Cận cảnh cây 'truyền đời' 500 tuổi, giá hơn 6 tỷ chủ vẫn không bán
Một cây chè có tuổi đời khoảng 500 tuổi thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt giới chơi cây cảnh. Có người trả hơn 6 tỷ đồng nhưng chủ nhân không bán.
Cận cây chè cổ giá hơn 6 tỷ
Chè Shan tuyết (trà Shan tuyết) là một đặc sản độc nhất vô nhị ở vùng núi cao phía Bắc Việt Nam. Gọi chè Shan Tuyết vì shan nghĩa là chè tự nhiên, không phải do con người trồng. Ở mặt lưng của lá chè có một lớp lông măng phủ trắng như tuyết.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, chè càng lâu năm thì càng có giá trị đối với sức khỏe con người.
Cây chè là loại cây cổ thụ, mọc cao đến vài mét, khi hái chè phải trèo hẳn lên cây. Đặc biệt loại cây này nằm ở khu vực có độ cao hơn 1200 mét, mây mù bao phủ quanh năm, sự chênh lệch về nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn cùng với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tạo cho Chè Shan tuyết có chất lượng độc đáo nhất.
Ở Việt Nam chè Shan tuyết cổ thụ được trồng lâu đời qua các thế hệ của người dân tộc Tày, Dao, Mông, có những vườn chè Shan tuyết có tuổi thọ vài trăm năm, chè Shan tuyết cổ thụ có nhiều ở các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái...
Những cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm thậm chí hàng 1000 năm luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Vừa qua, có một cây chè Shan tuyết khoảng 500 tuổi của nhà ông Nguyễn Quang Hoàng ở Yên Bái có người trả hơn 6 tỷ đồng nhưng chủ nhân không bán.
Những năm qua, Suối Giàng là một xã vùng cao thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Nằm trên độ cao gần 1.400 m, được ví như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt bởi khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên, du khách đến với Suối Giàng không phải để nghỉ dưỡng mà chủ yếu để được thưởng thức thứ chè đặc sản mang tên Shan Tuyết từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Chia sẻ với Vietnamnet, người dân huyện Văn Chấn cho biết, trong những cây chè cổ nơi đây, cây chè Shan tuyết số 003 khoảng 500 tuổi của nhà ông Nguyễn Quang Hoàng (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái) là đẹp nhất vùng. Cây có tán rộng, mọc đều. Có người trả hơn 6 tỷ đồng nhưng chủ nhân không giao dịch mua bán.
Nói về cây chè độc đáo này ông Sổng A Páo - người chăm sóc đặc biệt cho cây chè Shan tuyết 500 tuổi cho biết, sản phẩm từ cây chè cổ thụ này có giá khoảng 2,5 triệu đồng/kg đối với bạch trà. Thấp nhất là loại trà mạn thông thường, giá 350.000 đồng/kg.
Để chăm sóc cây chè cổ thụ này, hàng ngày, ông Páo luôn kiểm tra gốc cây chè xem có mối không và thường sẽ hái bỏ đi phần lớn quả chè để cây tập trung dưỡng chất nuôi búp tốt nhất.
Cây chè cổ thụ 500 tuổi này mỗi năm cho thu hoạch 3 lần, sản lượng 10kg chè tươi mỗi lần. “Một năm chè Shan tuyết được thu hoạch 3 vụ. Chè càng già càng quý, càng nhiều tuyết trắng thì tính dược liệu càng mạnh. Bởi vậy khi thu hoạch, cần nhẹ nhàng ngắt từng búp nõn để không làm mất lớp tuyết trắng phủ bên trên”, ông Páo nói.
Chè Shan tuyết có gì đặc sắc mà đắt đỏ đến vậy?
Nhắc tới chè shan tuyết, người ta thường nghĩ tới một sản vật danh tiếng của vùng rừng núi, nơi việc sản xuất trà vẫn còn gìn giữ được nét truyền thống nên giá thành đắt đỏ cũng là điều đương nhiên.
Chè Shan tuyết thuộc dòng trà cao cấp, thường dùng mời khách quý, dùng làm quà tặng biếu vào những dịp quan trọng. Tất nhiên, bạn cũng có thể thưởng thức danh trà này như một thức uống hàng ngày với rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Một yếu tố nữa làm nên sự khác biệt của chè Shan tuyết đó là khí hậu ở vùng núi cao, cách mặt nước biển trên 1000m. Các vùng trà nổi tiếng có thể kể đến Tà Xùa, Tủa Chùa, Suối Giàng, Hoàng Su Phì, Mộc Châu, các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái. Tại đây có không khí trong lành, thời tiết có thể dao động rất mạnh trong ngày: đang từ nắng chuyển sang rất lạnh. Sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm đột ngột này ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trà cổ thụ, góp phần tạo nên hương vị đặc biệt tích lũy trong lá trà, cũng như làm nên giá trị dinh dưỡng cao.
Để hái được những búp chè non nhiều khi phải trèo lên những cành cao. Búp chè Shan tuyết sau khi thu hoạch sẽ được phân loại để chế biến thành nhiều loại trà gồm bạch trà, hồng trà, lục trà... Trong đó, bạch trà là loại quý hiếm nhất, được chế biến từ “tôm” chè (một búp non duy nhất có màu trắng tuyết), số lượng vô cùng khiêm tốn. Sắp xếp theo độ hiếm giảm dần gồm hồng trà (1 tôm 2 lá), lục trà (1 tôm 3 lá)... Giá trị cũng theo đó giảm dần.
Đặc biệt, khi sao chè phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong quá trình sao, lửa phải thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay. Phải vò khéo léo sao cho chè không bị nát, vừa không mất hương vị chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp. Đó là cả một quá trình cẩn thận, kỹ lưỡng mà người sao chè phải để hết tâm huyết vào. Đây là kinh nghiệm và bí quyết sao chè của người Mông truyền lại. Sau khi sao, những búp chè săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng, mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn.
Ngoài cây chè cổ thụ trên, Suối Giàng còn có hàng trăm gốc chè cổ thụ tuổi đời vài trăm năm. Theo thống kê, diện tích chè Shan tuyết ở Suối Giàng là 393ha, trong đó chè cổ thụ trên 300 năm tuổi là 293ha, còn 100ha do người dân nơi đây trồng mới.
Thông tin thêm trên Lao Động, trước đây, cây chè Shan tuyết chủ yếu được trồng để giữ đất, giữ nước, chống xói mòn và bảo vệ làng bản người Mông ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ngày nay, chè Shan tuyết đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân, đồng thời tạo ra những nét đặc trưng riêng để thu hút khách du lịch khám phá, trải nghiệm.
Trúc Chi (t/h)