Cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1: Cần hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện
Các chuyên gia về môi trường, giao thông đều cho rằng việc cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 Hà Nội là chủ trương đúng, phải làm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20, yêu cầu TP Hà Nội triển khai ngay các giải pháp trọng tâm nhằm ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là thúc đẩy vùng phát thải thấp theo lộ trình cụ thể.
Đặc biệt, từ ngày 1-7-2026, Hà Nội sẽ phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động của xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1. Tiếp đó, từ năm 2028, TP sẽ tiến tới hạn chế ô tô chạy xăng, dầu trong khu vực Vành đai 2 và đến năm 2030 sẽ mở rộng phạm vi hạn chế với toàn bộ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 3.
Người dân ủng hộ, mong được hỗ trợ chuyển đổi xe
Bà Trần Thị Tuyết, cư dân phường Giảng Võ, cho biết gia đình bà nằm trong khu vực đường Vành đai 1 và hiện đang sử dụng hai chiếc xe máy còn rất tốt, mới dùng khoảng 5-6 năm. Tuy vậy, bà sẵn sàng chuyển đổi nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp.
“Tôi ủng hộ chủ trương này. Nếu TP có chính sách tốt thì chắc chắn người dân sẽ sẵn sàng chuyển đổi. Muốn Hà Nội ít ô nhiễm hơn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì cần sự chung tay của tất cả mọi người” - bà Tuyết nói.
Theo bà Tuyết, nhà nước nên hỗ trợ 50% giá trị xe máy điện cho người dân chuyển đổi hoặc bán trả góp với lãi suất 1% trong 5 năm cho người mua xe mới.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan, cư dân phường Yên Sở, hiện làm việc tại phường Ngọc Hà - khu vực nằm trong Vành đai 1 - cho rằng việc cấm xe máy sẽ ảnh hưởng đến người dân sinh sống trong khu vực và tác động lớn đến những người phải di chuyển qua đây hằng ngày để đi làm. Dù mới mua một chiếc xe máy xăng vào năm ngoái, chị Lan vẫn bày tỏ sự ủng hộ chủ trương này với điều kiện TP cần triển khai đồng bộ các giải pháp.
“Nếu cấm xe máy chạy xăng vào khu vực Vành đai 1, tôi mong TP vừa hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, vừa đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông công cộng – tăng thêm tuyến và chuyến xe buýt, đồng thời chuyển dần từ xe buýt xăng sang buýt điện. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin nhiều người cũng đã mệt mỏi vì cảnh ùn tắc và ô nhiễm rồi” - chị Lan nói.
Hướng đến phát triển bền vững
Trao đổi với PLO ngày 14-7, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, đánh giá việc đặt mục tiêu chấm dứt xe máy sử dụng xăng dầu từ tháng 7-2026 trong khu vực Vành đai 1 Hà Nội, tiến tới hạn chế phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa là bước đi rõ ràng, hướng đến phát triển bền vững.
“Đây không chỉ là vấn đề giao thông mà còn là yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng không khí cho hàng triệu người dân”- bà An nhấn mạnh.

Theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-7-2026, Hà Nội sẽ phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động của xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1. Ảnh: PV
Tuy nhiên theo bà An, để đạt mục tiêu trên khối lượng công việc đặt ra là rất lớn trong thời gian ngắn. Cụ thể, TP cần chuẩn bị kỹ hạ tầng giao thông công cộng như xe buýt, metro, xe đạp công cộng.
Đầu tư hệ thống trạm sạc, bãi đỗ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Đặc biệt là vấn đề sinh kế, hỗ trợ cho người dân chuyển đổi xe máy, tuyên truyền chính sách để xã hội đồng thuận...
“Nếu thiếu các điều kiện này, việc cấm xe máy chạy xăng có thể gây xáo trộn lớn. Trong khi đó chính sách hiện nay cho chủ trương này còn ít và mới dừng ở mức đề xuất”- bà An nói và cho rằng Hà Nội phải rất quyết liệt thì mới đảm bảo mục tiêu, lộ trình như Chỉ thị 20 nêu.
Liên quan nội dung này, sáng ngày 14-7, lãnh đạo UBND TP Hà Nội khẳng định TP sẽ nỗ lực tối đa để thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng. Việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc, bảo vệ môi trường đã được TP chuẩn bị từ nhiều năm nay với lộ trình rõ ràng và Hà Nội luôn kiên định với mục tiêu đó.
Cần triển khai ngay loại giải pháp để thực hiện Chỉ thị 20
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Việt Nam cho hay việc hạn chế, tiến tới cấm phương tiện giao thông chạy nhiên liệu hóa thạch, là một trong những hành động cụ thể của Việt Nam trong thực hiện mục mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) trước 2050. Đây là là cam kết của Việt Nam với quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, cải thiện chất lượng không khí, môi trường, bảo vệ sức khỏe của người dân.
