Cần chuẩn bị kỹ lưỡng để dự án hạ tầng giao thông bảo đảm tiến độ

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông)-Chơn Thành (Bình Phước) được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trong vùng. Tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, dự án này đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư. Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là tiến độ thực hiện dự án có đáp ứng được yêu cầu hay không.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ lo ngại về tiến độ thực hiện dự án. Dự kiến, nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án bắt đầu triển khai từ năm 2024 và hoàn thành năm 2026. Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, tiến độ này khó khả thi và đề xuất hoàn thành dự án vào cuối năm 2028. Cùng với đó, cần tính toán lại tổng mức đầu tư cho phù hợp với mốc thời gian này. Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) đề nghị, cần bổ sung thêm thông tin về tính hiệu quả, thời gian triển khai xây dựng và hoàn thiện công trình đến năm 2026. Đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất hoàn thành dự án này vào năm 2027, đồng thời, các địa phương có dự án đi qua phải cam kết mạnh mẽ trong việc bàn giao mặt bằng thi công nhanh nhất có thể.

Ảnh minh họa: thoibaotaichinhvietnam.vn

Ảnh minh họa: thoibaotaichinhvietnam.vn

Chia sẻ với những băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, từ kinh nghiệm thực hiện đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2 cho thấy, dự án đường cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành cần khoảng 1,5 năm để triển khai. Nếu năm 2025 bắt đầu khởi công thì hết năm 2026, thời gian khoảng 2 năm hoàn toàn có thể hoàn thành được dự án này. Quá trình thực hiện cho thấy, một số vướng mắc khi bắt tay vào thực hiện dự án đường cao tốc như thiếu nguồn vật liệu xây dựng và khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, những đoạn tuyến được bố trí mặt bằng sớm, di dời hạ tầng kỹ thuật và giải quyết được bài toán về vật liệu thì tối đa không quá 24 tháng sẽ hoàn thành.

Từ thực tế triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt với đường cao tốc có thể thấy, bên cạnh nguồn vốn cung cấp cho dự án, năng lực của nhà thầu, công tác giải phóng mặt bằng và nguồn vật liệu là những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định tiến độ công trình. Để quá trình thi công thuận lợi, công tác chuẩn bị càng phải kỹ lưỡng. Trong đó, giải phóng mặt bằng cần đi trước, sớm có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu thực hiện các hạng mục thiết yếu. Cần xác định cụ thể, quy hoạch rõ các mỏ vật liệu, đánh giá trữ lượng đầy đủ, bảo đảm có phương án cung cấp đủ vật liệu xây dựng cho dự án. Với những kinh nghiệm đã được đúc rút cùng sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của các chủ thể tham gia dự án, mạng lưới đường cao tốc nước ta hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng, góp phần thúc đẩy giao thương giữa các vùng miền.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-chuan-bi-ky-luong-de-du-an-ha-tang-giao-thong-bao-dam-tien-do-782126