Cần có bảo lãnh Chính phủ trong cơ chế đặc biệt dành cho điện hạt nhân
Từ nhận diện về những thách thức trong phát triển điện hạt nhân, chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn, Khoa Quản lý Công nghiệp và Năng lượng (Trường Đại học Điện lực) cho rằng, cần thiết có thêm sự bảo lãnh Chính phủ ở mức độ cao và toàn diện trong cơ chế đặc biệt để thực hiện các dự án điện hạt nhân ở nước ta.
Chủ trương tái khởi động chương trình điện hạt nhân được Đảng, Chính phủ, Quốc hội đang gấp rút triển khai. Ngày 4/2/2025, tại Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Công Thương báo cáo cấp thẩm quyền để giao 2 tập đoàn năng lượng lớn của quốc gia là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Petrovietnam làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Để Việt Nam sớm bắt kịp với kỷ nguyên năng lượng nguyên tử, ngày 19/2, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt cho Dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận về triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng cho thực hiện dự án, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.
Các cơ chế đặc biệt đã tạo ra những thuận lợi nhất định cho quá trình triển khai dự án, tuy nhiên, từ những kinh nghiệm về thách thức trong triển khai nhà máy điện hạt nhân của các nước trên thế giới, chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn cho rằng, cần có thêm một số cơ chế đặc biệt khác liên quan đến bảo lãnh Chính phủ.

Chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn: “Cơ chế đặc biệt để phát triển điện hạt nhân cần có thêm sự tập trung vào việc trợ giá và bảo lãnh của Chính phủ” (Ảnh: Phương Thảo)
Những thách thức điển hình về kinh tế trong triển khai điện hạt nhân
Theo ông Nguyễn Thành Sơn, kinh nghiệm xây dựng năng lượng nguyên tử trên thế giới đã tổng kết nhiều thách thức trong kinh tế điện hạt nhân. Cụ thể, tổng mức đầu tư của điện hạt nhân rất cao. Theo kết quả nghiên cứu độc lập của các tổ chức có uy tín, gồm: Đại học Rice (Anh); Đại học Lappeenranta (Phần Lan); Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Anh; Scully Capital của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ; Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA); Cơ quan Năng lượng Hạt nhân (NEA)... tính toán chi phí đầu tư của điện hạt nhân trên thế giới dao động từ 900-5.400 USD/kW. Hơn nữa, hầu hết các dự báo về chi phí xây dựng điện hạt nhân đều có phát sinh.
Thách thức tiếp theo đến từ chi phí điện quy dẫn (LCOE - tính đến tất cả các chi phí trong vòng đời của nhà máy điện, gồm: Chi phí vốn; chi phí hoạt động và khấu hao; chi phí nhiên liệu; điều kiện tài chính; hệ số sử dụng công suất; tuổi thọ nhà máy; đặc tính nhiệt động và công nghệ của nhà máy) của điện hạt nhân cao thứ hai trong số các nguồn điện, hiện đang ở mức 97-136 USD/MWh.
Bên cạnh đó, giá thành điện năng của các nhà máy điện hạt nhân còn nhiều ẩn số về chi phí đóng cửa nhà máy khi hết tuổi thọ, xử lý chất thải chứa phóng xạ, đặc biệt là chất thải tồn tại lâu dài ở mức độ thấp, trung bình và cao. Một số biến số chưa có câu trả lời “đúng”, như: Lãi suất vay ngân hàng, tỷ lệ chiết khấu, thời gian khấu hao... Trong khi đó, các thế hệ lò phản ứng mới đều chưa được thử nghiệm ở mức độ cần thiết nên chưa thể xác định đúng các chi phí có liên quan.
Không chỉ vậy, thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân thường bị kéo dài. Lò phản ứng hạt nhân chỉ được chế tạo sau khi có hợp đồng EPC. Vì vậy, tổng thời gian từ khâu chuẩn bị đầu tư, chế tạo lò, thi công xây dựng, nghiệm thu, cấp chứng chỉ an toàn, vận hành thử, đến bàn giao đưa vào khai thác thường dài hơn nhiều so với thời gian tính toán trong các thiết kế.
