Cần động lực mới trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư

LTS: Báo Quân đội nhân dân tiếp tục nhận được nhiều ý kiến hồi âm vệt bài 'Tắc nghẽn pháp lý cản dòng phát triển-Tại sao, khơi thông cách nào?'. Các ý kiến cho rằng thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quan tâm tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý. Điều rất cần làm hiện nay là tiếp tục khơi dậy động lực cải cách thể chế, hoàn thiện pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với việc quyết liệt phòng, chống tham nhũng thì cần có giải pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:

Sẽ tiếp thu ở mức cao nhất ý kiến của các đối tượng chịu tác động quản lý

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp và các bộ, ban, ngành, hiệp hội. Trong quá trình rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, trong đó có đề nghị cần có quy định về mức chiết khấu tối thiểu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, chu kỳ điều hành chỉnh giá xăng dầu, công thức tính giá, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu...

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định, tập trung vào một số nội dung trọng tâm, thực sự cấp bách và phù hợp với tình hình thực tiễn. Các kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, các đối tượng liên quan đã, đang và sẽ được ban soạn thảo nghị định nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng để dự thảo nghị định được xây dựng trên cơ sở tiếp thu ở mức cao nhất ý kiến đóng góp của các đối tượng chịu tác động, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Khánh An (ghi)

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: TTXVN

Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: TTXVN

TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam:

Cần cơ chế đủ mạnh bảo vệ cán bộ dám đột phá vì lợi ích chung

Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh có thể được xem là một trong những điểm sáng chính sách những năm qua tại Việt Nam. Điều này đã góp phần đáng kể vào việc củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhưng có thể thấy, thời gian gần đây, công cuộc này có dấu hiệu chậm lại, thiếu cách làm mới để tạo đột phá. Hiện nay, có một số cán bộ, cấp chính quyền trì trệ hơn, chậm trễ hơn trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này gây nên những thiệt hại cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.

Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nền tảng quan trọng của tăng trưởng, cũng là nhiệm vụ hàng đầu và là giải pháp đột phá, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế phát triển một cách bền vững. Điều doanh nghiệp cần nhất hiện nay là Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng các giải pháp về cải cách thể chế để tiếp sức kịp thời cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Song để có những cải cách mạnh mẽ, đột phá, bên cạnh công tác phòng, chống tham nhũng, cũng cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh bảo vệ cán bộ, chính quyền dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

NAM TRỰC (ghi)

----------

PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai:

Những khó khăn của bệnh viện đang dần được tháo gỡ

Hai văn bản mà Chính phủ ban hành đầu tháng 3-2023 là Nghị định số 07/2023/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế đã tháo gỡ những vướng mắc về thanh toán bảo hiểm y tế, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc không chỉ cho bệnh viện mà còn cho người dân khi đi khám, chữa bệnh. Đến thời điểm hiện tại, công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai đã dần đi vào ổn định. Thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu đã từng bước được cung ứng đầy đủ. Các máy móc liên doanh, liên kết phải dừng hoạt động đến nay đã hoạt động trở lại một phần. Chẳng hạn, một thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ một linh kiện bị hỏng, trước đây rất khó khăn để thay, nay Nghị quyết số 30/NQ-CP cho phép tiến hành mua linh kiện thay thế nên có thể sửa được ngay. Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 256 dãy SOMATOM Definition Flash (Siemens) rất hiện đại của Bệnh viện đã hoạt động trở lại sau hai năm "đắp chiếu"...

Với những quy định mới của Nghị quyết số 30/NQ-CP, Bệnh viện sẽ mua được đủ những trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết. Cùng với đẩy nhanh tiến độ mua sắm, Bệnh viện cũng tập trung rà soát tất cả các máy, thiết bị y tế được cho, tặng trong thời kỳ chống dịch Covid-19 và các đề án liên doanh, liên kết mà chưa hoàn thiện sở hữu toàn dân để kịp thời đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện đàm phán, trao đổi với các nhà đầu tư về những máy móc đã hết thời gian liên danh, liên kết, trao tặng lại cho Bệnh viện để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Tuy nhiên, những chính sách trên chỉ là giải pháp tình thế, cấp bách bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ người bệnh. Về lâu dài cần hoàn thiện hành lang pháp lý, sửa đổi các luật có liên quan, xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để các bệnh viện có hành lang pháp lý chuẩn, chặt chẽ, đồng thời tạo thuận lợi trong công tác quản lý, mua sắm trang thiết bị, vật tư nhằm bảo đảm công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

