Cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…
Thời gian gần đây, ở nhiều diễn đàn từ Trung ương đến địa phương đã nhắc đến tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu đề xuất xử lý công việc.
Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, rất cần sự mạnh dạn, chủ động của cán bộ trong thực thi chức trách, nhiệm vụ.
* Làm vì lợi ích chung thì không phải sợ
PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng (Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II) cho rằng, hiện nay không ít cán bộ đổ lỗi do các quy định chồng chéo nên có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm. Tuy nhiên, những vụ án xét xử vừa qua cho thấy đều có lợi ích cá nhân của cán bộ trong đó. Ví dụ, làm lợi cho dân, cho nước được 10 đồng nhưng lại trục lợi hết 5-6 đồng, như thế thì đâu phải làm vì lợi ích chung.
Nhớ lại lịch sử của dân tộc, PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng kể, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về nghị lực phi thường, tư duy độc lập, sáng tạo. Những quyết định của Người không theo lẽ thường, thậm chí trái với quy tắc đương thời nhưng lại có tính chất bước ngoặt, khai thông bế tắc, mở đường cho cách mạng đi lên.
Có thể kể một trong những ví dụ tiêu biểu trong các quyết định lịch sử của Người, đó là trải qua những năm gian khổ, lăn lộn nơi đất khách quê người, được tiếp cận với Chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã nhận ra con đường tất yếu mà cách mạng Việt Nam phải đi, đó là tiến hành cách mạng vô sản giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là kết quả quan trọng của tư duy sáng tạo cách mạng của Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn con đường cách mạng, nó vượt ra khỏi tư duy chính trị của người Việt Nam đương thời và đến với ánh sáng thời đại mới.
Trong lịch sử dân tộc cũng ghi nhận rất nhiều nhà lãnh đạo, cán bộ, đảng viên có tư duy và hành động đột phá, sáng tạo, đi trước, mở đường. Họ sẵn sàng hy sinh quên mình, vì dân, vì nước, vì lợi ích chung.
Năm 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra nghị quyết cho phép nông dân tự cấy cày trên đất đai HTX và đến cuối vụ được phép giữ lại sản phẩm vượt định mức. Đây là nghị quyết táo bạo, gây xôn xao dư luận lúc ấy, bởi lúc ấy áp dụng khoán là đi ngược với đường lối kinh tế tập thể của Đảng. Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc bị phê bình, kiểm điểm. Tuy nhiên, chủ trương này của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã giúp nông dân hăng say lao động trên mảnh ruộng của mình, nhờ đó năng suất tăng vọt. Sau này, cơ chế khoán của tỉnh Vĩnh Phúc trở thành viên gạch đầu tiên để Đảng từng bước hoạch định chủ trương đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp, khoán 100, rồi khoán 10 trong cả nước.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Biên Hòa LÂM TẤN KHẢI cho rằng, xuất phát từ thực trạng hiện nay và yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, một trong những giải pháp là cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể hóa Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy cán bộ có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Hay như trong sự nghiệp đổi mới đất nước, đường dây 500kV Bắc - Nam được Chính phủ quyết chủ trương xây dựng năm 1992 nhưng đã gặp không ít rào cản, với những nghi ngờ dự án thất bại, gây lãng phí ngân sách. Nhưng lúc đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tầm nhìn xa, dám chịu trách nhiệm “nếu đóng điện không thành công thì xin từ chức”. Và rồi, công trình lịch sử ấy thành công, góp phần quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quyết định của những nhà lãnh đạo như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc... với tấm lòng trong sáng, hành động vì lợi ích chung, mở ra bước ngoặt mới cho đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển được nhân dân ca ngợi, tôn vinh, biết ơn.
* Đưa lợi ích cá nhân vào là thất bại
PGS-TS Nguyễn Quốc Dũng nêu rõ, quan điểm của Đảng ta hoàn toàn không khóa chặt sự sáng tạo và đổi mới mà luôn khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, dám nghĩ, dám làm không có nghĩa là làm liều, làm mà đưa lợi ích cá nhân vào là thất bại.
Trong bối cảnh hiện nay, cán bộ nào thấy làm việc căng thẳng quá, quá sức của mình thì có quyền từ chức như Quy định 41-QĐ/TW ngày 3-1-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; hay như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc nhở: “Ai không dám làm thì hãy đứng sang một bên để người khác làm”.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Biên Hòa Lâm Tấn Khải chia sẻ, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn còn những khó khăn nhất định. Nguyên nhân là do đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là những việc khó, phức tạp, nhạy cảm, chứa đựng nhiều rủi ro, dễ dẫn đến sai sót, vì thế đòi hỏi cán bộ phải có bản lĩnh, quyết tâm cao, sẵn sàng dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân nhưng hiện tại chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đội ngũ cán bộ phát huy tối đa sức sáng tạo, khả năng cống hiến cho đất nước; thiếu cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá khiến cho người có tài năng, tâm huyết không dám đổi mới, sáng tạo.
Mặt khác, hiện nay các cấp ủy đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm, qua đó làm trong sạch đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên nhưng phần nào cũng dẫn đến tâm lý cán bộ sợ sai, sợ chịu trách nhiệm nên những việc không an toàn thì né tránh, đùn đẩy.
Phương Hằng
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Thị Minh Hoàng: Phải hài hòa giữa “xây” và “chống”
Việc xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm trong thời gian qua là việc làm được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, là vấn đề tất yếu để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, phải chú ý hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là chính. Cán bộ, đảng viên sai phạm bị xử lý là hoàn toàn đúng, nhưng cũng phải để cho đảng viên có cơ hội sửa sai và sửa như thế nào thì phải rõ về phương pháp. Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia cho nên toàn tỉnh phải dồn lực vào để hoàn thành đúng tiến độ, yêu cầu đề ra. Một trong những “lực” ở đây là xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, xông vào việc mà làm; nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút nhân tài, phục vụ sự phát triển của tỉnh. Khi các công trình, dự án trọng điểm đi vào hoạt động sẽ là điều kiện thúc đẩy Đồng Nai phát triển bền vững.
Nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN MỘT: Phải giải quyết những điểm nghẽn, chồng chéo giữa các quy định
Đảng đã có chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung, chủ trương này cần nhanh chóng được hiện thực hóa bằng các nghị định. Bởi, nguyên tắc trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Vì thế, để cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì phải giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt, những vấn đề chưa có quy định hoặc có quy định nhưng còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất.
Thực tế thời gian qua có không ít luật, quy định, hướng dẫn... khi được ban hành thiếu tính thống nhất, cùng một vấn đề nhưng văn bản này hướng dẫn khác, văn bản kia hướng dẫn khác, thế nên mới có những chuyện, lúc đầu thì khen, vỗ tay; sau đó lại chê, lại kiểm điểm... Các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu thật kỹ, tiếp thu các ý kiến để nhanh chóng sửa đổi những quy định chưa phù hợp thực tế, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính thống nhất trong cơ chế chính sách, không phù hợp với thực tiễn.
Quỳnh Trang (ghi)