Cần có thêm sự trợ cấp, trợ giá và bảo lãnh của Chính phủ
Ước tính để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cần khoảng 12 tỷ USD, đây là con số không hề nhỏ. Chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn nhận định, việc thu xếp vốn là thách thức lớn với các chủ đầu tư, bởi nguy cơ “đội vốn” và “đội giá” từ những thách thức hiện có khi thực hiện dự án điện hạt nhân. Theo báo cáo “Chi phí vượt mức và rủi ro tài chính trong việc xây dựng các lò phản ứng điện hạt nhân: Đánh giá quan trọng”, điều tra 180 tổ máy điện hạt nhân có mức “đội vốn” bình quân là 117%.

Chi phí xây dựng một nhà máy điện hạt nhân rất lớn, vì vậy, Chính phủ có thể cần ấn định một mức chi phí tối đa cố định mà nhà đầu tư sẽ phải trả (Ảnh minh họa)
Với các thách thức trên, chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn cho rằng, cơ chế đặc biệt để phát triển điện hạt nhân cần có thêm sự tập trung vào việc trợ cấp, trợ giá và bảo lãnh của Chính phủ.
“Các nghiên cứu do Chính phủ Anh thực hiện vào các năm 1989, 1995 và 2002, đã rút ra kết luận: Trong thị trường điện tự do, các công ty điện lực sẽ không xây dựng nhà máy điện hạt nhân trừ khi có trợ cấp của Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh cho việc hoàn vốn”, ông Nguyễn Thành Sơn nêu trích dẫn.
Từ đó, vị chuyên gia này phân tích, việc trợ giá và bảo lãnh của Chính phủ thường được yêu cầu ở những lĩnh vực không thuộc quyền kiểm soát của chủ đầu tư, như: Chi phí xây dựng một nhà máy điện hạt nhân sẽ rất lớn và nguy cơ vượt chi phí sẽ rất cao, vì vậy, Chính phủ có thể cần ấn định một mức chi phí tối đa cố định mà nhà đầu tư sẽ phải trả.
Chi phí nhiên liệu hạt nhân, dự trữ nhiên liệu uranium có thể khắc phục được nguy cơ tăng chi phí mua nhiên liệu, nhưng sẽ làm tăng vốn lưu động, tức tăng chi phí và cần được Chính phủ bảo lãnh. Chi phí xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng còn gây tranh cãi và chủ sở hữu cơ sở hạt nhân có thể yêu cầu mức trần về chi phí xử lý nhiên liệu.
Chi phí ngừng hoạt động rất khó để dự đoán và có thể sẽ tăng lên trong tương lai. Vì lý do này, các nhà máy điện hạt nhân có thể yêu cầu mức bù giá tối đa cho những chi phí xử lý. Do đó, chi phí đóng cửa nhà máy điện hạt nhân cũng cần được bảo lãnh. Ngoài ra, điện hạt nhân có thể kỳ vọng Chính phủ bảo lãnh cho việc điện sản xuất ra sẽ được mua ở mức giá đảm bảo.
Sự bảo lãnh của Chính phủ sẽ phải toàn diện và cao đối với những công trình điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng. Việc này đã được thực hiện ở các nước đi đầu về điện hạt nhân. Ở Mỹ, chính quyền đã cố gắng giải quyết những rủi ro kinh tế bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp của Chính phủ cho điện hạt nhân. Các doanh nghiệp không thể xây dựng các tổ máy điện hạt nhân nếu không có sự hỗ trợ từ các cơ quan xếp hạng tín dụng và các nhà phân tích đầu tư.
Từ nhận diện về những thách thức trong kinh tế điện hạt nhân, chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn nhìn nhận, cần thiết có thêm các cơ chế trợ cấp, trợ giá, bảo lãnh của Chính phủ, đặc biệt là bảo lãnh Chính phủ ở mức độ cao và toàn diện trong cơ chế đặc biệt để thực hiện các dự án điện hạt nhân ở nước ta.