Cần 10 triệu m3 cát trong tháng 5 và 6 để đưa dự án Vành đai 3 TP.HCM đi đúng tiến độ
Nếu không đưa đủ 10 triệu m3 cát về trong tháng 5, 6/2024 để xử lý các nền đất yếu, gia tải... thì khả năng dự án Vành đai 3 TP.HCM khó đảm bảo được tiến độ.
Tại cuộc họp kinh tế - xã hội vừa được UBND TP.HCM tổ chức chiều 3/5, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đã có nhiều chia sẻ về tiến độ các dự án trọng điểm ở TP.HCM cũng như những khó khăn, thách thức khi triển khai.
Cần 10 triệu m3 cát trong 2 tháng
Ông Lương Minh Phúc cho biết, trong năm 2024, nhiệm vụ chính của Ban Giao thông là giải ngân đầu tư công và triển khai các dự án giao thông trọng điểm.
Về giải ngân, vốn được giao là 12.380 tỷ đồng. Trong đó, riêng vốn giải phóng mặt bằng là 2.000 tỷ đồng (16 dự án), chiếm 16%; 9.600 tỷ đồng là vốn các dự án xây lắp, chiếm 78%. Phần còn lại là các dự án quyết toán, thuế, chi phí ODA...
Ông Phúc nhận định, trọng tâm của Ban Giao thông trong năm 2024 là ở vốn xây lắp với 78%. Phần thi công là 8.800 tỷ đồng (dự án Vành đai 3 chiếm 56% với 5.000 tỷ đồng) và nhóm khởi công mới là 760 tỷ đồng (gồm 8 dự án khởi công vào cuối năm như cầu đường Nguyễn Khoái, Vành đai 2, dự án nút giao thông Mỹ Thủy...).
Đối với dự án Vành đai 3, ông Phúc cho biết, tháng 5 và tháng 6/2024 sẽ là 2 tháng quan trọng, mang tính quyết định đối với tiến độ của dự án này.
Theo tổng thể, đơn vị phải tập kết cát đầy đủ vào tháng 6/2024 để xử lý các nền đất yếu, gia tải... Quá trình này sẽ tốn khoảng 10-12 tháng, mục tiêu là đến tháng 6/2025 hoàn tất; từ tháng 6/2025 - 12/2025 thi công mặt đường, tổ chức giao thông và chuẩn bị thông xe 4 làn xe chính.
"Hiện nay, thách thức lớn nhất là phải đưa cát về kịp từ nay đến tháng 6/2024. Ban Giao thông đang tập trung các hướng giải pháp chính. Trong đó, yêu cầu các nhà thầu thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng để mua cát, kể cả ở Campuchia, đảm bảo đủ lượng cát gia tải", ông Phúc nói.
Một giải pháp khác là Ban Giao thông bám sát Tổ công tác đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ thành lập để giải quyết nguồn cát. Ông Phúc cho biết, một tin vui là có đến 27/40 mỏ cát được khảo sát đạt chất lượng với tổng trữ lượng là 37 triệu m3 (chủ yếu ở miền Tây). Trong khi đó, dự án Vành đai 3 chỉ cần tối đa 10 triệu m3.
Rút ngắn thời gian một số công đoạn
Ông Phúc cho biết thêm, ngoài những giải pháp nêu trên, để kịp thời đưa cát về thực hiện dự án Vành đai 3, Ban Giao thông cũng đã cùng với các đơn vị tư vấn, nhà thầu... xây dựng tiến độ chi tiết nhằm rút ngắn thời gian thi công ở một số công đoạn, khu vực.
"Có 5 giải pháp cụ thể về kỹ thuật để rút ngắn thời gian: thay vì phải mất 6 tháng thì chỉ cần 3 tháng để tăng ca kíp hoàn tất mặt đường; ở phần gia tải có thể rút ngắn từ 12 tháng xuống còn 10 tháng hoặc ít hơn bằng cách kết hợp vị trí xung yếu, cố gắng không thay đổi tổng tiến độ dự án", ông Phúc chia sẻ.
Được biết, trong tuần này, Ban Giao thông này sẽ có báo cáo xin ý kiến Sở GTVT để có tổng tiến độ chi tiết, đảm bảo việc triển khai dự án trong thời gian sắp tới.
Về các dự án khác, ông Phúc cho biết, TP.HCM có 20 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Bao gồm dự án đường Trần Quốc Hoàn, hầm Nguyễn Văn Linh, cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa, cầu Bà Hom, đường và đường Tân Kỳ Tân Quý, cầu Nam Lý, 4 gói thầu An Phú, đường Hoàng Hoa Thám, đường Tên Lửa, Dương Quảng Hàm...
"Tính bình quân từ tháng 5 trở đi, bình quân một tháng Ban Giao thông phải giải ngân 1.200 tỷ đồng, trong đó, riêng Vành đai 3 là khoảng 500 tỷ đồng mỗi tháng", ông Phúc trình bày.