Cần có cơ chế, chính sách để thu hút, phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ

Nhân kỷ niệm Ngày Khoa học - công nghệ (KH-CN), sáng 18-5, Sở KH-CN tổ chức hội thảo Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kế hoạch 155-KH/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông phát biểu tại buổi hội thảo.

Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông phát biểu tại buổi hội thảo.

Theo báo cáo của Sở KH-CN, trong 10 năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW và Kế hoạch 155-KH/TU đạt nhiều kết quả. Trong đó, đã từng bước đổi mới công tác lãnh đạo, quản lý; xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân lực KH-CN; đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thông tin góp phần nâng cao tiềm lực KH-CN của tỉnh. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, phát triển KH-CN cũng được chú trọng, với 280 đề tài, dự án cấp tỉnh và cấp cơ sở đã được triển khai, trong đó đã thực hiện nghiệm thu, đưa vào ứng dụng 232 đề tài, dự án, góp phần phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, sản xuất và đời sống.

Thị trường KH-CN từng bước phát triển. Chương trình hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã có tác động tích cực đối với doanh nghiệp như: nâng cao chất lượng hàng hóa và hoạt động quản lý của doanh nghiệp, nâng cao ý thức bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu của doanh nghiệp…

Các chuyên gia, đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi hội thảo.

Các chuyên gia, đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trên địa bàn tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những kết quả, hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong công tác phát triển KH-CN của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, phân tích nguyên nhân, đóng góp ý kiến, giải pháp để phát triển KH-CN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng 2045. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực đột phá theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh như: đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn và giao thông kết nối vùng; phát triển công nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics. Bên cạnh đó là các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển hạ tầng KH-CN, nguồn nhân lực KH-CN; đẩy mạnh phát triển thị trường KH-CN, doanh nghiệp KH-CN trong thời gian tới; chú trọng thực hiện thương mại hóa các sản phẩm, công nghệ từ kết quả nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo…

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, việc phát triển KH-CN phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phù hợp với từng giai đoạn. Cần đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo, phù hợp với cơ chế thị trường, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp là trung tâm. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghệ cao. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Phát triển tiềm lực KH-CN theo hướng tập trung nghiên cứu ứng dụng ở các lĩnh vực ưu tiên là: phát triển nông nghiệp, nông thôn và 2 mũi nhọn đột phá là hạ tầng khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao, chất lượng cao… Qua đó, tạo cú hích để đưa lĩnh vực KH-CN của tỉnh Đồng Nai phát triển tương xứng, hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hạnh Dung

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tintuc/202205/can-co-co-che-chinh-sach-de-thu-hut-phat-trien-nguon-nhan-luc-khoa-hoc-cong-nghe-3116766/