Cần chế tài mạnh xử lý quảng cáo sai sự thật

Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng và các KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) đã tận dụng sức ảnh hưởng của mình để quảng bá sản phẩm. Thực tế cũng cho thấy họ hoàn toàn có khả năng tác động đến quyết định mua sắm của nhiều người. Tuy nhiên, thời gian qua nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật từ người nổi tiếng khiến dư luận bức xúc và dấy lên nhiều tranh cãi...

Cẩn thận kẻo mất cả chì lẫn chài

Các mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok giúp công chúng tiếp cận và tương tác với nghệ sĩ trong và ngoài nước. Tranh thủ cơ hội này, ngoài giới thiệu sản phẩm nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ còn làm đại sứ thương hiệu, quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Nhiều nhà sản xuất cũng muốn từ uy tín của những người nổi tiếng để bán được nhiều hàng hóa. Tuy nhiên, để hai bên cùng có lợi thì nhà sản xuất phải cung cấp hàng hóa chất lượng, người nổi tiếng phải có trách nhiệm khi tham gia quảng cáo, tìm hiểu kỹ các sản phẩm, thông số kỹ thuật, giấy phép…

Người tiêu dùng cần tạo thói quen tiêu dùng thông minh, tìm hiểu kỹ sản phẩm qua các kênh chính thống trước khi mua hàng. Ảnh: Quang Vinh

Người tiêu dùng cần tạo thói quen tiêu dùng thông minh, tìm hiểu kỹ sản phẩm qua các kênh chính thống trước khi mua hàng. Ảnh: Quang Vinh

Thế nhưng, thực tế không phải nghệ sĩ hay người nổi tiếng nào cũng làm được như vậy. Trường hợp Quang Linh Vlogs và và Hằng Du Mục - những người nổi tiếng trên mạng xã hội cùng Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên là điển hình gần nhất. Họ xuất hiện trong nhiều phiên livestream trên mạng xã hội, quảng cáo về sản phẩm kẹo rau củ Kera do công ty CER (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) công bố. Tuy nhiên, cộng đồng mạng chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy hoạt động quảng cáo này có thể sai sự thật, “thổi phồng” công dụng và thành phần của sản phẩm.

Trước phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, Thùy Tiên đã xóa bài quảng cáo trên trang cá nhân và lên tiếng xin lỗi công chúng. Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục cũng có những phát ngôn trấn an.

Liên quan đến sự việc, mới đây, Quang Linh và Hằng Du Mục bị phạt do có hành vi quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm đã được công bố. Số tiền xử phạt áp dụng cho hành vi này là 70 triệu đồng mỗi cá nhân. Họ cũng buộc phải cải chính thông tin với hành vi vi phạm. Hoa hậu Thùy Tiên là khách mời nên không bị xử phạt nhưng bị nhắc nhở cần chú ý hơn trong tuân thủ các quy định về quảng cáo, cung cấp thông tin trên mạng xã hội.

Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội quảng cáo sai sự thật. Trước đó, đã có nhiều nghệ sĩ đã phải công khai xin lỗi. Trong đó có hoa hậu Việt Nam 2016 Mai Phương Thúy từng quảng cáo một sản phẩm giảm mỡ, khẳng định hiệu quả rõ rệt sau ba tuần và an toàn nhờ thành phần tự nhiên. Tuy nhiên, không lâu sau, sản phẩm này bị cơ quan chức năng xử phạt và thu hồi do quảng cáo sai sự thật.

Bộ Công thương còn khuyến cáo người dân không mua và báo cáo nếu phát hiện sản phẩm vi phạm. Trước sự việc, Mai Phương Thúy đã phải xin lỗi khán giả.

Hay như, ca sĩ Phương Mỹ Chi từng quảng cáo viên ngậm trắng da nhưng bị cư dân mạng chỉ trích là quảng cáo lố. Nhận thấy có vấn đề, ê-kíp của cô đã gỡ bài. Sau sự cố, Phương Mỹ Chi rút kinh nghiệm và khẳng định sẽ cẩn trọng hơn khi chọn sản phẩm để quảng cáo.

