Cần cơ chế đặc thù cho những dự án mới, khó và chưa có tiền lệ

Thảo luận toàn thể ở Hội trường, các đại biểu Quốc hội tán thành cao với Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định rõ cơ chế đặc thù cho những dự án mới, khó và chưa có tiền lệ.

Thẩm tra nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt triển khai đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược dài hạn, tác động sâu, rộng tới mọi mặt của nền kinh tế - xã hội nước ta và có quy mô rất lớn, yêu cầu về công nghệ kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai thực hiện ở Việt Nam. Do đó, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả cho Dự án thì việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết. Chính phủ đề xuất 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác quy định pháp luật hiện hành, do đó cần bổ sung đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng hơn, để có giải pháp phù hợp nhằm hạn chế, khắc phục các tác động tiêu cực và báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền về nội dung của các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Bàn về vấn đề này tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu rõ, Chính phủ đã đề xuất 19 cơ chế đặc thù - đây đều là những chính sách cần thiết, phù hợp để dự án được sớm triển khai đồng bộ và hiệu quả. Đại biểu cơ bản nhất trí với các đề xuất này, đồng thời đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm một cơ chế để tạo nguồn vốn dành riêng cho dự án này, nhằm chủ động vốn, tăng cường an toàn nợ công quốc gia, cũng như đảm bảo khả năng trả nợ của Chính phủ. Chính sách này có thể hình dung đơn giản như cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương mà Quốc hội đang áp dụng trong điều hành ngân sách hiện nay. Đó là một số nguồn thu ngân sách nên được ưu tiên chỉ sử dụng cho đầu tư đường sắt tốc độ cao, tránh việc sử dụng dàn trải, kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực vào các dự án khác chưa thật sự cấp bách.

Nguồn thu đầu tiên cần ưu tiên cho dự án này là nguồn tăng thu ngân sách hằng năm. Đại biểu cho biết, vừa qua nguồn này một phần để lại cho cải cách tiền lương, phần còn lại cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chủ yếu được sử dụng đầu tư vào các dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó có không ít dự án không rõ về tính cấp bách và hiệu quả. Thực tế nhiều dự án dạng này khó giao vốn, vốn chờ dự án, chậm giải ngân, lãng phí nguồn lực. Trong thời gian tới, dự kiến xu hướng vượt thu của ngân sách hằng năm sẽ vẫn tiếp tục duy trì và khi chế độ tiền lương đi vào ổn định, kinh phí lương được bố trí trong dự toán hằng năm, thì phần tăng thu nên tập trung tạo nguồn làm đường sắt cao tốc, nguồn này nếu được dành riêng sẽ giảm áp lực rất lớn trong việc bố trí vốn cho dự án. Ngoài ngân sách trung ương cũng có thể yêu cầu một số khoản thu và tăng thu của ngân sách địa phương cùng đóng góp, tạo nguồn vốn cho dự án quan trọng này của đất nước, nhất là nguồn thu từ đất đai hay bán tài sản công.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang phát biểu

Nguồn vốn thứ hai nên ưu tiên chi cho dự án là nguồn thu từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận nhà ga. Nội dung này Chính phủ đã đề xuất ở 1 trong 19 cơ chế đặc thù, đó là dành 50% số thu được từ nguồn thu này để nộp về ngân sách trung ương, theo tính toán cũng đến hàng chục tỷ USD. Theo đại biểu, như vậy là hợp lý, nhưng cũng cần quy định rõ việc điều tiết về trung ương để dành riêng cho làm đường sắt cao tốc. Tỷ lệ điều tiết không nên quy định cứng giống nhau giữa các địa phương, vì mức độ gia tăng giá đất sau khi có dự án là khác nhau giữa các địa phương, nên tính toán tỷ lệ điều tiết hợp lý. Ngoài ra, nếu có phát sinh các nguồn thu đột xuất khác ngoài dự toán các kỳ trung hạn, cũng cần xem xét để ưu tiên tạo nguồn cho dự án này. Như vậy, hiệu quả sử dụng ngân sách sẽ tăng, áp lực về vốn cho dự án cũng như áp lực nợ công, bội chi, nghĩa vụ trả nợ của ngân sách cũng sẽ dần dần giảm bớt.

Đại biểu hy vọng, với quyết tâm cao, cách làm bài bản, khoa học, sáng tạo, chủ động, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào cuộc, dự án sẽ sớm được thực hiện thành công, phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước cả trước mắt và tương lai lâu dài.

