TP.HCM: Từ 2026, chỉ xe điện được ký hợp đồng mới với dịch vụ công nghệ và giao hàng
Từ tháng 1.2026, chỉ xe điện mới được ký hợp đồng mới với các ứng dụng gọi xe và giao hàng; từ năm 2027, xe xăng bị hạn chế giờ cao điểm và đến 12.2029, sẽ bị cấm hoàn toàn khỏi dịch vụ gọi xe công nghệ.
Ngày 17.7, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) thông tin vừa hoàn thiện dự thảo đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng. Theo HIDS, xe hai bánh công nghệ có tần suất di chuyển gấp 3-4 lần người bình thường, khiến khí thải tăng đáng kể.
Đề ạn đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ 400.000 xe xăng hai bánh đang tham gia vận tải hành khách và giao hàng trên địa bàn TP.HCM (gồm cả Vũng Tàu và Bình Dương sau hợp nhất) sẽ được chuyển sang điện.
Từ đầu năm 2026, tài xế đăng ký mới với các ứng dụng bắt buộc phải sử dụng xe điện. Cùng thời điểm, TP.HCM sẽ bắt đầu quá trình chuyển đổi xe đang sử dụng, kéo dài trong hai năm. Cụ thể, đến cuối năm 2026, chuyển đổi 30% số lượng xe; năm 2027, tỷ lệ này tăng lên 80% và hoàn tất vào năm 2028.
Đến năm 2029, xe máy xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động giao hàng và xe ôm công nghệ, giúp thành phố giảm 100% lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính.
Để thực hiện đề án, HIDS kiến nghị TP.HCM đề xuất Trung ương: miễn 100% phí trước bạ, phí đăng ký biển số và thuế VAT đối với xe máy điện do tài xế công nghệ đứng tên khi mua mới, áp dụng trong toàn bộ giai đoạn triển khai từ tháng 1.2026 - 12.2029.
Kiến nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước thiết lập cơ chế cho vay vốn ưu đãi lãi suất trần thấp, khoảng 6%/năm, giúp tài xế dễ tiếp cận nguồn vốn mua xe điện.
Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ ít nhất 2% lãi suất vay. Ngân hàng liên kết với tài xế hoặc doanh nghiệp vận tải công nghệ trích nợ tự động từ cước vận tải để bảo đảm trả nợ đúng hạn.
Để thực thi chính sách thành công, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp toàn diện, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng lộ trình bắt buộc, phát triển hạ tầng trạm sạc, cung cấp hỗ trợ tài chính cho tài xế và xây dựng cơ chế tín chỉ carbon.
Theo phân tích của HIDS, việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện giúp giảm tới 750 tấn CO2 trong 5 năm, đồng thời tiết kiệm chi phí cho tài xế. Trung bình, mỗi xe điện chỉ tốn khoảng 3.000 - 5.000 đồng/lần sạc, đủ chạy 50 - 80km, rẻ hơn rất nhiều so với chi phí nhiên liệu truyền thống.
Ngoài ra, cấu trúc đơn giản của xe điện cũng giúp giảm chi phí bảo trì. Tài xế có thể tiết kiệm từ 300.000 - 400.000 đồng mỗi tháng, tương đương gần 5 triệu đồng/năm. Với xu hướng pin lithium-ion ngày càng cải tiến, tuổi thọ pin tăng, hiệu quả sử dụng xe điện càng được củng cố về lâu dài.