Cần có chương riêng về đấu thầu y tế
Công tác đấu thầu mua sắm thuốc rất khó khăn do vướng quy định, ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế
Ngày 7-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá; thảo luận tại tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Càng chi tiết càng dễ thực hiện
Chiều 7-11, thảo luận tại tổ TP HCM về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), từ thực tiễn tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, đại biểu (ĐB) Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy - đề nghị cần bổ sung một chương riêng về đấu thầu trong lĩnh vực y tế vào dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Theo ĐB này, hiện công tác đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế tiêu hao rất khó khăn do vướng mắc về quy định, ảnh hưởng đến quá trình khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế. Trong ngành y tế, vật tư y tế tiêu hao bao gồm vật tư y tế tiêu hao đi theo máy móc và vật tư y tế tiêu hao sử dụng cho người bệnh. Trong các BV, vật tư y tế tiêu hao được sử dụng với khối lượng lớn, nguồn tài chính chi cho mua sắm cũng rất lớn. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định rõ ràng về đấu thầu vật tư y tế tiêu hao. Trong khi đó, một số vật tư y tế tiêu hao lại mang tính độc quyền cao vì liên quan đến sở hữu trí tuệ, nên cần phải có quy định rõ ràng.
"Dự thảo đang có định nghĩa chung về hàng hóa, trong khi đó thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế tiêu hao là hàng hóa đặc biệt liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng người bệnh, khác với hàng hóa thông thường, vì vậy cần phải có định nghĩa riêng" - ĐB Nguyễn Tri Thức đề nghị.
Liên quan quy định đấu thầu trong lĩnh vực y tế, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho biết với đấu thầu thuốc tập trung hiện nay, tiêu chí trúng thầu đầu tiên vẫn là giá rẻ. Tuy nhiên, thuốc là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người, nên việc cứ chọn loại rẻ cho trúng thầu thì có thể dẫn tới nguy hiểm. Có thể tiêu chí này giúp tiết kiệm một đồng hôm nay, nhưng sau đó khi thuốc đến tay người bệnh sử dụng, hiệu quả thấp làm tăng số ngày điều trị, mất niềm tin của người dân.
Đặc biệt, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh đấu thầu không phải biện pháp duy nhất và không tránh được tiêu cực. Đối với thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để tăng cường các hình thức mua sắm khác, nêu rõ tính chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế. "Có thể xem xét phân loại sản phẩm để Chính phủ quy định giá trần, các BV có căn cứ mua sắm" - bà Lan nói.
Một bất cập khác được bà Lan chỉ ra là quy định hiện hành đang lấy giá trúng thầu của năm trước để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho năm sau. Việc xây dựng kế hoạch đấu thầu cần căn cứ vào các yếu tố thị trường của thời điểm đó cùng với một yếu tố khác thì sẽ phù hợp hơn.
Mở rộng quyền người trúng đấu giá
Tại phiên thảo luận tại hội trường, các ĐB cơ bản tán thành với hồ sơ dự thảo Nghị quyết thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ôtô thông qua đấu giá. Nhiều ĐB tán thành với quy định giá khởi điểm đấu giá là 40 triệu đồng, không phân biệt vùng miền và phải đăng ký xe 12 tháng sau khi trúng đấu giá biển số là hợp lý để người trúng đấu giá có đủ thời gian mua xe.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề xuất một nội dung mới để có thể giúp tăng thêm khoản thu từ đấu giá biển số, đó là cách xác định biển số nào là rất đẹp. Theo ĐB này, qua quan sát cho thấy người dân chia số đẹp thành 2 nhóm, nhóm theo quan niệm dân gian có các số 39, 79, 68 và nhóm các số sắp xếp theo quy tắc khoa học như 121.21 hoặc 888.99.
"Trong thực tế, nhóm số được đa số người dân yêu thích khi gắn vào ôtô đã giúp giá trị của ôtô tăng lên rất nhiều, có xe trị giá 800 triệu đồng nhưng khi có được biển số 5 số 9 đã bán lại 1,7 tỉ đồng" - ĐB Nguyễn Văn Cảnh nói và đề nghị bổ sung vào nghị quyết nhóm số có các chữ số được sắp xếp theo quy tắc khoa học, có số lượng hạn chế trong tổng kho số là những số bắt buộc đấu giá và cần có giá mức khởi điểm cao hơn.
