Cần có chế tài khắc phục cho được tình trạng chậm gửi hồ sơ văn bản quy phạm pháp luật
Đây là ý kiến được đưa ra tại phiên họp chiều 16/5 của Quốc hội, thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) thể hiện sự đồng tình cao với quy định tại dự thảo Luật.
“Đây là một trong những dự án Luật vừa mới được thông qua tại Kỳ họp bất thường trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện việc sắp xếp tinh giản bộ máy hành chính và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp là cấp tỉnh và cấp xã, việc sửa đổi, bổ sung Luật đợt này cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay”, Đại biểu nói.
Góp ý về một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Đại biểu Đặng Bích Ngọc chỉ rõ, hiện nay, theo quy định tại khoản 2, Điều 22 của dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 1 quy định “HĐND cấp xã ban hành Nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao thực hiện nhiệm vụ quyền hạn được phân cấp" và “UBND cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của QH giao; phân cấp và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”.
“Ở đây, tôi rất băn khoăn nội dung “UBND cấp xã ban hành quyết định để thực hiện phân cấp”. UBND cấp xã chúng ta hiểu là đơn vị tức cuối cùng, nhỏ nhất. Do đó, UBND cấp xã chỉ ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp. Vậy, các nhiệm vụ, quyền hạn do cấp trên phân, nếu UBND cấp xã lại phân cấp tiếp, ta sẽ không biết phân cho đơn vị nào, hay một đơn vị trung gian nào để thực hiện quyền phân cấp”, Đại biểu chỉ rõ.
Do đó, Đại biểu đề nghị rà soát lại nội dung này trong dự thảo Luật và quy định theo hướng UBND cấp xã sẽ ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn được phân cấp.
Về quy định chuyển tiếp tại khoản 18, Điều 1 dự thảo Luật, Đại biểu bày tỏ đồng tình với phương án của dự thảo Luật khi cho phép “VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực đến ngày 1/3/2027 hoặc cho đến khi bị thay thế bằng văn bản của cấp xã sau sắp xếp.
Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) nhấn mạnh đề nghị phải có chế tài khắc phục cho được tình trạng chậm gửi hồ sơ các VBQPPL.
Theo Đại biểu, trong trường hợp bình thường, Luật đã quy định rất rõ về định hướng lập pháp nhiệm kỳ của QH, chương trình lập pháp hàng năm của QH. Ở các địa phương thì hàng năm đều có chương trình, kế hoạch hoặc việc cơ quan chuyên môn chủ động đăng ký xây dựng nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND.
Dẫn các quy định về vấn đề này, Đại biểu khẳng định, thời gian phục vụ cho công tác chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ trình các VBQPPL ở cả cấp trung ương và địa phương là rất nhiều, không hề bị động.
“Thế nhưng, trong thực tế, tình trạng cơ quan soạn thảo, cơ quan trình chậm gửi hồ sơ đến các cơ quan thẩm định, thẩm tra, cơ quan cho ý kiến cuối cùng và chậm gửi hồ sơ, tài liệu đến đại biểu QH, đại biểu HĐND trước các kỳ họp vẫn thường xuyên xảy ra”, Đại biểu chỉ rõ.
Nêu thực tế nhiều trường hợp hồ sơ dự án luật, nghị quyết và báo cáo thẩm tra chỉ được gửi đến đại biểu QH, đại biểu HĐND trước 1 đến 2 ngày so với thời gian thảo luận, góp ý xây dựng luật, nghị quyết trong các kỳ họp, Đại biểu khẳng định, tình trạng này đã gây khó khăn cho các cơ quan thẩm định, thẩm tra; làm hạn chế chất lượng và số lượng ý kiến tham gia xây dựng luật, từ đó đã trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng VBQPPL sau khi ban hành.
Do đó, Đại biểu cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, nhất là yêu cầu đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhất thiết phải bổ sung chế tài để kiên quyết khắc phục cho được tình trạng nêu trên.