Cảm vị tết qua từng nén nhang
Từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay, nén nhang được xem là vật kết nối với tổ tiên, tỏ lòng thành kính của con cháu đến những bậc tiền nhân. Việc thắp nhang đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống. Hương nhang thoang thoảng trong những ngày tết bình dị nơi quê nhà đã trở thành miền ký ức của biết bao nhiêu người. Để rồi bất chợt nghe hương nhang quyện trong mùi tết mà nhớ sao những ngày đoàn viên, cùng cha mẹ dọn mâm cúng tổ tiên, ông bà.
Tâm huyết với từng nén nhang thảo dược
Mấy ngày giữa Chạp, ông Phạm Hữu Phước (khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu, TP.Tân An) luôn tay với mấy thau bột làm nhang. Hết trộn bột, cân chỉnh lượng thảo dược, ông lại quay sang làm nhang, phơi nhang để kịp giao cho khách. Đây không phải là nghề chính nhưng ông “bén duyên” và gắn bó mấy năm nay.
Có những lúc tưởng phải bỏ nghề nhưng rồi ông lại tự động viên mình: “Thôi, đừng đong đếm lời lãi, làm vì mình thấy vui là được!”. Cũng vì không “đong đếm lời lãi” mà ông đã bỏ rất nhiều công sức và cả tiền của vào mấy mẻ nhang để tìm ra công thức ưng ý nhất.
Thật ra ban đầu, ông Phước làm nhang như bao nhiêu hộ làm nhang khác, mua bột nhang được trộn sẵn về pha với nước theo tỷ lệ thích hợp rồi cho vào máy, xong đem phơi chưa đặng nắng là có mẻ nhang thành phẩm. Ông Phước nói: “Làm nhang kiểu đó nhẹ tênh, ngày làm 1-2 tiếng là đủ bán. Thị trường lại chuộng loại nhang này, đốt cây nhang thơm khắp nhà, tàn nhang cuộn tròn, nhìn mê lắm!”. Đang “nhẹ tênh” như vậy, ông lại lụi hụi “săn” từng cây giống hàm hương về trồng rồi cắt cành, phơi khô, xay nhuyễn trộn bột làm nhang.
Nghe kể tưởng chừng đơn giản nhưng phải qua nhiều công đoạn, đổ bỏ không biết bao nhiêu thau bột ông mới làm được mẻ nhang thảo dược đầu tiên. Đúng với tên gọi nhang thảo dược, ông chọn bột cây tùng làm bột nền, trộn thêm bột cây hàm hương, hương thảo, bột vỏ quế, đinh lăng để tạo hương thơm và bột cây bời lời để làm chất kết dính.
Nhang thảo dược sử dụng hoàn toàn từ bột cây tự nhiên, không hóa chất, hương liệu, thậm chí, phần chu nhang (tăm nhang), ông cũng sử dụng tăm tre mộc, không nhuộm màu.
Dành cả tâm huyết cho từng mẻ nhang, vậy mà khi ra thành phẩm, nhang thảo dược không được đón nhận. Ông Phước thậm chí phải mang từng “đứa con tinh thần” đến những tiệm tạp hóa quen để “ký gửi” nhưng cũng chẳng bán được bao nhiêu. Ông Phước ngậm ngùi: “Nhiều người quen xài nhang tẩm hương liệu, thắp lên là phải thơm khắp nhà vì cho rằng hương thơm mang đến sự may mắn.
Với lại, một số loại nhang được giới thiệu là của Thái Lan, đốt xong tàn sẽ cuộn tròn, lấp lánh như dát vàng nhìn rất đẹp, có loại sau khi đốt còn nở ra hình bông hoa. Những loại nhang này, người bán giới thiệu là nhang tài lộc nên được nhiều người tìm mua với mong muốn thắp nhang sẽ mang lại tài lộc.
Còn nhang thảo dược “kén” người dùng, khi thắp lên chỉ thoang thoảng mùi thảo dược, màu sắc cũng không được bắt mắt. Có người gợi ý tôi nên nhúng tăm nhang vào dung dịch axit được pha sẵn để tăm dẻo hơn, khi đốt nhang sẽ cuộn tàn nhưng tôi không đồng ý. Đã là nhang thảo dược thì nguyên liệu phải hoàn toàn tự nhiên, không tẩm hương liệu, hóa chất”.
Chưa được thị trường đón nhận nhưng ông Phước vẫn tâm huyết với loại nhang thảo dược. Để có nguyên liệu làm nhang, ông trồng cây hàm hương quanh nhà rồi chặt lấy thân, lá phơi khô, xay nhuyễn để trộn bột. Các loại thảo dược còn lại như đinh hương, hương thảo, quế,... ông chọn mua từ những nơi uy tín. Đi làm thì thôi chứ về đến nhà là ông lại lui cui với mớ cây cỏ. Với loại nhang thảo dược, ông chỉ phơi trong mát, tránh ánh sáng trực tiếp để giữ lại lượng tinh dầu.
