Cần chủ động, kiên trì và tư duy mới về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Sáng 28-3, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo Liên kết thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh Tiền Giang năm 2023. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng chủ trì hội thảo.
Theo đồng chí Trần Văn Dũng, xác định lực lượng doanh nghiệp (DN) là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung công tác hỗ trợ và phát triển DN.
Trong đó, giải pháp trọng tâm là “thúc đẩy khởi nghiệp, KNĐMST; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, KNĐMST trên địa bàn tỉnh”.
Cụ thể, tỉnh đã tổ chức Hội nghị phát triển DN Tiền Giang, tập trung chủ đề “Khởi nghiệp” (năm 2016); ban hành Kế hoạch Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 và các kế hoạch hằng năm từ năm 2019 - 2023 để triển khai thực hiện; tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh gặp gỡ thanh niên khởi nghiệp các năm từ 2017 - 2022; xây dựng Đề án “Phát triển hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
Các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cũng vào cuộc thúc đẩy phong trào khởi nghiệp diễn ra sôi nổi; trong đó, tập trung vào đối tượng thanh niên, phụ nữ, sinh viên do Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Trường Đại học Tiền Giang thực hiện.
Kết quả, hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được hình thành, phong trào khởi nghiệp trong xã hội, nhất là đối tượng thanh niên, sinh viên, phụ nữ được thúc đẩy mạnh mẽ.
Tuy nhiên, thực trạng khởi nghiệp, KNĐMST hiện vẫn còn những hạn chế. Trước hết, hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu còn ở chiều rộng, chưa gắn kết hiệu quả với đổi mới sáng tạo.
Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh chưa hình thành rõ nét, các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung, các quỹ đầu tư KNĐMST chưa hình thành...
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp phối hợp với VCCI Cần Thơ trong việc tham mưu đề xuất UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ hình thành hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, các DN khởi nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công. Lãnh đạo các sở, ngành chia sẻ các tham luận về hỗ trợ hoạt động KNĐMST.
Diễn giả Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ đã chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của khủng hoảng kinh tế và xu hướng KNĐMST trong bối cảnh hội nhập và phục hồi kinh tế trong thời kỳ mới.
Diễn giả Nguyễn Thị Thương Linh còn chia sẻ về vấn đề làm thế nào để liên kết và thúc đẩy KNĐMST cho Tiền Giang trong thời kỳ mới.
Theo diễn giả Nguyễn Thị Thương Linh, để thúc đẩy KNĐMST, cần xác định rõ vai trò và chức năng của các tổ chức, có mục tiêu cụ thể; cần có sự chủ động, thông suốt, kiên trì và tư duy mới về cách làm.
Sự chủ động không chỉ đến từ các đơn vị khởi nghiệp mà cần sự chủ động của tất cả các cơ quan, ban ngành.
Đặc biệt là cần có sự kết nối để huy động nguồn lực của doanh nhân, đây là lực lượng vô cùng quan trọng.
Trong các kế hoạch hỗ trợ KNĐMST, cần có sự hiểu và phân định rõ về hoạt động KNĐMST, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ nâng cao năng suất với hoạt động khởi nghiệp thông thường.
Đồng thời, khuyến khích chủ động, cải cách và nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm về khởi nghiệp một cách đồng bộ, chuyên nghiệp hóa hơn…