Cần chính sách thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại nông thôn
Cần thêm các chính sách nhằm thu hút đầu tư phát triển, hiện đại hóa mạng lưới chợ vùng nông thôn nói chung, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Cả nước hiện có gần 9.000 chợ, trong đó chợ nông thôn chiếm 76%; có khoảng 2 triệu hộ kinh doanh thường xuyên tại chợ, chiếm 40% số người hoạt động thương mại dịch vụ cả nước, trong đó người buôn bán cố định tại chợ chiếm khoảng 51%; số người thường xuyên trao đổi tại chợ chiếm 80% người tiêu dùng.
Tính đến thời điểm tháng 7/2022, cả nước có 757 xã có cửa hàng tiện lợi, chiếm 9,12% tổng số xã. Ngoài ra, còn có 250 xã có trung tâm thương mại và siêu thị, chiếm 3,01% tổng số xã khu vực nông thôn cả nước.
Một số địa phương chú trọng phát triển loại hình thương mại dịch vụ hiện đại này ở khu vực nông thôn nên đã thu được những kết quả tích cực. Năm 2020, Nghệ An có 28 xã có cửa hàng tiện lợi, chiếm 6,81% số xã trên địa bàn và 13 xã có trung tâm thương mại, siêu thị, chiếm 3,16%, Long An có 25 xã có cửa hàng tiện lợi, chiếm 15,53% số xã và 13 xã có trung tâm thương mại, siêu thị, chiếm 8,07% số xã.
Trên cơ sở các quy hoạch, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020, trên phạm vi cả nước đã có hơn 1.192 chợ được xây mới và 1.241 chợ được cải tạo, nâng cấp với tổng nguồn vốn đầu tư là 6.187,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 648,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 1.906,5 tỷ đồng, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đóng góp 3.111,6 tỷ đồng, còn lại là huy động từ các nguồn xã hội hóa.
Phần vốn ngân sách nhà nước chủ yếu hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng một số loại hình chợ, nhưng trên thực tế chưa đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư tại các địa phương.
Việc thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước được thực hiện với nhiều hình thức phù hợp để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, các loại hình hạ tầng phục vụ phân phối bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho... đã hình thành và phát triển khá nhanh với vốn đầu tư hoàn toàn từ nguồn lực xã hội hóa.
Theo Quyết định số 1214/QĐ-BCT ngày 22/6/2022 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, hạ tầng thương mại vùng nông thôn bao gồm: chợ, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng kinh doanh tổng hợp tại các xã thuộc khu vực nông thôn, không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn.
Mặc dù, thời gian qua, nước ta có nhiều chính sách, chương trình, dự án đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng thương mại vùng nông thôn đã mang lại được nhiều thành tựu quan trọng. Kết cấu hạ tầng thương mại vùng nông thôn tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
Tuy nhiên, thị trường nông thôn vẫn chưa thực sự bứt phá, còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, nhiều kết cấu hạ tầng thương mại chậm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu văn mình thương mại và phát triển theo hướng thị trường. Những tồn tại, bất cập đó do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do đầu tư, phát triển và quản lý hạ tầng thương mại nông thôn chưa được chú trọng đúng mức.
Để phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại vùng nông thôn, ông Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo sau đại học - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương cho rằng, trước tiên, cần tiếp tục triển khai các chính sách nhằm thu hút đầu tư phát triển, hiện đại hóa mạng lưới chợ vùng nông thôn nói chung, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Tập trung đầu tư vào phát triển, hiện đại hóa các chợ truyền thống ở khu vực nông thôn, trong đó chủ yếu là chợ dân sinh, chợ phiên, chợ tạm để cung cấp và tiêu thụ hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm… được sản xuất tại vùng và các khu vực lân cận.
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại vùng nông thôn; ưu tiên bố trí quỹ đất đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại nhằm đảm bảo nhu cầu hiện tại, phù hợp với sự gia tăng của các dự án đầu tư và mở rộng quy mô hoạt động của các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại, góp phần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách, nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của khu vực dân tộc ít người.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại khi các cơ chế, chính sách hiện nay chưa có tính đột phá để thu hút đầu tư hỗ trợ cho phát triển kết cấu hạ tầng thương mại vùng nông thôn nói chung, đặc biệt là các loại hình cần tập trung phát triển trong thời gian tới như hạ tầng logistics, chợ đầu mối.