Có thể nói, việc ký hợp đồng quảng cáo với các nhãn hàng, doanh nghiệp để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ là điều bình thường, đồng thời cũng là nguồn thu nhập hợp pháp, chính đáng của nghệ sĩ. Tuy nhiên, khi tham gia thị trường quảng cáo, nghệ sĩ cần nắm rõ các quy định của pháp luật. Nếu quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm hoặc lừa dối người tiêu dùng, họ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tính mạng và gây thiệt hại kinh tế cho những người đặt niềm tin vào mình.

Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs quảng cáo sai sự thật về sản phẩm kẹo rau củ Kera đã bị xử phạt và xin lỗi người dùng. Ảnh: M.H

Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs quảng cáo sai sự thật về sản phẩm kẹo rau củ Kera đã bị xử phạt và xin lỗi người dùng. Ảnh: M.H

Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo cho rằng, những người có tầm ảnh hưởng là những cá nhân xuất sắc, được đông đảo công chúng yêu mến. Tuy nhiên, một số người nổi tiếng có thể bị mờ mắt trước những hợp đồng quảng cáo hấp dẫn, dẫn đến thiếu cẩn trọng, không tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi quảng bá, gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, cũng có những người vì chạy theo lợi ích tài chính mà bất chấp tất cả, quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật, tạo hiệu ứng tiêu cực và bị xã hội tẩy chay.

Từ góc nhìn của nhà văn hóa, PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhận định, công chúng đặt niềm tin và kỳ vọng vào những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội. Vì vậy, họ cần có phát ngôn chuẩn mực, đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo. Dù chỉ đóng vai trò quảng bá, họ vẫn phải chịu trách nhiệm với lời quảng cáo của mình. Việc tham gia quảng cáo không chỉ giúp nâng cao thương hiệu cá nhân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và niềm tin từ công chúng. Nếu không làm tốt, họ có thể đánh mất danh tiếng và sự tôn trọng.

Tiền mất, tật mang

Quảng cáo sai sự thật không chỉ gây ra hậu quả “tiền mất, tật mang” cho người tiêu dùng mà còn làm suy giảm uy tín của các ngành nghề liên quan. Đồng thời, nó tạo ra sự nhầm lẫn giữa các doanh nghiệp kinh doanh chân chính và những đơn vị làm ăn gian dối, khiến ranh giới giữa sản phẩm thật và giả trở nên mơ hồ.

Theo PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch VAFF, nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng đang gây khó chịu cho người tiêu dùng. Đáng chú ý, nhiều quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) vi phạm đạo đức kinh doanh, gây bức xúc cho người dùng. Không khó để bắt gặp trên các nền tảng xã hội hình ảnh các bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, bệnh viện tuyến Trung ương bị đối tượng lợi dụng cắt ghép để làm đại diện hình ảnh, quảng cáo cho sản phẩm của mình, lừa người tiêu dùng.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Bộ Quốc phòng) cho rằng, ở góc độ người tiêu dùng, do quá tin vào TPCN, nhiều người lại bỏ qua những nguồn cung cấp dinh dưỡng thường ngày, bỏ qua chế độ luyện tập thể dục thể thao dẫn đến thiếu hụt một số chất dinh dưỡng. Nguy hiểm hơn, một số người còn bỏ cả đơn thuốc của bác sĩ điều trị để chuyển sang dùng TPCN, khiến tình trạng bệnh tật trở nên nghiêm trọng hơn.

“Tuy không được coi là thuốc, nhưng TPCN cũng có khả năng gây các phản ứng dị ứng cho người dùng từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng nếu sử dụng không đúng cách” – bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết.

Cấm sóng hoặc xử lý hình sự

Với việc công khai xin lỗi của một số nghệ sĩ phần nào nhận được sự đồng cảm của dư luận. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử phạt theo quy định của pháp luật để có tính răn đe. Bởi sản phẩm mà những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật là những thứ tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Và không phải nghệ sĩ làm sai xong công khai xin lỗi là được quyền cho qua.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện cho rằng, tổ chức, cá nhân tham gia quảng cáo phải tuân thủ quy định về nội dung, trách nhiệm và quyền lợi. Nội dung quảng cáo phải trung thực, rõ ràng, không gây hiểu lầm về sản phẩm, dịch vụ. Người có ảnh hưởng (KOL, KOC, chuyên gia, người nổi tiếng…) phải tuân thủ pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm và nghĩa vụ thuế; cung cấp tài liệu khi cơ quan chức năng yêu cầu; chịu trách nhiệm nếu vi phạm; xác minh độ tin cậy của sản phẩm trước khi quảng cáo và thông báo trước cho người tiêu dùng.

