Cán bộ quản lý trường học: Linh hoạt trong sắp xếp

Phó Hiệu trưởng trường phổ thông liên cấp đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành và phát triển nhà trường...

Cô trò Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên). Ảnh: NVCC

Cô trò Trường Tiểu học và THCS 915 Gia Sàng, TP Thái Nguyên (Thái Nguyên). Ảnh: NVCC

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng trường liên cấp thì giáo viên phải có trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất là chưa phù hợp với thực tế.

Phân không đúng khó quản lý

Thầy Đinh Đức Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp FPT Bắc Giang cho hay, nhà trường gồm ba cấp: Tiểu học, THCS và THPT với gần 700 học sinh. Trường được UBND tỉnh Bắc Giang ra quyết định thành lập, Sở GD&ĐT Bắc Giang quản lý. Sở GD&ĐT Bắc Giang phối hợp với UBND cấp huyện xây dựng nội dung phối hợp quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục có liên quan của nhà trường.

Nhà trường có phòng Quản lý đào tạo với chức năng khảo thí, quản lý chung về đào tạo các cấp và nắm toàn bộ các quy trình, hỗ trợ giáo viên trong khâu hồ sơ chuyên môn. Ở mỗi cấp có trưởng khối tiểu học, trưởng khối THCS, trưởng khối THPT. Quản lý cấp cao nhất của trường bắt buộc phải đọc, học để nắm quy trình hoạt động cả ba cấp.

Khoản 3, Điều 11, Thông tư 32/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học nêu rõ tiêu chuẩn của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường trung học:

Về trình độ đào tạo và thời gian công tác, thầy cô phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất với trường phổ thông nhiều cấp học và đã dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, sâu xa, dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.

Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường trung học phải đạt tiêu chuẩn quy định của trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành.

“Quy định là vậy nhưng nhà trường vẫn linh hoạt trong sắp xếp nhân sự, nhất là vị trí Phó Hiệu trưởng cho mỗi cấp học. Thầy cô được đào tạo chuẩn trình độ theo cấp nào sẽ phụ trách quản lý cấp đó. Ví dụ, Phó Hiệu trưởng có chuyên môn về sư phạm tiểu học thì chỉ quản lý ở cấp tiểu học chứ không thể quản lý cấp THCS hay THPT và ngược lại để đảm bảo hiệu quả công việc”, thầy Đinh Đức Hiền phân tích.

Cũng theo thầy Hiền, sinh hoạt chuyên môn phải chia theo cấp. Với cấp tiểu học và THCS sẽ sinh hoạt chuyên môn theo phòng GD&ĐT, cấp THPT theo sở GD&ĐT. Tuy nhiên sẽ phát sinh tình huống như các kỳ thi do sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT cùng tổ chức, các trường liên cấp tiểu học, THCS và THPT sẽ thi theo cấp quản lý nào cho phù hợp cũng là “bài toán” dành cho lãnh đạo nhà trường.

Năm 2023 có cuộc thi “Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Theo quy định, các trường tiểu học, THCS thi cấp huyện trước sau đó chọn mô hình dự thi cấp tỉnh. Nhưng do có 3 cấp nên Trường Phổ thông liên cấp FPT Bắc Giang cho học sinh cấp THCS và THPT thi cùng một đợt. Nếu muốn học sinh THCS dự thi học sinh giỏi cấp thành phố, nhà trường phải có đơn gửi phòng GD&ĐT.

 Thầy Đinh Đức Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp FPT Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NVCC

Thầy Đinh Đức Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp FPT Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NVCC

Gỡ khó cho cơ sở

Là đơn vị đi vào hoạt động đến nay đã 10 năm, cô Bùi Thị Thanh Hoàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS 915 Gia Sàng (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho hay, đề án thành lập trường từ năm 2014 gồm có 1 Hiệu trưởng và 2 Phó Hiệu trưởng. Hiện trường có 664 học sinh, sĩ số không quá 35 em/lớp, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đầy đủ.

Trước đây, Thông tư 12/2011 của Bộ GD&ĐT quy định vị trí Phó Hiệu trưởng chỉ cần đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cấp học tương ứng và đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công nên rất thuận lợi. Hiện nay, nếu theo Thông tư 32/2020 sẽ khiến các trường lúng túng trong quản lý, điều hành chuyên môn ở trường liên cấp, nhất là cấp tiểu học.

Đặc điểm tâm lý, thể trạng của học sinh tiểu học khác xa các em cấp THCS. Do đó, việc quản lý và dạy dỗ cho hai nhóm này cũng có nhiều khác biệt, đòi hỏi sự tinh tế từ giáo viên. Ở tiểu học, thầy cô có thể dạy nhiều môn khác nhau, nhưng lên cấp THCS chỉ dạy 1 môn.

“Vì thế, quy định nếu muốn bổ nhiệm giáo viên lên làm Phó Hiệu trưởng cấp tiểu học mà yêu cầu phải đạt chuẩn trình độ đào tạo ở cấp THCS nên chăng cần xem xét lại theo hướng linh hoạt hơn”, cô Bùi Thị Thanh Hoàn nói.

Cô Nguyễn Thị Ngân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Nham (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) cho rằng, trong bối cảnh đổi mới giáo dục và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo, đặc biệt ở những vị trí quản lý như Phó Hiệu trưởng vô cùng quan trọng. Tại các trường liên cấp, nơi tập trung nhiều cấp học khác nhau, yêu cầu về trình độ của người đứng đầu phòng ban càng trở nên cao hơn.

Bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng trường liên cấp là quyết định quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Để đảm bảo chất lượng đội ngũ quản lý, việc đặt ra những yêu cầu về trình độ hoàn toàn cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh trình độ chuyên môn, các yếu tố khác như năng lực quản lý, kỹ năng giao tiếp, khả năng điều hành công việc, xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng.

Phó Hiệu trưởng trường phổ thông liên cấp đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành và phát triển nhà trường. Họ là cầu nối giữa Hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Phó Hiệu trưởng có nhiệm vụ xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển nhà trường; quản lý các hoạt động chuyên môn cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh.

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-bo-quan-ly-truong-hoc-linh-hoat-trong-sap-xep-post704564.html