Cần có chính sách ưu tiên giáo viên, học sinh vùng đặc biệt khó khăn
Kiến nghị với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện một số cơ sở giáo dục tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho rằng, đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, cần có chính sách ưu tiên với giáo viên (về tiền lương) và học sinh (sách giáo khoa mới).
Sáng 29.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” đã chia thành 2 tổ, làm việc với Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Dào San, xã Dào San; và Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Bản Lang, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Một số yêu cầu về năng lực cao so với học sinh dân tộc thiểu số
Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Dào San nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn gồm 6 dân tộc sinh sống. Trường có 17 lớp với 703 học sinh, trong đó học sinh dân tộc là 679 (chiếm 96,6%), học sinh bán trú 237, học sinh khuyết tật 6. Nhà trường đang duy trì chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.
Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Bản Lang đóng chân trên địa bàn xã Bản Lang, cũng thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, là xã vùng cao biên giới. Trường có 5 điểm trường lẻ đặt tại các bản Nậm Lùng, bản Nà Đoong, bản Sàng Giang, Nà Giang và bản Thèn Thầu, xã Bản Lang, trong đó điểm trường chính đặt tại bản Thèn Thầu. 100% học sinh là dân tộc Dao.
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn hướng dẫn giáo viên xây dựng hoạch dạy học cá nhân, đăng ký chỉ tiêu, tổ chuyên môn tổng hợp thảo luận các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động tổ chuyên môn. Dựa trên các chỉ tiêu tổ chuyên môn đăng ký, tình hình thực tế của đơn vị, căn cứ các công văn hướng dẫn của cấp trên, nhà trường xây dựng Kế hoạch giáo dục cụ thể theo từng cấp, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tuy nhiên, các môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật những năm đầu triển khai gặp khó khăn do giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng đủ điều kiện để dạy; các nhà trường vẫn phải bố trí giáo viên dạy riêng từng phân môn. Chương trình mới đòi hỏi sự tham gia hỗ trợ thường xuyên của gia đình vào quá trình học tập của học sinh, nhưng việc quan tâm của gia đình với việc học tập của con em trên địa bàn còn hạn chế, do nhiều phụ huynh đi làm ăn xa.
Đa số học sinh dân tộc còn khó khăn trong việc tự học, tự tìm hiểu kiến thức do thiết bị hỗ trợ học tập hạn chế. Một số yêu cầu về năng lực còn cao so với học sinh dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường đáp ứng yêu cầu tối thiểu của chương trình mới, song cả hai trường đều thiếu phòng học bộ môn, phòng đa chức năng. Một số môn như Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Công nghệ, Nội dung chương trình giáo dục địa phương chưa có giáo viên chuyên trách, nên khó khăn trong phân công và giảng dạy…
Việc nghiên cứu và lựa chọn sách giáo khoa còn mất nhiều thời gian, do chưa có bản cứng mà chủ yếu nghiên cứu trên bản mềm sách điện tử, nghiên cứu online. Giá sách giáo khoa tương đối cao so với điều kiện kinh tế của người dân, vùng đặc biệt khó khăn.
Cải cách chế độ tiền lương giáo viên vùng đặc biệt khó khăn
Từ thực tiễn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường PTDTBT Trung học cơ sở Dào San và Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Bản Lang kiến nghị Chính phủ quan tâm đến chế độ, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức, viên chức tại các cơ quan quản lý giáo dục. Cụ thể, thực hiện cải cách chế độ tiền lương đối với viên chức ngành Giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới để bảo đảm đời sống và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng lên vùng đặc biệt khó khăn. Quan tâm, tạo điều kiện có chế độ ưu tiên học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong sử dụng sách giáo khoa mới với giá thành rẻ hoặc cấp miễn phí.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo Chỉ đạo các trường đại học sư phạm có kế hoạch đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp liên môn như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục thực hiện các đợt tập huấn, bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa dành cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt là với các môn tích hợp.
Với địa phương, các trường đề nghị tiếp tục quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung giáo viên còn thiếu để đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Đặc biệt quan tâm đến các điều kiện bảo đảm
Đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn mà các trường đang gặp phải; đánh giá cao sự quan tâm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nỗ lực của thầy cô trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Đoàn giám sát cũng ghi nhận thực tế các điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa bảo đảm: thiếu phòng học bộ môn; thiếu giáo viên, giáo viên dạy liên môn chưa tự tin; thầy và trò cùng lúc phải tiếp cận với nhiều thứ mới: nội dung mới, phương pháp mới, đổi mới cách thức thi, kiểm tra, đánh giá... Trong khi đó, khi chế độ, chính sách cho thầy cô chưa có thay đổi tích cực.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đánh giá có nhiều đột phá, thay đổi phương pháp và cả cách tiếp cận. Vì thế, việc chuẩn bị các điều kiện cho chương trình, sách giáo khoa mới, trang thiết bị của các trường cần tiếp tục hoàn thiện. Nhấn mạnh điều này, Đoàn giám sát đề nghị các trường làm tốt công tác tuyên truyền để giúp cho giáo viên, học sinh và phụ huynh hiểu được chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này; tiếp tục nắm chắc các văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện được tốt hơn, khoa học hơn, bài bản hơn, trong đó đặc biệt quan tâm đến các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất và đội ngũ.
Nhà trường, giáo viên cần tổ chức sinh hoạt chung để rút kinh nghiệm, chia sẻ cách làm hay; Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tổng kết mô hình, cách làm hay để nhân rộng, giúp giáo viên rút ngắn thời gian tìm tòi…
Đoàn giám sát cũng mong muốn các nhà trường, thầy cô giáo tiếp tục khắc phục khó khăn trong điều kiện hiện nay để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo mọi điều kiện cho học sinh học tập tốt nhất.