Cần có các mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Từ đầu năm đến nay, giá thịt xuất chuồng các loại gia súc, gia cầm giảm khá mạnh, nhưng giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Cùng với đó, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục ở trâu, bò... tiềm ẩn nguy cơ quay trở lại, đã khiến nhiều gia trại, hộ gia đình chăn nuôi phải liên tục bù lỗ, giảm số lượng, thậm chí bỏ trống chuồng chờ tình hình ổn định trở lại.

Cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại thành phố Sơn La.

Cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi tại thành phố Sơn La.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện thành phố Sơn La có 491.631 con gia súc, gia cầm với gần 9.000 hộ chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, các hộ chăn nuôi đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trước tác động của dịch bệnh trên gia súc. 51 con bò và 17 con dê mắc bệnh lở mồm long móng gia súc type O tại các xã Chiềng Ngần, Chiềng Đen, Chiềng Cọ. Ngoài ra, bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại bản Muông, bản Noong La, xã Chiềng Ngần, với 5 hộ có lợn mắc bệnh, cơ quan chức năng đã tiêu hủy 9 con lợn mắc bệnh, tổng trọng lượng 1.130 kg; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra tại các xã: Chiềng Ngần, Chiềng Đen, Hua La, Chiềng Cọ và các phường: Chiềng Cơi, Chiềng Sinh, Chiềng An phải tiêu hủy 30 con bò, tổng trọng lượng 4.984 kg.

Trước đây, gia đình ông Cà Văn Tổng, bản Muông, xã Chiềng Ngần, duy trì đàn lợn hơn 60 con, mỗi năm xuất bán 2-3 lứa, cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Năm nay, do dịch bệnh và thức ăn chăn nuôi tăng giá nên ông Tổng phải giảm số đàn lợn xuống một nửa. Ông Tổng cho biết: Đáng lẽ, lứa lợn này tôi đã xuất chuồng từ đầu tháng 7, nhưng giá giảm còn 55 nghìn đồng/kg nên tôi không bán, bây giờ giá chỉ còn 50 nghìn đồng/kg cũng không có người mua. Để càng lâu, tốn càng nhiều thức ăn, trong khi giá thức ăn lại quá cao, khiến chi phí đội lên nhiều.

Theo nhiều hộ chăn nuôi khác, từ đầu năm đến nay, giá lợn giống và nhất là các mặt hàng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng khoảng 8-9 đợt liên tiếp, đến thời điểm này, đã tăng hơn 100 nghìn đồng/bao thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi còn phải “gánh” thêm hàng loạt chi phí khác, như: thuê nhân công, vật tư phòng dịch...

Cùng chung nỗi niềm, bà Bùi Thị Duyên, bản Panh, xã Chiềng Xôm, chia sẻ: Tháng 6-7/2020, đàn lợn của gia đình bị dịch tả lợn châu Phi làm chết hàng chục con, mặc dù gia đình đã chủ động phòng dịch, nhưng cũng không tránh khỏi phải tiêu hủy. Sau khi hết dịch, đầu tháng 12/2020, gia đình tôi đầu tư tái đàn, ban đầu chỉ nuôi 10 con, sau đó được Nhà nước hỗ trợ 81 triệu đồng, mua thêm 65 con lợn giống về tiếp tục chăn nuôi. Thời điểm này, giá thức ăn tăng cao, mà giá bán lợn hơi chỉ 46-47 nghìn đồng/kg, nếu bán mỗi con sẽ lỗ 1 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Hanh, chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi tại bản Híp, xã Chiềng Ngần, cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến các đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi bị ảnh hưởng do thức ăn chăn nuôi lên cao và khó tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Vì thế, người chăn nuôi phải dè dặt và tính toán khi mua các loại thức ăn nên doanh thu của cửa hàng giảm khá nhiều.

Ông Nguyễn Xuân Ước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố, thông tin: Trước mắt để tháo gỡ khó khăn, người chăn nuôi cần làm tốt công tác phòng, chống dịch; cần chú ý chọn mua các con giống bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, quá trình nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; nghiên cứu, chuyển hướng chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ sinh học an toàn chủ động cập nhật thông tin thị trường, tránh xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Người dân nên sử dụng cám gạo, ngô, sắn... bảo quản rơm, ủ rơm, ủ xanh các loại cây làm thức ăn cho gia súc, tận dụng hết các phụ phẩm nông sản tại chỗ, giảm tỉ lệ sử dụng thức ăn công nghiệp.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ quy hoạch vùng chăn nuôi phù hợp với các điều kiện của từng xã, phường; phát triển mạnh mẽ hơn nữa các mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm để người dân giảm bớt áp lực khi chi phí đầu vào tăng cao, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Có như vậy, người dân mới yên tâm tái đàn và phát triển đàn gia súc, gia cầm an toàn mang lại hiệu quả kinh tế, giảm thiệt hại cho hộ chăn nuôi.

Lam Giang, Thủy Tiên

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/can-co-cac-mo-hinh-lien-ket-chan-nuoi-theo-chuoi-gia-tri-41820