Tuyên bố về sự chủ động tư duy chiến lược từ EU

Châu Âu không chờ khủng hoảng ập đến mới phản ứng. Đây là khẳng định của bà Hadja Lahbib – Ủy viên Quản lý Khủng hoảng và Năng lực sẵn sàng của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hôm 9/7 (giờ địa phương).

Trong bối cảnh đầy biến động của thế kỷ XXI, EU tuyên bố đặt ưu tiên vào việc xây dựng kho dự trữ chiến lược nhằm tăng cường khả năng ứng phó đa chiều trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, đại dịch hoặc thảm họa tự nhiên. Giới chuyên gia nhận định, đây không phải là bước đi đơn thuần mà có thể coi là một tuyên bố về sự chủ động tư duy chiến lược của liên minh này.

Khối 27 quốc gia thành viên EU đã khởi xướng một nỗ lực trên diện rộng nhằm đảm bảo khả năng ứng phó trong mọi tình huống. Nguồn: Avia pro.

Khối 27 quốc gia thành viên EU đã khởi xướng một nỗ lực trên diện rộng nhằm đảm bảo khả năng ứng phó trong mọi tình huống. Nguồn: Avia pro.

Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nước EU từng rơi vào thế cạnh tranh lẫn nhau để tranh giành khẩu trang, vật tư y tế và vaccine. Sự thiếu phối hợp đã dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng ở nhiều nơi như Pháp, Tây Ban Nha và Italia. Ủy ban châu Âu nhìn nhận đó là “thất bại hệ thống” và là lý do thúc đẩy “Chiến lược Liên minh Ứng phó” mang tính phòng ngừa toàn diện.

Trong buổi họp báo diễn ra hôm 9/7 tại Brussels, Ủy viên EU về Quản lý Khủng hoảng và Năng lực sẵn sàng Hadja Lahbib nêu rõ: “Dù khủng hoảng xảy ra do bất kỳ nguyên nhân gì, xung đột hay thảm họa thiên nhiên, tác động đối với người dân là tương tự như nhau. Việc để người dân không được tiếp cận với những mặt hàng hay dịch vụ thiết yếu là do chưa tích trữ đủ. Vì thế, EU cần phải tích trữ hàng hóa trên toàn khối. Chúng ta càng chuẩn bị kỹ lưỡng bao nhiêu, chúng ta càng ít hoảng loạn và chủ động bấy nhiêu”.

Theo Reuters, các quốc gia thành viên EU được khuyến nghị tích trữ thuốc men, máy phát điện, nguyên liệu thô và các sản phẩm cần thiết như thiết bị lọc nước, máy bay không người lái, cầu di động và dụng cụ sửa chữa cáp biển. Bà Hadja Lahbib cũng thêm rằng, mô hình tại một số quốc gia như Phần Lan, Estonia và Cộng hòa Czech - những nước có truyền thống dự trữ vật tư, cũng là nguồn cảm hứng của kế hoạch lần này.

Cụ thể, chiến lược đề xuất xây dựng danh sách các mặt hàng thiết yếu phù hợp với từng loại khủng hoảng và cập nhật định kỳ. Đến năm 2026, EU dự định thành lập một trung tâm nguyên liệu quan trọng để phối hợp mua sắm chung cho các công ty có nhu cầu và tổ chức việc tích trữ hàng hóa.

Một hệ thống giám sát nước thải cũng đang được triển khai, đóng vai trò như “radar cảnh báo sớm” để phát hiện bệnh truyền nhiễm trước khi có triệu chứng. Trong đại dịch, phương pháp này từng được các chuyên gia y tế đánh giá là giải pháp tiết kiệm và hiệu quả trong giám sát sức khỏe cộng đồng. Cũng trong năm này, danh sách các loại thuốc và công nghệ y tế ưu tiên sẽ được hoàn tất nhằm phục vụ việc dự trữ hoặc đấu thầu tập trung.