Ông Cảnh gợi ý những số này gồm: Số có 5 chữ số giống nhau, có 4 chữ số đầu hoặc 4 chữ số cuối giống nhau; có 5 chữ số tiến đều; có 4 chữ số đầu hoặc 4 chữ số cuối tiến đều như 123.33, 444.55... thì mức giá khởi điểm phải là 200 triệu đồng.
"Đề xuất này có tính khả thi cao, vì theo cơ quan soạn thảo thì giá khởi điểm bình quân khoảng 5% giá trị xe. Hiện nay, Việt Nam có nhiều dòng xe sang có giá từ 3 tỉ đồng đến 40 tỉ đồng, nếu tính theo 5% thì sẽ là 150 triệu đồng đến 2 tỉ đồng, nên mức giá 200 triệu đồng là hợp lý" - ông Cảnh nói.
ĐB Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đánh giá dự thảo quy định việc cấp biển số xe sẽ không còn phụ thuộc vào nơi chủ xe có trụ sở hoặc cư trú như quy định hiện hành là thay đổi rất lớn.
Qua thảo luận, các ĐB đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số xe, nghiên cứu điều chỉnh theo hướng chủ thể có quyền, nghĩa vụ là người đang sở hữu biển số trúng đấu giá.
ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) nêu biển số ôtô cũng như điện thoại di động, là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do nhà nước quản lý, không có văn bản nào quy định nhưng số điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế. Tuy nhiên, dự thảo một mặt quy định biển số ôtô là tài sản nhưng lại hạn chế quyền của người đang quản lý tài sản là biển ôtô được cấp theo hình thức trúng đấu giá (quy định tại điều 3, điều 5) như: Không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá, trừ trường hợp chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe.
"Quy định như vậy là mâu thuẫn, đã coi biển số ôtô là tài sản dù là tài sản đặc thù thì vẫn là tài sản và phải tuân theo những quy định của Bộ Luật Dân sự về tài sản, quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản để những quy định trong hệ thống pháp luật được thống nhất" - ông Thịnh nói.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cho rằng nếu hạn chế quyền của người trúng đấu giá biển số cũng như quyền của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá, thì e số tiền thu được bổ sung ngân sách sẽ rất hạn chế, không khuyến khích mọi người tham gia vào việc đấu giá.
Do vậy, ĐB Thịnh đề nghị mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số để họ có quyền chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế cho người khác mà không hạn chế, điều này như đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. ĐB Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cũng đề nghị cơ quan soạn thảo quy định người được cho, tặng, nhận thừa kế được phép giữ lại biển số xe trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác. "Đây là nghị quyết thí điểm nên thí điểm nội dung này cũng phù hợp" - ĐB Thịnh nói.
Hôm nay (8-11), QH thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng chống tham nhũng năm 2022.
Cần quy định rõ thế nào là "cấp bách"
Về quy định chỉ định thầu trong lĩnh vực y tế, ĐB Nguyễn Tri Thức cho rằng cần quy định rõ ràng, chi tiết hơn để dễ dàng áp dụng trên thực tiễn. Trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định được chỉ định thầu với gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng. Ở một số trường hợp BV cần thuốc giải độc để cấp cứu cho người bệnh, đó là tình huống cấp bách, mua được thuốc đã là rất mừng. "Nhưng điều BV lo ngại là sau đó cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc, lại kết luận BV có tiêu cực nên mới xếp loại thuốc đó vào diện "cấp bách". Do đó, đề nghị cần quy định rõ như thế nào là "bất khả kháng" và thêm tình huống "cấp bách" vào dự thảo luật" - đại biểu của TP HCM đề nghị.
Bổ sung "nơi sinh" vào hộ chiếu không phát sinh chi phí
Sáng 7-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin "nơi sinh" trên hộ chiếu.
Nguyên nhân là từ ngày 1-7-2022, Bộ Công an triển khai cấp hộ chiếu phổ thông mẫu mới cho công dân. Trước khi phát hành, cơ quan này đã phối hợp Bộ Ngoại giao thông báo mẫu hộ chiếu mới đến cơ quan đại diện của tất cả các nước tại Việt Nam, sau 1 tháng thông báo theo quy định, không có quốc gia nào có ý kiến. Tuy nhiên, đến ngày 27-7-2022, một số nước thông báo tạm thời dừng cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, với lý do trong hộ chiếu không ghi thông tin nơi sinh của người mang hộ chiếu.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định việc bổ sung thông tin nơi sinh vào trang nhân thân trên hộ chiếu sẽ tạo thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu và không làm phát sinh thêm thủ tục và chi phí.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/can-co-chuong-rieng-ve-dau-thau-y-te-20221107211437921.htm