Cần bảo vệ quyền lợi người lao động

Nhằm bảo vệ người lao động (NLĐ) trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét đã đề xuất NLĐ có thể lựa chọn nộp khoản tiền bị doanh nghiệp (DN) chậm, trốn đóng BHXH để đủ điều kiện xác nhận hưởng hưu trí.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh hỏi thăm công việc, đời sống công nhân Công ty CP Đồng Tiến (thành phố Biên Hòa) tại nơi sản xuất. Ảnh: L.Mai

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh hỏi thăm công việc, đời sống công nhân Công ty CP Đồng Tiến (thành phố Biên Hòa) tại nơi sản xuất. Ảnh: L.Mai

Đây là vấn đề được dư luận quan tâm và nhận nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, đây là giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, song có ý kiến không đồng tình vì không phải NLĐ nào cũng đủ điều kiện để tiếp tục đóng BHXH.

* Nhiều lao động còn băn khoăn

Anh Hoàng Văn Nhìn (công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) cho biết, khi DN nợ BHXH, nhiều quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng như: không được hưởng các khoản trợ cấp thất nghiệp, ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất. Nếu để NLĐ đóng tiếp phần nợ BHXH của DN sẽ rất khó khăn vì không phải ai cũng có nguồn thu nhập ổn định, có tiền tích lũy để đóng tiếp BHXH.

Cùng suy nghĩ với anh Nhìn, chị Lê Thị Tâm (ở trọ tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cho hay, sau khi nghỉ việc vào giữa năm 2023, chị mới biết công ty không đóng BHXH, trong khi vẫn trừ khoản này trong lương hàng tháng của chị. Vì vậy, chị không thể chốt sổ BHXH để đi tìm việc làm mới.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10-2023, tổng số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH trên cả nước gần 15 ngàn tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng tại các đơn vị không có khả năng thu hồi hơn 4 ngàn tỷ đồng.

“Thời gian qua, nhiều DN giảm đơn hàng, cắt giảm lao động khiến công nhân thất nghiệp, hoàn toàn không có thu nhập. Một số lao động lựa chọn về quê, làm việc thời vụ, làm nghề tự do với mức lương thấp để mưu sinh. Trong điều kiện đó, NLĐ không đủ tài chính để tiếp tục đóng khoản BHXH mà DN đã nợ trước đó” - chị Tâm chia sẻ.

Về đề xuất này, nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở tại DN không đồng tình. Theo các cán bộ Công đoàn cơ sở, khi DN chậm, trốn đóng BHXH, phần lỗi thuộc về chủ DN lẫn cơ quan quản lý nhà nước khi không có giải pháp ngăn chặn kịp thời. Mặt khác, thực trạng đời sống một bộ phận NLĐ còn khó khăn sau thời gian đối diện với đại dịch Covid-19, nếu phải nộp tiền đủ phần trốn nộp của các DN mới được hưởng chế độ thì NLĐ sẽ càng khó khăn hơn.

Các cán bộ Công đoàn cho rằng, hiện không ít trường hợp NLĐ đã đến tuổi hưu nhưng không dám nghỉ ngơi vì không được giải quyết chế độ hưu trí. Cách duy nhất là NLĐ chờ DN bị xử lý và khắc phục nợ, song nếu DN đã giải thể, phá sản, chủ DN bỏ trốn thì chờ đợi là vô vọng. Đề xuất trên chỉ khả thi với trường hợp DN bị nợ BHXH thời gian ngắn, số tiền không quá lớn và NLĐ có khả năng về tài chính.

* Cần phải cân nhắc kỹ

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, những năm gần đây, tuy số tiền nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giảm nhưng số đơn vị chậm đóng lại tăng. Nguyên nhân được lý giải là do DN chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ BHXH kéo dài. Điều này đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 206 ngàn lao động. Tuy nhiên, việc giải quyết quyền lợi cho đối tượng này gặp nhiều khó khăn do pháp luật chưa có quy định. Khắc phục bất cập nêu trên, Dự thảo Luật BHXH đề xuất cơ chế đặc thù để bảo vệ quyền lợi NLĐ trong trường hợp DN không còn khả năng đóng BHXH.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về vấn đề trên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị ban soạn thảo luật cần cân nhắc kỹ lưỡng quy định này, bởi nếu NLĐ được lựa chọn số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thì có thể được xem như NLĐ phải gánh trách nhiệm và thực hiện quy định này trong điều kiện khó khả thi.

“Thay vì phải giao cho NLĐ thì việc này nên giao trách nhiệm cho cơ quan BHXH sẽ hiệu quả hơn, giúp cho NLĐ có khả năng thực hiện quyền của mình cũng như thụ hưởng các điều kiện đảm bảo về quyền lợi cho NLĐ” - đại biểu Phúc nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) đề nghị Chính phủ nên có quy định riêng về trách nhiệm tổ chức kiểm tra với những DN chậm đóng, trốn đóng BHXH, có thể giao hẳn cho ngành BHXH chịu trách nhiệm kiểm tra, xử phạt hoặc kiến nghị xử lý hình sự. Đại biểu đề nghị Chính phủ nên quy định chỉ tiêu bắt buộc DN có quỹ dự phòng hoặc quỹ hoạt động để đảm bảo việc đóng BHXH cho NLĐ. Vì nếu trong trường hợp có rủi ro thì vẫn đảm bảo được nguồn quỹ cho NLĐ về BHXH để NLĐ không bị mất quyền lợi.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) nhất trí cần có quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ NLĐ trong trường hợp DN không còn khả năng đóng BHXH kéo dài. Tuy nhiên, nữ đại biểu băn khoăn khi DN chậm đóng, trốn đóng BHXH thì NLĐ đã bị mất một khoản tiền lớn, nếu quy định như trên sẽ gây bức xúc cho NLĐ và dư luận xã hội. Họ sẽ đặt câu hỏi tại sao DN nợ, cơ quan nhà nước không có giải pháp xử lý, lại để NLĐ phải bỏ tiền đóng thay?

Để bảo vệ quyền lợi của NLĐ, các ngành chức năng cần có giải pháp mạnh để xử lý dứt điểm tình trạng DN nợ BHXH kéo dài, đảm bảo quyền lợi NLĐ trong giải quyết các chế độ theo quy định của Luật BHXH.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202406/can-bao-ve-quyen-loi-nguoi-lao-dong-06219be/