Quốc hội thông qua nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân
Quốc hội đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân với 429/434 đại biểu có mặt tham gia biểu quyết tán thành.
Nghị quyết gồm 7 chương, 17 điều, có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 17/5/2025. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Nghị quyết đã quy định rõ đối tượng áp dụng là “mọi loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh”. Các đối tượng cụ thể như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo... sẽ được hưởng chính sách đặc thù riêng, quy định cụ thể tại các điều khoản để đảm bảo phù hợp với Điều 51 của Hiến pháp 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Quốc hội thông qua nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Đảm bảo nguồn lực tài chính để thực hiện Nghị quyết
Nghị quyết quy định nhiều chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và phân cấp cho địa phương chủ động cân đối nguồn lực, tự quyết định định mức, tiêu chí hỗ trợ. Chính phủ sẽ bố trí tài chính cho các chương trình cụ thể, bảo đảm đúng quy định, khả thi và hiệu quả. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi thuế, phí được thiết kế theo tinh thần “nuôi dưỡng nguồn thu”, giúp doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh, đóng góp cho ngân sách và tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Bỏ thuế khoán, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi
Một điểm đáng chú ý trong nghị quyết là chính sách bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh. Đây là chủ trương nhằm minh bạch hóa hoạt động, tạo sự bình đẳng trong chế độ thuế và khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Thời điểm áp dụng được đẩy sớm lên ngày 1/1/2026 (so với đề xuất trước đó là 1/7/2026).
Đồng thời, Nhà nước sẽ bố trí kinh phí cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung cho hộ kinh doanh, giúp giảm gánh nặng chi phí và thúc đẩy chuyển đổi số.
Một trong những nội dung trọng tâm được nhiều doanh nghiệp quan tâm là quy định về nguyên tắc thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, số lần thanh tra, kiểm tra mỗi năm đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không quá một lần, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Tránh tình trạng vừa kiểm tra, vừa thanh tra trong cùng một năm với cùng nội dung.

Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Bên cạnh đó, các hoạt động thanh tra, kiểm tra phải được công khai, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu. Việc ứng dụng chuyển đổi số được khuyến khích mạnh mẽ, ưu tiên kiểm tra từ xa thay vì trực tiếp. Những đơn vị tuân thủ tốt pháp luật sẽ được miễn kiểm tra thực tế.
Đặc biệt, nghị quyết thúc đẩy chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, giảm thủ tục cấp phép, chứng nhận, hướng tới môi trường kinh doanh thông thoáng, ổn định, dễ tuân thủ và chi phí thấp.
Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất và tài chính
Các địa phương được phép sử dụng ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho khu, cụm công nghiệp và vườn ươm công nghệ, bao gồm hỗ trợ thu hồi đất, bồi thường, tái định cư và hạ tầng thiết yếu. Chủ đầu tư các khu hạ tầng này có trách nhiệm dành quỹ đất cho doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại.
Tỉnh, thành phố sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để quy định nguyên tắc, tiêu chí và tỷ lệ đất hỗ trợ. Đối với khu công nghiệp mới thành lập sau ngày Nghị quyết có hiệu lực, phải đảm bảo dành ít nhất 20ha hoặc 5% tổng diện tích đất để hỗ trợ đối tượng ưu tiên thuê lại mặt bằng.
Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh sẽ được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn cho các dự án xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình theo tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị).
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng sẽ được giao các chức năng như cho vay, cho vay khởi nghiệp, tài trợ vốn ban đầu... nhằm tiếp sức cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn.
Một điểm nhấn quan trọng trong nghị quyết lần này là việc Nhà nước xác định rõ vai trò đồng hành, kiến tạo và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển theo hướng quy mô lớn, hiện đại và hội nhập quốc tế. Theo đó, Nhà nước sẽ xây dựng chương trình và bố trí ngân sách để hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn, hướng đến hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Hai chương trình trọng điểm được triển khai gồm: Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và công nghiệp công nghệ cao; cùng với đó là Chương trình Go Global, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân vươn ra thị trường quốc tế thông qua các giải pháp toàn diện về vốn, công nghệ, thương hiệu, pháp lý, logistics và kết nối với các tập đoàn đa quốc gia. Đây được xem là bước đi mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm chính trị trong việc nâng tầm khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam.
Nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận rất cao của Quốc hội, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc khơi thông nguồn lực, cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển đột phá – đúng như mục tiêu mà Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đề ra.