'Cân' chi phí, tiện ích tàu metro Nhổn - ga Hà Nội và metro TPHCM
Cả hai dự án trọng điểm của Việt Nam đều mang tầm vóc tỷ đô với hi vọng thay đổi diện mạo giao thông công cộng tại Đô thị lớn.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên: 1.884.827.700,46 USD
Dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7 km. Trong đó, đoạn đi ngầm từ Nhà ga Bến Thành đến ga Ba Son dài 2,6 km và đoạn đi trên cao từ Ba Son đến Depot Long Bình dài 17,1 km. Tuyến có 14 nhà ga gồm 3 nhà ga ngầm và 11 nhà ga trên cao. Tổng mức đầu tư dự án tương đương 43.757 tỷ đồng tương đương 1,884 tỷ USD (bao gồm nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố).
Tuyến metro 1 kết nối trực tiếp với nhiều khu vực trọng điểm, đông dân của quận 9 như Khu công nghệ cao, khu du lịch Suối Tiên và đặc biệt là Bến xe Miền Đông mới. Tuyến metro số 1 sẽ là phương tiện vận chuyển, gom khách cho Bến xe Miền Đông mới và Khu công nghệ cao nên tuyến này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phục vụ vận tải khách công cộng.
Vừa qua, những toa tàu của tuyến Metro này thuộc gói thầu CP03 đã về tới TP HCM. Theo đó, Đại diện UBND TPHCM ký kết với công ty Hitachi (Nhật Bản) hợp đồng gói thầu số 3 cho tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo đó, Hitachi cung cấp 17 đoàn tàu giá 37 tỷ yên (gần 8.000 tỉ đồng).
Theo thông tin từ Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, người dân sẽ sử dụng thẻ từ giống như BRT đang sử dụng để quét và di chuyển chứ không dùng hình thức bán vé. Hiện nay Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM đang triển khai thí điểm thẻ xe buýt thông minh. Đây là nền tảng để các đơn vị nghiên cứu tích hợp với hệ thống thẻ đi metro. Nguyên tắc xây dựng các loại thẻ này là không bắt buộc phải dùng chung công nghệ mà quan trọng là phải tương thích với nhau, tức khách hàng có thể dùng thẻ xe buýt đi metro, BRT và ngược lại.
Dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội: 1.375.543.680 USD
Dự án tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được xây dựng có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu EURO (tương đương 1,3 tỷ USD) từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng Đầu tư châu Âu, chính phủ Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước. Theo tiến độ điều chỉnh mới nhất của UBND TP Hà Nội, thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến 2022, trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4-2021, còn đoạn đi ngầm vào tháng 12-2022. Đến nay, toàn tuyến trên cao của dự án dài 8,5 km từ Nhổn - Kim Mã đã hoàn thành khoảng 80%. Đoạn ngầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội dài 4 km đã hoàn thành khoảng 20%.
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội có mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt đô thị chạy trên đường dành riêng với tổng chiều dài tuyến chính 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km, đoạn đi ngầm khoảng 4,0km. Đây là tuyến đường sắt khổ đôi 1.435 mm: ray/ghi tiêu chuẩn Châu Âu UIC 60 hoặc tương đương; hệ thống nhà ga của tuyến 8 ga trên cao (ga S1 đến ga S8), 4 ga ngầm (ga S9 đến ga S12); phương tiện vận tải gồn có đầu máy toa xe lựa chọn loại kích thước “trung bình”- Loại xe B (theo tiêu chuẩn Châu Âu) có chiều rộng từ 2,75-3,00m; chiều dài đoàn tàu khoảng 80m (với đoàn tàu 4 toa), khoảng 100m (với đoàn tàu 5 toa); số toa của đoàn tàu theo giai đoạn phân kỳ đầu tư từ 4 toa đến 5 toa/đoàn tàu.