Được biết, Ủy ban châu Âu còn tăng gấp đôi ngân sách chương trình cho vay do Ngân hàng Đầu tư châu Âu bảo trợ, từ 100 triệu euro lên 200 triệu euro đến năm 2027. Chương trình này nhằm hỗ trợ các công ty nhỏ và startup phát triển dược phẩm và công nghệ y tế mới.

Về ứng phó thiên tai, EU hiện đã sở hữu lực lượng phản ứng nhanh bao gồm máy bay chữa cháy, máy bay cứu thương, bệnh viện dã chiến và thiết bị y tế lưu động. Tuy nhiên, trước sự gia tăng của các mùa cháy rừng, đặc biệt tại vùng Địa Trung Hải, Ủy ban châu Âu cho rằng cần đầu tư thêm trực thăng hạng nhẹ và máy bay đa năng để triển khai cứu hộ trong những khu vực khó tiếp cận.

Bà Hadja Lahbib nhấn mạnh: “Chúng ta đang đối mặt với các mối đe dọa như tấn công hỗn hợp, mất điện, thời tiết cực đoan và dịch bệnh lan rộng. Đây không còn là nguy cơ xa vời. Chúng tôi đang chuyển công tác chuẩn bị từ tuyến sau ra tuyến đầu phòng vệ".

Giới chuyên gia nhận định, EU đang từng bước xây dựng một mạng lưới tích trữ quy mô lớn, nhằm ứng phó hiệu quả với các nguy cơ từ y tế, thiên tai đến mất ổn định địa chính trị. Điểm đặc biệt của chiến lược mới nằm ở tính tích hợp giữa dân sự và quốc phòng. Nhiều thiết bị được khuyến nghị tích trữ như máy bay không người lái, cầu di động, dụng cụ sửa chữa cáp biển không chỉ dùng trong ứng phó dân sự mà còn có giá trị phòng thủ trong các tình huống khẩn cấp, gián đoạn hạ tầng hoặc xung đột quy mô nhỏ.

Với định hướng rõ ràng từ năm 2025 - 2027, chiến lược tích trữ cũng có thể coi là một tuyên bố về sự chủ động tư duy chiến lược của EU, phản ánh sự thay đổi căn bản, từ phản ứng thụ động sang chủ động bảo vệ an ninh con người và hạ tầng.

Tuy vậy, các nhà quan sát đánh giá, chiến lược tích trữ của EU không tránh khỏi các trở ngại. Một là, việc xây dựng, vận hành và duy trì kho dự trữ, cùng cơ chế giám sát, đòi hỏi chi ngân sách lớn và liên tục trong nhiều năm. Hai là, một số quốc gia thành viên có thể thiếu nguồn lực để tích trữ như khuyến nghị, tạo ra rủi ro bất cân xứng trong toàn khối.

Ba là, việc mua sắm tập trung và tích trữ chung đòi hỏi sự điều chỉnh trong cơ chế kiểm soát và quyền hạn giữa EU và từng quốc gia. Bốn là, công tác tuyên truyền cần phải rõ ràng, bởi vấn đề này có thể khiến công chúng hiểu lầm về nguy cơ chiến tranh hoặc hoảng loạn mua sắm, dẫn đến các hệ lụy ngoài mong muốn.

Chiến lược tích trữ của EU không chỉ là nỗ lực củng cố an ninh nội khối mà còn đánh dấu một sự chuyển hướng trong tư duy quản trị toàn cầu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh và bất ổn chính trị gia tăng, việc thiết lập một hệ thống dự trữ bài bản, dựa trên dữ liệu, hợp tác xuyên quốc gia và cam kết chia sẻ, là một mô hình đáng quan tâm.

Nếu được thực hiện một cách minh bạch, công bằng và hiệu quả, chiến lược này không chỉ giúp EU củng cố nội lực, mà còn góp phần định hình một khái niệm an ninh mềm mới, an ninh đến từ khả năng thích ứng linh hoạt và tầm nhìn xa, chứ không phải từ quyền lực cứng hay răn đe vũ trang.

Kim Khánh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tuyen-bo-ve-su-chu-dong-tu-duy-chien-luoc-tu-eu-i774407/