Nhất trí về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, để đảm bảo tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035, cần phát huy tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai dự án. Đây là một dự án khó, mới, chưa có tiền lệ, vì vậy cần đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế để có năng lực hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có năng lực thực sự để dự án đạt tiến độ nhanh nhất, chất lượng cao nhất. Tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù, đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các bước tiếp theo.

Đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu

Đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu

Cùng quan tâm về một số chính sách đặc thù, đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nêu rõ, theo Tờ trình, chính sách số 11 đã nêu nội dung không thi tuyển phương án kiến trúc đối với nhà ga. Đại biểu cho rằng kiến trúc các nhà ga là một phần rất quan trọng trong dự án, không chỉ là công trình xây dựng mà còn là công trình văn hóa sẽ tồn tại hàng trăm năm. Các nhà ga không chỉ mang đặc trưng của địa phương mà phải có sự liên kết với nhau, ít nhất là về mặt kiến trúc. Nếu vì lý do bản quyền dẫn đến khó điều chỉnh phương án kiến trúc trong quá trình thực hiện mà bỏ qua cơ hội huy động sự sáng tạo của các nhà chuyên môn cho một dự án mang tầm thế kỷ của quốc gia thì không thỏa đáng. Do đó, nên thiết kế lại chính sách này theo hướng thỏa thuận giải quyết vấn đề bản quyền sau khi phương án được chọn.

Về chính sách số 19, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù sau khi chủ trương được Quốc hội thông qua, phương án của Chính phủ đề xuất thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách khi so sánh thực tế với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Đắk Nông - Bình Phước là chưa phù hợp, nhất là khi so sánh về quy mô và mức độ ảnh hưởng của dự án. Do vậy, để đảm bảo sự thống nhất trong cơ chế, chính sách, tránh tạo tiền lệ cho các dự án sau này, đại biểu đề nghị chỉ giao thẩm quyền đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ như trong thời gian vừa qua thì chắc chắn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh của dự án.

Nhấn mạnh một số yếu tố đảm bảo thực hiện thành công của Dự án, đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ, để cân bằng nền tài chính quốc gia trong dài hạn, đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ chủ động, sẵn sàng ứng phó với rủi ro về lãi suất, tỷ giá, tín dụng, lạm phát, lành mạnh hóa hệ thống tài chính, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, phát triển đồng bộ thị trường. Đồng thời với dự báo và khai thác tối đa khả năng thanh khoản các nguồn lực của quốc gia, cần nghiên cứu ban hành chính sách tín dụng, lãi suất đặc thù hỗ trợ đầu tư các công trình giao thông quan trọng, trọng điểm của quốc gia, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong ngắn, trung và dài hạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Tham gia phát biểu về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là dự án lớn, rất khó để thực hiện. Để Dự án thành công, đề nghị Quốc hội cần ban hành các chính sách đặc thù như đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án và giải phóng mặt bằng. Ban hành các quy định riêng cho các dự án hạ tầng lớn nhằm rút ngắn thời gian triển khai, miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong các dự án PPP, tăng cường các khoản vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ. Đồng thời, Quốc hội cũng cần phải thành lập một cơ quan quản lý chuyên biệt như Tổng công ty Đường sắt tốc độ cao Việt Nam trực thuộc Chính phủ, cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm từ quy hoạch xây dựng đến vận hành và tái cấu trúc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện đại hóa bộ máy đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ cao trong vận hành.

Nhất trí quan điểm trên, đại biểu Hà Đức Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cũng cho rằng, chúng ta cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cắt giảm, rút ngắn thời gian để triển khai. Theo đại biểu, một trong những cơ chế quan trọng là cơ chế chỉ định thầu. Chúng ta có thể lựa chọn các tập đoàn, doanh nghiệp tầm cỡ trong nước có kinh nghiệm và năng lực để giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, các tiêu chí chỉ định thầu cần phải thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt nhà thầu phải chứng minh được về năng lực, đảm bảo tốt hơn, rẻ hơn và nhanh hơn. Khi làm được điều này, không những chúng ta có thể yên tâm về tiến độ, chất lượng của dự án mà còn vô hình chung gây dựng những tập đoàn lớn mạnh của đất nước ngang tầm với thế giới, góp phần xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị của đất nước./.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=91108