Cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho các 'nhà khoa học Hai lúa'

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cho rằng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cần có thêm quy định về cơ chế hỗ trợ phù hợp với những 'nhà khoa học Hai lúa' - những người nông dân có sáng kiến về máy móc, thiết bị hiệu quả thực tiễn cao.

Quốc hội chiều nay tiếp tục thảo luận tại Hội trường xung quanh dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Góp ý vào dự thảo luật này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho hay, thực tế người nông dân có nhiều sáng kiến về máy móc, thiết bị. Chẳng hạn, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long chế tạo máy hốt lúa đa năng, máy phun thuốc trừ sâu từ xa, hoặc sinh viên nghiên cứu sáng tạo thiết bị cảnh báo lũ lụt,…

“Đó được gọi chung là những nhà "khoa học Hai lúa". Sáng kiến của họ phổ biến, phù hợp với điều kiện thực tiễn và có hiệu quả cao. Do đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho những cá nhân như vậy”, ông Tám đề xuất.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: Quốc hội

Ngoài ra, đại biểu Tám cho rằng quy định của dự thảo luật chưa rõ cơ chế để áp dụng kết quả nghiên cứu xã hội, nhân văn vào thực tiễn cuộc sống. Theo ông Tám, đây là quá trình quan trọng nhằm đưa những tri thức thành các giá trị phục vụ cho sự phát triển của xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách.

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cũng cho hay, ngoài việc thiết kế các chính sách nhằm quản lý, phát huy có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, dự thảo luật cần chú trọng thêm về các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đội ngũ các nhà khoa học một cách có chiều sâu và bền vững.

Đây cũng là thông điệp truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên có khát vọng, lý tưởng và đam mê trở thành nhà khoa học để xây dựng và phát triển, bảo vệ đất nước.

Bổ sung quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) trích dẫn báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo luật cho thấy, hoạt động nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian qua vẫn chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế, và chưa thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội). Ảnh: Quốc hội

“Một trong những nguyên nhân căn bản được xác định là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương còn chưa chủ động, chưa quyết liệt”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu rõ.

Theo bà Hà, thực tiễn đã chứng minh: ở những ngành, lĩnh vực, địa phương hay đơn vị mà người đứng đầu thể hiện vai trò tiên phong trong nâng cao năng lực số, ứng dụng công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thì hoạt động khoa học, công nghệ tại đó có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Do đó, bà Hà kiến nghị bổ sung quy định rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị phải trực tiếp phụ trách, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chịu trách nhiệm trực tiếp trước cấp ủy và cấp trên về kết quả triến khai.

Trong khi đó, đại biệu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, cần bổ sung quy định xác lập cơ chế đối thoại và phối hợp có sự tham gia của đại diện Chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và tổ chức xã hội.

Cơ chế này có chức năng xác định nhiệm vụ ưu tiên, đánh giá hiệu quả chính sách cũng như đề xuất chiến lược và định hướng trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - theo ông Nghĩa.

Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo), dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Thế Vinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/can-co-co-che-ho-tro-phu-hop-cho-cac-nha-khoa-hoc-hai-lua-2400769.html