Cấm xe xăng, liệu Hà Nội có thoát khỏi 'top thủ đô ô nhiễm nhất thế giới'?
Theo báo cáo của World Bank, Ước tính 38% lượng PM2.5 tại Hà Nội đến từ phương tiện giao thông (xe máy, ô tô chạy xăng/dầu), khiến giao thông là nguồn ô nhiễm lớn nhất nội đô.

Liệu Hà Nội có thoát khỏi “top thủ đô ô nhiễm nhất thế giới”? Ảnh minh họa: IT
Hà Nội - "top 7 thủ đô ô nhiễm nhất thế giới"
Theo báo cáo về Chỉ số AQI năm 2024‑2025, Hà Nội nằm ở top 7 thủ đô ô nhiễm nhất thế giới với nồng độ trung bình PM2.5 khoảng 37–38 µg/m³, gấp gần 4 lần so với mức khuyến nghị của WHO (10 µg/m³).
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Hà Nội thường xuyên nằm trong nhóm đô thị có mức độ ô nhiễm không khí cao hàng đầu thế giới tại một số thời điểm trong năm. Khí thải từ xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng được xem là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí đô thị.
Đây là một phần lý do, Chỉ thị số 20/CT‑TTg về ô nhiễm môi trường do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/7/2025 được ban hành.
Hà Nội được yêu cầu thực hiện một loạt giải pháp mạnh mẽ chống ô nhiễm và bảo vệ môi trường
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về các nhiệm vụ cấp bách nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường không khí tại các đô thị lớn, trong đó Hà Nội được yêu cầu thực hiện một loạt giải pháp mạnh mẽ.
Đáng chú ý, Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1.
Từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2. Từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện, Thủ tướng yêu cầu ban hành chính sách hỗ trợ trước ngày 30/9/2025, bao gồm: Hỗ trợ tài chính cho người dân đổi xe xăng sang xe điện hoặc sử dụng phương tiện công cộng; ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện năng lượng sạch; khuyến khích đầu tư hạ tầng sạc, trạm dịch vụ cho xe điện.
Song song đó, Chính phủ giao Hà Nội nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, phí đăng ký, cấp biển số, phí gửi xe… với xe chạy xăng trong khu vực trung tâm. Lộ trình thực hiện sẽ bắt đầu từ quý III/2025, điều chỉnh hàng năm, nhằm từng bước tạo chênh lệch chi phí sử dụng giữa xe truyền thống và xe xanh.
Về hạ tầng, Thủ tướng giao Hà Nội cân đối ngân sách và huy động xã hội hóa để phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng các tuyến trọng điểm. Cùng với đó là đầu tư trạm sạc, hạ tầng phục vụ xe điện, khuyến khích xe buýt điện, tàu điện, góp phần giảm phụ thuộc vào xe cá nhân.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh việc triển khai đúng tiến độ Đề án tổng thể đường sắt đô thị Hà Nội, theo Nghị quyết số 188/2025/QH15, làm nền tảng cho việc giảm phương tiện cá nhân và thay thế bằng hệ thống vận tải công cộng hiện đại, xanh hóa giao thông đô thị.
Cải thiện chất lượng không khí bằng việc cấm xe xăng một cách quyết liệt sẽ mang lại hiệu quả thế nào?
Việc cấm xe xăng theo lộ trình từ 2026 đến 2030, đi cùng xây dựng vùng phát thải thấp, là bước đi quyết liệt trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội.
Để thực hiện kế hoạch này, Hà Nội được yêu cầu lập và công bố Đề án vùng phát thải thấp (LEZ) trong quý III/2025, bắt đầu thí điểm tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình trong giai đoạn từ 2025 đến 2030.
Từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 – vùng lõi nội đô, bao gồm khoảng 7,2 km thuộc các quận như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ.
Từ ngày 1/1/2028, tiếp tục mở rộng lệnh cấm đối với xe máy và hạn chế ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 1 và Vành đai 2.
Đến năm 2030, thành phố dự kiến mở rộng phạm vi cấm toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch ra đến khu vực Vành đai 3.
Song song với lộ trình cấm xe xăng, các chính sách tăng lệ phí trước bạ, phí đăng ký và trông giữ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực trung tâm sẽ được triển khai từ quý III/2025. Đồng thời, chính quyền thành phố sẽ đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ phát triển xe điện và hạ tầng sạc.
Việc cấm xe xăng, đặc biệt tại vùng lõi nội đô, nếu được triển khai hiệu quả và đồng bộ với các giải pháp kiểm soát bụi đường, hoạt động công nghiệp và xây dựng, sẽ mang lại thay đổi tích cực đáng kể.
Theo các ước tính chuyên môn, nồng độ bụi mịn PM2.5 có thể giảm từ 20–40%, đủ để Hà Nội thoát khỏi nhóm 7 thủ đô ô nhiễm nhất thế giới trong các báo cáo quốc tế.
Chất lượng không khí nội đô được cải thiện rõ rệt sẽ kéo theo những lợi ích to lớn cho sức khỏe cộng đồng, giảm đáng kể các bệnh về hô hấp, tim mạch, đồng thời nâng cao chất lượng sống.
Với việc chuyển đổi sang phương tiện sạch, Hà Nội có thể hướng tới nhóm đô thị có chất lượng không khí trung bình khá, tương đương các thành phố như Seoul hay Kuala Lumpur – nơi tỷ lệ xe điện cao và các nguồn phát thải khác được kiểm soát tốt.
Một trong những kế hoạch hỗ trợ người dân đổi xe điện, thì hệ thống hạ tầng sạc điện cần được phát triển nhanh chóng và đồng bộ, phủ khắp thành phố, đồng thời kết hợp với việc mở rộng và nâng cấp đội xe buýt điện, tàu điện, metro. Đến năm 2030, Hà Nội phải hình thành một mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, hiện đại, thuận tiện, đủ sức thay thế phương tiện cá nhân truyền thống.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất phương tiện sạch, khuyến khích người dân chuyển đổi xe chạy xăng sang xe điện, và xử phạt nghiêm phương tiện không đạt chuẩn khí thải cần được thực thi rõ ràng, minh bạch.
Ngoài giao thông, việc kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn như công nghiệp, chất thải rắn, ô nhiễm nước mặt, bụi xây dựng... cũng là trọng tâm. Các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, được yêu cầu xử lý dứt điểm các "điểm nóng" về ô nhiễm theo hướng cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, tạo chuyển biến thực chất.
Nếu thực sự triển khai đồng bộ với phát triển xe điện, hoàn thiện hạ tầng giao thông xanh, tăng cường xử phạt vi phạm ô nhiễm và kiểm soát các nguồn ngoài giao thông, Hà Nội có thể thoát khỏi danh sách "top 7 thủ đô ô nhiễm nhất thế giới" trong thập niên tới, hướng tới một đô thị xanh – sạch – đáng sống hơn.