Cần chế tài, pháp lý hóa với chuỗi cung ứng để giảm ngộ độc thực phẩm

Về giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề ngộ độc thực phẩm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, cần có quy định, chế tài và pháp lý hóa đối với các chuỗi cung cấp thực phẩm, từ nơi sản xuất, khâu sản xuất, khâu chế biến, khâu vận chuyển và nơi tiêu thụ…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Ảnh: Quochoi.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề thuộc 4 nhóm nội dung chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Phát biểu về một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, trong 5 tháng đầu năm và tháng 5/2024, hình kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4.03%, nằm trong ngưỡng Quốc hội giao cho Chính phủ. Kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16,6%; thu ngân sách nhà nước tăng 14,8%; tổng vốn đầu tư nước ngoài tăng 27,5% so với cùng kỳ.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: Chính phủ sẽ tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Có cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên kết quả, sản phẩm cụ thể, gắn với đánh giá thực chất, với đào tạo, quy hoạch bổ nhiệm và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ. Đồng thời, ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản quy định chi tiết thi hành, báo cáo Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm đối với các luật liên quan nhiều đến những tắc nghẽn trong huy động nguồn lực.

Đại biểu tham dự phiên chất vấn sáng 6/6

Đại biểu tham dự phiên chất vấn sáng 6/6

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung, bảo đảm chủ động, linh hoạt, kịp thời hơn, hiệu quả hơn trong chỉ đạo, điều hành. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, Chính phủ kiến tạo, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới thông qua đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng, có chính sách ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế cacbon thấp, chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, là nguồn lực quan trọng, động lực mới cho tăng trưởng.

Đồng thời, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo sự ủng hộ, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, khôi phục niềm tin, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, hỗ trợ hình thành các lĩnh vực kinh tế mới, các hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật...

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Đoàn tỉnh Nam Định)

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Đoàn tỉnh Nam Định)

Tình trạng ngộ độc thực phẩm còn phức tạp

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Đoàn tỉnh Nam Định) đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng, công tác điều hành giá trong thời gian tới để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát?.

Bên cạnh đó, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất phức tạp, tình trạng ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra với số lượng lớn người ngộ độc. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết Phó Thủ tướng có giải pháp căn cơ gì để giải quyết vấn đề trên góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân?

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết vấn đề đại biểu nêu rất chính xác vì trong bối cảnh hiện nay, lạm phát liên quan nhiều đến các mặt hàng thiết yếu.

"Việt Nam có nền kinh tế mở nên chúng ta nhập khẩu khá nhiều vật tư, nguyên liệu, điều này phụ thuộc vào thị trường thế giới. Trong khi chúng ta đang thực hiện các gói kích cầu và thực hiện tăng lương. Điều này là nguyên nhân dẫn đến biến động và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát được tỉ số lạm phát mà Quốc hội cho phép" - Phó Thủ tướng nêu.

Các đại biểu tham dự phiên làm việc sáng 6/6

Các đại biểu tham dự phiên làm việc sáng 6/6

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, thông suốt trong bảo đảm sản xuất, cung ứng, lưu thông và phân phối để bảo đảm các mặt hàng mà Chính phủ kiểm soát và quản lý về giá được điều chỉnh với lộ trình phù hợp.

Về vấn đề ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần xem xét, rà soát lại các quy định pháp luật, thể chế để, trong đó đang thí điểm cơ quan quản lý liên ngành đối với vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian tới, cần xem xét có quy định, chế tài và pháp lý hóa đối với các chuỗi cung cấp thực phẩm, từ nơi sản xuất, khâu sản xuất, khâu chế biến, khâu vận chuyển và nơi tiêu thụ… Đồng thời cần phải tập trung thanh tra, kiểm tra, tăng cường năng lực đầu tư cho các trang thiết bị để kiểm soát nhanh các tiêu chí đối với an toàn thực phẩm.

“Khi có hệ thống đồng bộ, được đầu tư bài bản, đủ năng lực về trang thiết bị để có thể giám sát và kiểm tra, chúng ta hoàn toàn đáp ứng được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Đoàn tỉnh Khánh Hòa)

Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Đoàn tỉnh Khánh Hòa)

Giải pháp của Chính phủ với việc thực hiện tự chủ đại học

Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Đoàn tỉnh Khánh Hòa) đề nghị Phó Thủ tưởng cho biết kết quả thực hiện tự chủ đại học thời gian qua. Những tồn tại, hạn chế về nguyên nhân cản trở chủ trương tự chủ đại học và giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới?

Trả lời nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học, trong đó tiếp tục phân cấp hơn nữa cho các trường nhưng cũng tăng cường vai trò, trách nhiệm của quản lý nhà nước thông qua việc xác định để thẩm định, đánh giá các chương trình đào tạo...

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, không vì tự chủ mà làm ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở vật chất cần thiết. Đối với một số lĩnh vực, Nhà nước sẽ lựa chọn để có đầu tư công, đặc biệt là đối với các trung tâm, phòng thì nghiệm trọng điểm quốc gia; xác định đầu tư để đặt hàng đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo... Nhà nước sẽ quản lý thông qua các tiêu chí để đánh giá kết quả đầu ra; thu hút sự tham gia đánh giá của những cơ sở sử dụng nguồn nhân lực này để đánh giá và công bố uy tín các trường.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-che-tai-phap-ly-hoa-voi-chuoi-cung-ung-de-giam-ngo-doc-thuc-pham.html