Ngoài nhang thanh để thắp thông thường, ông Phước còn đầu tư khuôn dập để làm nhang nụ, mỗi nụ nhang có thời gian cháy khoảng 30 phút. Nhang nụ có thể dùng để thắp trên bàn thờ tổ tiên hoặc dùng xông nhà cửa vào ngày rằm, mùng một hoặc thắp lên để thưởng trà, hàn huyên vì nhang thoang thoảng mùi tinh dầu rất thư giãn.
Để nhang thảo dược tiếp cận với người tiêu dùng, ông Phước cố gắng bán với giá thấp nhất có thể, 1kg nhang thảo dược, ông bán với giá 45.000 đồng.
“20kg nhang, tui lời chừng 100.000-150.000 đồng, mà thật ra cũng không phải lời, đó là tiền công của gia đình tui khi làm ra 20kg nhang. Mà thôi, không tính lời lãi, chỉ mong bà con mình biết đến và xài nhang thảo dược để bảo vệ sức khỏe chứ hàng ngày phải hít khói từ nhang hóa chất nguy hiểm lắm! Tui định sẽ làm thêm nhang đuổi muỗi cũng từ các loại thảo dược như đỗ trọng, ngải cứu. Biết là khó cạnh tranh với các loại nhang đuổi muỗi khác nhưng tui sẽ thử sức” - ông Phước chia sẻ.
Đặt nhiều tâm huyết vào nhang thảo dược nhưng điều đáng buồn là mức tiêu thụ khá chậm. Ông cho biết thêm, khi giao hàng cho các tiệm tạp hóa thì cứ 10 bó nhang hóa chất mới bán được 1 bó nhang thảo dược.
Thoảng nghe hương trầm ngày tết
Đốt trầm ngày tết đã trở thành phong tục và nét văn hóa từ bao đời nay. Từ thời xa xưa, tổ tiên đã dùng trầm xông đốt vào mỗi dịp tết để thanh tẩy nhà cửa, mang đến vượng khí cho gia đình và dâng cúng đất trời những nén nhang trầm. Trầm là nguyên liệu quý nên giá thành cũng khá đắt. So với các loại nhang thông thường thì nhang trầm có giá cao hơn 20-30 lần. Đối với phân khúc cao cấp, giá nhang dao động 5-6 triệu đồng/kg.
Nhắc đến những làng nghề trầm hương nổi tiếng phía Nam không thể không nhắc đến Khánh Hòa. Không chỉ nổi tiếng với tổ yến, từ lâu, Khánh Hòa còn được biết đến là xứ sở trầm hương. Nghề trầm hương trải qua hàng ngàn năm được lưu giữ, phát triển, trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần, nhất là trong tín ngưỡng. Mỗi dịp tết đến, được cùng gia đình sum họp, quây quần, dâng lên tổ tiên những nén nhang trầm không chỉ bày tỏ lòng hiếu kính mà còn là nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Được biết đến là cơ sở trầm hương với những sản phẩm đạt chuẩn ISO, trầm hương Cô Thôn Nữ (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã góp phần khẳng định giá trị những sản phẩm truyền thống của Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (chủ Cơ sở trầm hương Cô Thôn Nữ) là người am hiểu về trầm và mong muốn đưa những sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Những sản phẩm của chị Ánh “sạch” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nguyên liệu làm nhang được sử dụng hoàn toàn từ bột trầm và bột cây bời lời để làm chất kết dính, hoàn toàn không có hương liệu.
Cũng giống như ông Phước, chị Ánh chọn chân nhang là loại tăm mộc, không nhuộm màu, không tẩm axit. Nhang thành phẩm được phơi ở nơi cao ráo, sạch sẽ, khuôn viên nhà xưởng cũng phải thật sạch bởi theo chị Ánh, “những nén nhang dâng cúng tổ tiên phải được chăm chút cẩn thận, thể hiện lòng thành kính của con cháu”.
Tùy theo nhu cầu của người sử dụng mà nhang trầm có nhiều phân khúc khác nhau. Nhang thờ cúng hàng ngày có giá 600.000-700.000 đồng/kg. Ngoài nhang thanh truyền thống, nhiều người còn sử dụng nụ trầm để xông, đốt. Cũng giống như nụ thảo dược, nụ trầm được dùng trong thờ cúng hoặc để thưởng trầm.
Không ai biết được tập tục thắp nhang có từ khi nào, chỉ biết từ xa xưa, dù giàu hay nghèo, những ngày tết, cha ông ta đều chuẩn bị mấy bó nhang dâng cúng tổ tiên, ông bà. Hương trầm theo phong tục đó đã đi vào đời sống tín ngưỡng của mỗi gia đình để rồi tết đến, bên cạnh dưa hành, bánh mứt, mỗi nhà đều chuẩn bị những nén nhang thơm.
Tuy nhiên, thị trường hiện nay có nhiều loại nhang tẩm hóa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nên những người như ông Phước hay chị Ánh vẫn đặt hết tâm huyết với những sản phẩm từ thiên nhiên dẫu rằng những sản phẩm ấy khó cạnh tranh trên thị trường./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cam-vi-tet-qua-tung-nen-nhang-a170673.html