Cần 'cú huých' mạnh phát triển khu công nghiệp

Sau 25 năm kể từ thời điểm xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Cái Lân (KCN đầu tiên của tỉnh), đến nay, Quảng Ninh đã có 8 KCN, CCN. Tuy nhiên, các KCN, CCN chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng, chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, Quảng Ninh rất cần 'cú huých' mới cho phát triển các KCN.

KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) có tỷ lệ lấp đầy cao nhất tỉnh.

KCN Đông Mai (TX Quảng Yên) có tỷ lệ lấp đầy cao nhất tỉnh.

Với vị trí là cửa ngõ hội nhập quốc tế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cầu nối hợp tác giữa Việt Nam, ASEAN và thị trường hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Định vị được lợi thế riêng có, tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kỹ lưỡng nhằm đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng hình thành lên các KCN, CCN. Nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư, tỉnh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển nguồn nhân lực; đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, hình thành chuỗi liên kết đến các KCN, CCN.

Đến nay, Quảng Ninh có 18 KCN, CCN với số vốn đầu tư đạt gần 195.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8,5 tỷ USD. Trong đó, có 90 dự án vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 5 tỷ USD, chiếm trên 60% tổng vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá từ một số chuyên gia kinh tế, hiện các KCN, CCN của Quảng Ninh chưa phát triển đáp ứng được kỳ vọng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Cụ thể, tại các KCN, CCN hiện chưa có nhiều dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, động lực, tạo sức lan tỏa; thiếu các nhà đầu tư chiến lược dẫn dắt; ngành nghề thu hút mang giá trị gia tăng chưa cao; hiệu quả sử dụng đất và tỷ lệ lấp đầy các KCN, CCN còn thấp; tình trạng các dự án KCN, CCN chậm tiến độ còn khá phổ biến…, điều này dẫn đến việc phát triển ngành công nghiệp bền vững chưa tạo được đột phá; đóng góp vào GRDP của tỉnh và ngân sách Nhà nước còn hạn chế.

Điển hình, TX Quảng Yên đang có 5 KCN với tổng diện tích đất sử dụng gần 4,6ha, bao gồm: KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai, KCN Nam Tiền Phong, KCN Bắc Tiền Phong và KCN Bạch Đằng. Tuy nhiên đến nay, mới có KCN Đông Mai là có tỷ lệ lấp đầy cao nhất (đạt đến 80% tổng diện tích đất). Còn lại các KCN tỷ lệ lấp đầy còn thấp. Đặc biệt, 2 KCN Nam Tiền Phong và KCN Bắc Tiền Phong tiến độ đầu tư hạ tầng còn khá chậm, công tác thu hút nhà đầu tư thứ cấp chưa thực sự hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng và cơ chế chính sách đang được tỉnh tạo điều kiện…

Sau bối cảnh dịch bệnh Covid-19, xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt tại Việt Nam - quốc gia đứng thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch (xếp hạng của Nikkei), Quảng Ninh lại là địa phương được đánh giá có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất sau 5 lần dẫn đầu toàn quốc PCI. Có thể thấy, cơ hội của Quảng Ninh để thu hút đầu tư và phát triển các KCN, CCN là rất lớn. Để làm được điều này, tỉnh Quảng Ninh cần có chiến lược, kế hoạch mới nhằm thúc đẩy phát triển các KCN, CCN.

Sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên).

Sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên).

Trước yêu cầu thực tiễn đó, mục tiêu phát triển nhanh, đồng bộ các KCN, CCN với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đầu tư hiện đại, đảm bảo kết nối liên thông tổng thể, tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh…, Quảng Ninh đang thực hiện rà soát, định vị lại tiềm năng, lợi thế để tập trung, ưu tiên phát triển các KCN, CCN bằng việc xây dựng kế hoạch phát triển mới; đặt ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn đến năm 2040 với mục tiêu rõ ràng gắn với nhiệm vụ phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Theo đó, tỉnh đang xây dựng kế hoạch về ban hành nghị quyết riêng về phát triển các KKT, KCN, CCN đến năm 2030 tầm nhìn 2040. Trong đó, đặt mục tiêu giai đoạn đến năm 2025, thu hút đầu tư vào các KCN, CCN tăng bình quân 10%/năm, đạt 1,25 tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 22.000 việc làm mới, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 60%.

Giai đoạn từ 2026-2030, thu hút đầu tư vào các KCN, CCN tăng bình quân 8%/năm, đạt 1,8 tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 30.000 việc làm mới, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 75%, từng bước đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động. Giai đoạn 2030-2040, thu hút đầu tư vào các KCN, CCN tăng bình quân 3%/năm, đạt 2,5 tỷ USD/năm, tạo ra khoảng 50.000 việc làm mới, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 90%...

Quảng Ninh cũng đẩy mạnh thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư với từng KCN, CCN cụ thể; xây dựng tiêu chí đánh giá, lựa chọn thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; ưu tiên thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng, phát triển theo chiều sâu các KCN, CCN để tăng tính cạnh tranh quốc gia và quốc tế…

Hiện sức ép cạnh tranh về nguồn nhân lực và môi trường đầu tư ngày càng lớn; sự phát triển nhanh chóng từ các KCN, CCN trong khu vực vùng và xu hướng chuyển dịch đầu tư mạnh mẽ đã buộc Quảng Ninh phải hành động. Tin rằng, những giải pháp phù hợp, kịp thời sẽ nhanh chóng là động lực để KCN, CCN của tỉnh phát huy hiệu quả, trở thành lực đẩy kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Đỗ Phương (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/143066/can-cu-huych-manh-phat-trien-khu-cong-nghiep