Khi quảng cáo trên mạng xã hội, họ phải phân biệt nội dung quảng cáo với thông tin thông thường, gỡ bỏ nội dung vi phạm theo yêu cầu và cung cấp thông tin liên quan khi cần. Hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm, trong khi cơ quan quản lý quảng cáo phải đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các bộ quy tắc ứng xử.

Còn theo ông Nguyễn Trường Sơn, khi bàn về tình trạng quảng cáo sai sự thật, cần xem xét toàn bộ các bên tham gia vào quá trình tạo nên sản phẩm quảng cáo đó. Trước tiên là nhãn hàng - đơn vị muốn bán sản phẩm, tiếp theo là các nhà phân phối và nền tảng truyền tải quảng cáo sai lệch. Kế đến là những người trực tiếp sản xuất nội dung quảng cáo và cuối cùng là những cá nhân trực tiếp truyền tải thông điệp quảng cáo đến công chúng. Trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, các cơ quan chức năng đang cân nhắc các tình huống phát sinh từ những sản phẩm quảng cáo này để đưa ra các biện pháp xử phạt nhằm làm trong sạch thị trường.

Theo ông Sơn, để ngăn chặn tình trạng này có thể áp dụng nhiều biện pháp, trong đó hệ thống pháp luật hiện nay hoàn toàn đủ cơ sở để kiểm soát. Trước tiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền qua báo chí, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cả người tiêu dùng và người nổi tiếng về trách nhiệm và hậu quả của quảng cáo sai lệch. Đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng tẩy chay những cá nhân vi phạm, chủ động phản ánh và báo cáo sai phạm đến cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy thói quen tiêu dùng thông minh, tìm hiểu kỹ sản phẩm qua các kênh chính thống trước khi mua hàng cũng đóng vai trò quan trọng.

Ngoài ra, cần nâng cao quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt trong giới nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng, giúp họ ý thức rõ trách nhiệm của mình. Cuối cùng, cần siết chặt chế tài xử phạt, không chỉ dừng ở mức phạt hành chính mà có thể xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật nhằm đảm bảo tính răn đe và làm trong sạch thị trường.

Luật sư Đỗ Thành Hưng- Công ty Luật TNHH LTH:

Phải tính đến lợi nhuận thu về từ quảng cáo sai sự thật

Luật sư Đỗ Thành Hưng.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 34 NĐ 38/2021/NĐ-CP thì mức phạt đối với hành vi quảng cáo sai sự thật không đúng hoặc gây nhầm lẫn khiến người tiêu dùng hiểu sai về sản phẩm là phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng.

Người vi phạm còn có thể phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 5 đến 7 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm nêu trên trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên; Buộc cải chính thông tin đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nêu trên.

Ngoài ra, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự theo quy định về Tội quảng cáo gian dối được quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức hình phạt là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Mức phạt tiền nêu trên là không hề nhỏ, nhưng so sánh mức phạt này với thu nhập của những người nổi tiếng lại là con số vô cùng nhỏ. Hơn nữa, quy định của pháp luật hiện nay mới chỉ chú trọng đến mức phạt và việc thu hồi sản phẩm, cải chính thông tin, tuy nhiên lại chưa có quy định xử lý về số lợi nhuận thu về được từ hành vi quảng cáo sai sự thật. Để hoàn thiện các quy định pháp luật và hạn chế tối đa việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật thì cần xem xét bổ sung các chế tài xử phạt về số lợi nhuận thu được từ hành vi quảng cáo sai sự thật để có một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-che-tai-manh-xu-ly-quang-cao-sai-su-that-10302496.html