Cần có giải pháp để công nhân có môi trường sống, làm việc an toàn
Chiều ngày 17/4, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với báo Lao Động tổ chức hội thảo 'Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động'. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam; Thiếu tướng Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; ông Nguyễn Ngọc Hiển, Tổng Biên tập báo Lao Động chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, hội thảo rất ý nghĩa trong bối cảnh tổ chức Công đoàn và Bộ Công an đang nỗ lực triển khai Quy chế 04, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để đảm bảo môi trường an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đoàn viên, người lao động.
Theo ông Hiểu, nhiều năm qua do tác động kéo dài, toàn diện và rất nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, đời sống của một bộ phận đoàn viên, người lao động còn nhiều khó khăn; tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu việc làm, mất việc làm dẫn đến giảm thu nhập, nhiều người lâm vào trình trạng rất khốn khó. Lợi dụng điều này, tội phạm đã len lỏi, tấn công, trong đó có cả tội phạm công nghệ cao, lừa đảo tín dụng, tín dụng đen, ma túy và nhiều hình thức tội phạm khác. Những loại tội phạm liên quan đến trật tự an toàn xã hội như cố ý gây thương tích, làm nhục, giết người, lừa đảo, cướp tài sản đã xảy ra trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Có trường hợp người lao động là nạn nhân, nhưng cũng có trường hợp là chủ thể tội phạm.
“Bên cạnh đó, tình hình ma túy, cờ bạc, rượu chè đang tác động rất lớn đến công nhân. Trong bối cảnh tập trung xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để giai cấp công nhân làm tròn trách nhiệm của mình, đó là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, thì những khó khăn bất cập liên quan đến vấn đề về an ninh, an toàn cho công nhân gợi cho chúng ta những trách nhiệm rất lớn. Để công nhân tiếp tục là nguồn lực lớn để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, thì vấn đề an ninh, an toàn cho lực lượng này là thách thức lớn”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, mất an toàn trong đời sống công nhân đang dẫn đến nhiều hệ lụy, vì vậy, cần nhiều giải pháp vừa chiến lược vừa cấp bách để công nhân yên tâm làm việc trong nhà máy, được về nhà trọ với cảm giác an toàn như về ngôi nhà của mình. Trong bối cảnh luật cho phép ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, nhiều tổ chức quốc tế thiếu thiện chí lôi kéo, kích động công nhân thực hiện vi phạm pháp luật, hoặc những hành vi gây rối, chống phá, việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa lớn để bàn đầy đủ, toàn diện, vấn đề để đề xuất các giải pháp, kiến nghị các mô hình để Công đoàn cùng chung tay với Công an, xã hội xây dựng môi trường an toàn giúp công nhân yên tâm, cống hiến, gắn với với doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều vấn đề cấp bách hiện nay, như: Vấn nạn sử dụng công nghệ cao “móc túi” công nhân; Thực trạng tín dụng đen bủa vây công nhân, người lao động; đề cao cảnh giác, ngăn ngừa cháy nổ tại các khu nhà trọ; đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao móc túi công nhân, lao động; an ninh nhà trọ nhân rộng từ những “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”; vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội trong công nhân, người lao động…
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về việc đổi mới trong xây dựng văn hóa, tinh thần cho người lao động, từ đó tránh xa tín dụng đen và tệ nạn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để công nhân, người lao động tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất trong tình hình mới...