyện hơn, thiệt ở đời cũng chẳng để làm gì. Đó là lời khuyên nhủ sâu sắc của người xưa, đồng thời là cách dăn dạy mọi người về kỹ năng ứng xử khéo léo trong cuộc sống đời thường.

Bà Nguyễn Thị Hồng, tổ 4, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên), tâm đắc nói: Gia đình tôi có 4 thế hệ cùng chung sống thuận hòa. Nhưng với gia đình tôi, Bộ tiêu chí vẫn như một cẩm nang quan trọng, giúp các thành viên nâng cao kỹ năng ứng xử, tạo sự gắn kết bền chặt hơn.

Ông Nghiêm Văn Tân, xóm Cọ 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương, chia sẻ: Nội dung trong Bộ tiêu chí rất gần gũi với cuộc sống, nên chỉ cần nghe qua một lần là nắm chắc, mỗi người tự thấy mình được nâng cao hơn kỹ năng ứng xử trong gia đình. Con cháu biết hiếu kính hơn với ông bà. Ông bà cũng có lời nói, cử chỉ thân mật hơn với con cháu.

Bà Nguyễn Thị Tâm, tổ dân phố Phú Thịnh, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ), nói: Gia đình hạnh phúc, có văn hóa bởi chồng, vợ biết rõ vai trò của mình, biết đồng thuận nuôi dạy con, biết hỗ trợ nhau vươn lên trong cuộc sống. Đơn giản là “chồng giận thì vợ bớt lời”, trong nhà cơm canh luôn ngon ngọt…

Những năm gần đây, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, qua đó phong trào xây dựng gia đình văn hóa ngày càng phát triển. Bộ tiêu chí được triển khai trên toàn tỉnh là một trong những hoạt động điển hình, được đại bộ phận nhân dân vận dụng, góp phần nâng cao nhận thức, hướng các thành viên trong gia đình đến hành vi ứng xử có văn hóa, cùng xây dựng lối sống chuẩn mực, hạn chế sự xuống cấp về đạo đức.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202310/cam-nang-nang-cao-ky-nang-ung-xu-trong-gia-dinh-4834934/