HÀ VŨ (ghi)

----------

Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam:

Đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH-CN) hiện nay cũng gặp nhiều vướng mắc về vấn đề pháp lý. Đơn cử như hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký trở thành doanh nghiệp KH-CN để hưởng nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, ngay từ khâu đăng ký trở thành doanh nghiệp KH-CN đã tồn tại những quy định phức tạp và làm khó doanh nghiệp. Cụ thể, để được công nhận doanh nghiệp KH-CN thì doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KH-CN cũng như phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ KH-CN. Điều này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được và sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ.

Theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp KH-CN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi về tín dụng; được hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH-CN; hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp KH-CN hiện nay vẫn chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định. Ví dụ, doanh nghiệp cần ưu đãi về đất đai nhưng hiện nay quỹ đất trong khu công nghiệp còn hạn chế nên thực tế doanh nghiệp khó được hưởng quy định về miễn tiền thuê đất. Hay như để nhận ưu đãi về thuế cũng khá khó khăn khi doanh nghiệp phải bảo đảm mức tăng trưởng và doanh thu từ KH-CN. Về ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp KH-CN có tài sản trí tuệ nhưng không thể đem tài sản trí tuệ ra thế chấp vay vốn. Đặc biệt là vấn đề thuế thu nhập cá nhân chưa công bằng, chưa khuyến khích được động lực sáng tạo. Bởi những nhà khoa học tự bỏ tiền ra, chịu rủi ro để nghiên cứu, thử nghiệm rồi thương mại sản phẩm KH-CN cũng đóng thuế bằng người nghiên cứu dự án khoa học từ vốn Nhà nước, được hưởng lương từ Nhà nước. Do vậy, theo tôi, chúng ta cần đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp KH-CN và tạo điều kiện để doanh nghiệp KH-CN hưởng đầy đủ những ưu đãi theo quy định.

LA DUY (ghi)

----------

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh:

Giải quyết vấn đề đất công xen kẽ ở các dự án

Theo tôi, điểm nghẽn pháp lý hiện nay tập trung ở việc các luật, văn bản dưới luật còn có độ vênh, gặp nhiều vướng mắc khi áp dụng thực tế. 70% vướng mắc của các dự án bất động sản (BĐS) tại TP Hồ Chí Minh là do vấn đề pháp lý. Cá nhân tôi và Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh đánh giá rất cao sự vào cuộc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội trong lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, sửa đổi các luật để tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp lý, đặc biệt là khơi thông, vực dậy nguồn lực cho thị trường BĐS.

Vừa qua, Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo giải quyết đất công xen kẽ ở các dự án. Đây là chỉ đạo hoàn toàn đúng hướng, hợp lý, kịp thời để giải quyết các dự án bị đình trệ, bế tắc vì có đất công xen kẽ. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố nhìn chung vẫn chưa ban hành các văn bản để thực hiện chỉ đạo này. Mới chỉ có duy nhất TP Hà Nội trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các văn bản thực hiện chỉ đạo này. Thực tế trên dẫn đến vấn đề đất công xen kẽ các dự án do doanh nghiệp triển khai vẫn tắc, thiệt hại cho doanh nghiệp và khách hàng ngày càng lớn. Vừa rồi, căn cứ kiến nghị của Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, Trung ương, bộ, ngành và chính quyền TP Hồ Chí Minh đã tập trung tháo gỡ những vướng mắc pháp lý cho các dự án tại TP Hồ Chí Minh. Hiệu quả thấy rõ là chỉ trong thời gian ngắn đã có 5.400 căn hộ được đưa ra thị trường.

Theo tôi, để tháo gỡ các vướng mắc pháp lý hiện nay cần tập trung cho việc xây dựng luật bảo đảm phù hợp thực tiễn, đồng bộ, thống nhất. Các điều khoản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần hài hòa lợi ích các chủ thể liên quan là: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Như thế, khi luật áp dụng vào thực tiễn sẽ không nảy sinh những vướng mắc, điểm nghẽn, tạo được sự khơi thông cho dòng chảy phát triển.

TRUNG KIÊN (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-dong-luc-moi-trong-cai-cach-the-che-cai-thien-moi-truong-dau-tu-726113