Cần chính sách mạnh mẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp dược

Nhận diện những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dược. Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và doanh nghiệp kỳ vọng, các chính sách đưa vào Luật lần này sẽ có tính đột phá, thực sự mang lại hiệu quả để thúc đẩy phát triển công nghiệp dược, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của ngành dược nước ta.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dược. Ảnh: USTH

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã bổ sung nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp dược. Ảnh: USTH

Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, đơn giản hóa thủ tục

Theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp, thực tiễn hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Dược năm 2016 cho thấy, một số nội dung của Luật không còn phù hợp với yêu cầu quản lý; gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, ảnh hưởng đến việc cung ứng thuốc của các doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Diệu Hà - Tổng Thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam - dẫn chứng, Luật Dược hiện nay còn thiếu các chính sách nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp như: Hợp tác đầu tư với nước ngoài sản xuất gia công, chuyển giao công nghệ; chính sách đầu ra cho các sản phẩm hợp tác; chính sách thuế đối với nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc. Luật cũng chưa có chính sách ưu đãi khuyến khích, tạo thuận lợi đối với xuất khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Việc cấp giấy phép lưu hành thuốc, đặc biệt là gia hạn giấy đăng ký lưu hành còn chậm, ảnh hưởng đến việc bảo đảm tính kịp thời của chuỗi cung ứng. Các quy định về xuất nhập khẩu thuốc chưa đáp ứng yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, làm ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã sửa đổi quy định nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất thuốc, nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học; trong đó xác định rõ ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất nguyên liệu dược chất, thuốc mới…

Đồng thời, xác định ưu đãi đầu tư đối với sản xuất thuốc gốc (generic), nguyên liệu làm thuốc là tá dược, vỏ nang; xây dựng cơ sở thử nghiệm sinh học, đánh giá sinh khả dụng, tương đương sinh học của thuốc; cơ sở thử nghiệm lâm sàng thuốc; bổ sung quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng tỷ lệ trích và thời gian sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu làm thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành thuốc; ưu tiên về trình tự, thủ tục đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu thuốc hiếm, vắc-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới tiền thẩm định, thuốc đã được thử lâm sàng tại Việt Nam; bổ sung, sửa đổi các quy định về chính sách ưu đãi đầu ra (mua thuốc, thanh toán bởi bảo hiểm y tế, giữ giá và giảm giá theo lộ trình…) đối với các thuốc được nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất tại Việt Nam.

Với mô hình bệnh tật thay đổi và với mục tiêu cao hơn cho ngành dược, để kịp thời giải quyết những vấn đề trong thực tiễn, các quy định tập trung cho việc phát triển ngành dược và công nghiệp dược là nhu cầu thiết yếu. Chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng với hệ thống chính sách ban hành và mục tiêu phát triển đã được Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ định hướng thì chúng ta có đủ những điều kiện để tập trung cho phát triển ngành dược.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Cần chính sách minh bạch, đủ hấp dẫn

Tán thành cao việc bổ sung các chính sách trên, đại biểu Quốc hội Lê Văn Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) góp ý, để các chính sách ưu đãi, ưu tiên hỗ trợ phát triển công nghiệp dược có thể triển khai trên thực tế thì cần phải quy định cụ thể những ưu đãi đó là gì, trình tự, thủ tục hồ sơ, điều kiện để được thụ hưởng các ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.

Nêu thực tế Việt Nam đang là quốc gia duy nhất trong khu vực ASEAN chưa mở cửa cho dịch vụ phân phối thuốc, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng, việc tạo một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát huy sự tự chủ, nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển không chỉ của doanh nghiệp trong nước mà cả ngành công nghiệp dược. Đại biểu đề nghị cân nhắc mở rộng từng bước quyền của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài, cho phép mở rộng dịch vụ bảo quản và vận chuyển đối với các nhà đầu tư doanh nghiệp FDI có đủ năng lực về kho bãi, cơ sở trung tâm trung chuyển hàng hóa nhằm thúc đẩy việc huy động và thu hút nguồn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.

Cùng đề cập đến vấn đề này, dưới góc nhìn chuyên gia, PGS,TS. Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - nhấn mạnh, dược phẩm phát minh không phải là đối thủ cạnh tranh với các thuốc generic của công nghiệp dược nội địa. Vì vậy, cách “khôn ngoan nhất” là huy động các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia đầu tư hợp tác để sản xuất những thuốc đó ngay tại Việt Nam và có thể xuất khẩu. Theo ông Truyền, muốn các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia chuyển giao công nghệ thì các chính sách khuyến khích đầu tư phải minh bạch, nhất quán và đủ hấp dẫn; không xung đột với các Luật liên quan. Đồng thời, công nghiệp dược nội địa cũng phải nâng cao trình độ công nghệ, năng lực quản lý và tuân thủ hệ thống quy chế tiên tiến quốc tế về sản xuất dược phẩm. Đây là những vấn đề cần quan tâm đưa vào Dự thảo Luật.

Còn theo đại biểu Quốc hội Phạm Như Hiệp (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế), để phát triển công nghiệp dược, cần tập trung đầu tư vào các thuốc xã hội cần và có giá trị kinh tế cao như: Thuốc có nguồn gốc dược liệu, thuốc sinh học, vắc xin, sinh phẩm y tế, các thuốc sản xuất nhượng quyền, thuốc chuyển giao công nghệ, thuốc có dạng bào chế đặc biệt, nguyên liệu làm thuốc generic chuyên khoa đặc trị có hàm lượng nhỏ. Đồng thời, cần đổi mới tư duy, đổi mới khoa học công nghệ trong vấn đề sản xuất thuốc generic tạo ra nhiều sản phẩm mới đặc thù, dần dần tiến tới sản xuất thuốc phát minh. “Tư duy trong xây dựng cơ chế, chính sách cần có sự thay đổi cho phù hợp với xu hướng đổi mới sáng tạo, tạo ra được bước đột phá trong việc phát triển ngành dược, tương tự như ngành bán dẫn... Trong đó, cần có chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư y tế, các hoạt động dịch vụ trong nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng, thử nghiệm tương đương sinh học” - đại biểu Nguyễn Như Hiệp đề xuất./.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/can-chinh-sach-manh-me-thuc-day-phat-trien-cong-nghiep-duoc-33407.html