“Thủ tướng đã phát biểu trước toàn thế giới. Đó không chỉ là lời cam kết quốc gia mà còn là mệnh lệnh hành động trong nước. Nếu không thực hiện sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, đến vị thế Việt Nam, và trước hết là ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe của chính người dân”- ông Thanh nói.

Tuyến đường vành đai 1 Hà Nội (màu đỏ).
Ông Thanh nhấn mạnh đây là chủ trương đúng, nhưng làm thế nào để người dân đồng tình, không gây xáo trộn đời sống, không gây hoang mang mới là điều quan trọng.
Với góc nhìn của một chuyên gia, ông Thanh đề xuất TP Hà Nội cần triển khai ngay loạt giải pháp để thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng.
Trước hết, Hà Nội phải có nơi gửi xe, phương tiện thay thế và ứng dụng công nghệ số trong quản lý các bãi giữ xe. “Người dân ở các tỉnh hay ngoại thành có nhu cầu vào Vành đai 1 làm việc, khám chữa bệnh, thăm thân, du lịch… phải được bố trí bãi đỗ xe tại các điểm chuyển tiếp. Có phương tiện trung chuyển, giá gửi xe minh bạch”- ông Thanh nói.
Bước tiếp theo, Hà Nội cần thống kê rõ ràng phương tiện xe máy trong khu vực, trong đó phải nắm rõ xe nào đã quá niên hạn, xe nào còn sử dụng được để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng loại đối tượng.
“Hiện nay, giá xe điện không rẻ. Nếu yêu cầu người dân đổi xe, Hà Nội phải có chính sách hỗ trợ cụ thể, hỗ trợ bao nhiêu, cho đối tượng nào, thủ tục ra sao. Phải công khai minh bạch từ phường, tổ dân phố”- ông Thanh đề nghị.
Ngoài ra TP cũng phải có hệ thống hạ tầng sạc điện công cộng đảm bảo an toàn, có tiêu chuẩn; thiết lập hạ tầng giao thông công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…
Ông Thanh cảnh báo, thời gian còn lại không nhiều - chỉ khoảng 1 năm nữa là đến mốc dự kiến cấm xe xăng trong Vành đai 1, nếu Hà Nội không hành động ngay từ bây giờ sẽ không đủ thời gian triển khai hàng loạt việc lớn như khảo sát, lấy ý kiến, xây dựng hạ tầng, truyền thông, ban hành chính sách… Về nguồn lực, ông Thanh cho rằng Hà Nội hoàn toàn đủ sức làm nếu có chính sách và quyết tâm chính trị.
“Hà Nội đã từng bố trí 2.000 - 3.000 tỉ mỗi năm cho bữa ăn học sinh mẫu giáo, tiểu học, thì chuyện hỗ trợ chuyển đổi phương tiện là hoàn toàn khả thi. Ngoài ngân sách TP, có thể vận động nhà tài trợ, nhà sản xuất xe cùng vào cuộc”- ông Thanh gợi ý.
Điều quan trọng nhất là Hà Nội phải có cách làm rõ ràng, minh bạch để người dân thấy hợp lý và tin tưởng, từ đó sẵn sàng đồng hành.
Doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ
Ông Phan Thanh Uy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho hay việc hạn chế xe chạy bằng xăng, dầu đi vào khu vực Vành đai 1 nhằm hướng tới mục tiêu phát triển năng lượng sạch.
"Tuy nhiên, thời gian còn lại quá ngắn, cả người dân lẫn doanh nghiệp chưa kịp chuẩn bị, chưa kể nguồn vốn để chuyển đổi phương tiện là rất lớn. Trong khi đó, hạ tầng giao thông công cộng, hạ tầng hỗ trợ xe điện vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ”- ông Uy nói
Theo ông Uy, nếu không có sự hỗ trợ phù hợp và lộ trình rõ ràng, rất nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ lâm vào tình trạng bế tắc.
Về thực trạng chuyển đổi sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ông Uy cho biết, hiện nay trong hệ thống doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, tỉ lệ xe điện hoặc xe lai còn rất thấp, chỉ khoảng 1-2%.
Theo đó, ông Uy đề nghị cần xem xét kéo dài lộ trình thực hiện chủ trương hạn chế xe xăng, dầu vào Vành đai 1, ít nhất đến sau năm 2030. Bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho người dân, doanh nghiệp chuyển đổi sang xe sử dụng năng lượng sạch.
“Ví dụ như các nước đang hỗ trợ người dân một phần chi phí mua xe điện thì Việt Nam cũng cần có chính sách tài chính tương tự. Nếu để người dân và doanh nghiệp "tự bơi" thì chủ trương rất đúng đắn này sẽ khó khả thi”- ông Uy phân tích.