Cần cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao an toàn thực phẩm
Ngày 27/3, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo 'Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ'.

Đại biểu dự hội thảo tham vấn các chuyên gia để sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm.
Phát biểu khai mạc, bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, an toàn thực phẩm là yếu tố then chốt trong việc bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, giúp giảm bớt rủi ro sức khỏe liên quan thực phẩm kém chất lượng.
Khi xã hội ngày càng tiến bộ, nhận thức và nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng thay đổi rõ rệt, với xu hướng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thực phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ và xuất xứ minh bạch.
“Điều này đặt ra một thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm yêu cầu doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm”, bà Hồ Thị Quyên nhấn mạnh.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, để đáp ứng yêu cầu pháp lý và nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp thực phẩm cần ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Đồng thời, việc xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng hiệu quả, minh bạch và đáng tin cậy sẽ góp phần củng cố thương hiệu và mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai một cách mạnh mẽ công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xác minh tại 19.121 cơ sở, lập biên bản kiểm tra đối với 13.690 cơ sở (tăng hơn 10% so cùng kỳ năm 2023).
Qua đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính tại 47 cơ sở (chiếm 0,3%), với tổng số tiền phạt hơn 586 triệu đồng.
Đáng chú ý, tỷ lệ cơ sở vi phạm trong năm 2024 so năm 2023 đã tăng từ 0,05% lên 0,3%.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, hội thảo tập trung thảo luận về tầm quan trọng của việc kiểm soát dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và kháng sinh trong thực phẩm.
Việc này là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp khi đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe. Các quy định nghiêm ngặt về giới hạn dư lượng hóa chất được áp dụng tại nhiều quốc gia, khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Quang cảnh hội thảo.
Hiện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành thực phẩm thường phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức đặc thù, như những hạn chế về cơ sở vật chất, quy trình sản xuất chưa được tối ưu hóa và nguy cơ ô nhiễm chéo cao.
Qua đó, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp đi sâu vào quy trình chủ động nhận diện và quản lý rủi ro an toàn thực phẩm, cũng như cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.