Cẩm Thủy đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Là huyện miền núi, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, nhu cầu lao động cần được đào tạo nghề luôn đặt ra những đòi hỏi bức thiết và cũng là một trong những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, huyện Cẩm Thủy xác định, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Lao động học nghề may tại xưởng may Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cẩm Thủy.
Hàng năm, các ngành chức năng tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn. Qua đó, triển khai việc tuyên truyền, định hướng học nghề cho người dân làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo và đề xuất với cấp trên phân bổ chỉ tiêu các ngành nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng và địa phương tập trung đa dạng hóa các loại hình dạy nghề giúp nông dân nâng cao trình độ và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, tạo tiền đề cho thanh niên, học sinh học nghề và liên thông lên trung cấp, cao đẳng nghề phục vụ việc chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp nông thôn, cung cấp nguồn lực có tay nghề kỹ thuật tham gia vào thị trường lao động trong nước.
Hiện nay, công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại huyện Cẩm Thủy đang có nhiều đổi mới, chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở đào tạo sang hướng gắn với nguyện vọng của người học. Công tác đào tạo nghề cũng gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng đến việc giải quyết và duy trì việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề. Xuất phát từ nhu cầu của người dân, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Cẩm Thủy thường xuyên đổi mới công tác đào tạo nghề với mục tiêu hướng tới đào tạo nghề cho người lao động có văn bằng, chứng chỉ. Để làm được điều đó, hàng năm trung tâm tổ chức điều tra, khảo sát, xác định các nghề đào tạo, thực hiện tư vấn học nghề; liên kết với doanh nghiệp, công ty mở các lớp dạy nghề phù hợp với khả năng của người học. Cùng với đó, trung tâm cũng tập trung huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất; thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy; đa dạng hóa các loại hình đào tạo... Từ đầu năm đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã tổ chức được 5 lớp chăn nuôi thú y cho 199 học viên; 3 lớp may cho trên 105 học viên. Đồng thời, dự kiến trong năm học 2023-2024 sẽ liên kết với các trường nghề mở 11 lớp trung cấp nghề cho khoảng 350 học viên. Đặc biệt, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cẩm Thủy sẽ tích cực phối hợp với các doanh nghiệp để giới thiệu học viên đã kết thúc khóa đào tạo được đi làm việc.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cẩm Thủy: Để công tác đào tạo nghề đạt chất lượng thì nên quan tâm đến hiệu quả học nghề của bà con Nhân dân hơn là quan tâm đến chỉ tiêu thực hiện. Muốn làm được điều đó, các trung tâm GDNN-GDTX phải có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp và kêu gọi sự hỗ trợ của doanh nghiệ̣p trong công tác đào tạo nghề tại nhà trường. Bên cạnh đó, cần tìm được cơ chế phù hợp để mở các lớp kỹ năng cho lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn huyện. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nghề phải dự đoán được nhu cầu của thị trường lao động để có định hướng và chính sách phù hợp trong quá trình đào tạo.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề trong giai đoạn mới, UBND huyện Cẩm Thủy đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND, ngày 9-3-2021 về “Đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Cẩm Thủy”. Trong đó, chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng nghề, nâng cao trình độ tay nghề; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sau học nghề có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung ưu tiên đào tạo nghề cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số, gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp... Nhờ thực hiện nhiều giải pháp, từ năm 2020 đến nay, huyện Cẩm Thủy đã tạo việc làm cho gần 10.000 người (trong đó xuất khẩu lao động trên 1.300 người, đào tạo nghề 8.690 lao động), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70,16%.
Tiếp tục đổi mới cách thức, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT, huyện Cẩm Thủy đang nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Từng bước hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề đủ về số lượng, có chất lượng và xuất khẩu lao động phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu thị trường sử dụng lao động trong và ngoài nước; phục vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, XDNTM và NTM nâng cao. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập; ưu tiên giải quyết việc làm tại chỗ, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động...