Cần đột phá thể chế để phát triển kinh tế tư nhân
Để kinh tế tư nhân thực sự phát triển như 'xương sống' của nền kinh tế độc lập, không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn mà còn cần đến nhiều đột phá về thể chế.
Đột phá từ nhận thức đến giải pháp
Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, với các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, chưa từng có tiền lệ; định hình quan điểm mới của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân - động lực mới phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Chỉ một tuần sau khi có Nghị quyết số 68, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Động lực mới cho phát triển kinh tế”. Bài viết đã đề cập đến những cơ sở lý luận, những nhận thức mới rất cơ bản, rất quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân không chỉ trong vai trò một động lực mới cho tăng trưởng và phát triển mà còn đóng vai trò “xương sống” của một nền kinh tế độc lập.

Tổng Bí thư chỉ đạo cần xây dựng Luật Phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh minh họa
Với tinh thần một nghị quyết của Đảng chỉ được coi là thành công khi thành hiện thực sinh động làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho Nhân dân, điểm đáng chú ý nhất trong bài viết là một loạt các giải pháp đột phá về thể chế mang tính cấp bách được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra.
Điểm nghẽn thể chế được nhìn nhận như là “điểm nghẽn của các điểm nghẽn" cản trở sự phát triển của đất nước. Vì vậy, không chỉ cần được tập trung tháo gỡ mà cần kíp hơn, căn cơ hơn là có những đột phá mang tính thực tiễn, mang tính khả thi để có thể đưa nhanh những quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 68 vào thực tiễn để kinh tế tư nhân "cất cánh" và phát triển bứt tốc, khi thời gian chưa bao giờ chờ đợi chúng ta.
Những giải pháp quyết liệt chưa từng có tiền lệ
Ở đây, Tổng Bí thư chỉ rõ, trong số những công việc cần làm ngay để có thể thể chế hóa, luật pháp hóa quyền tự do kinh doanh, cần xây dựng Luật Phát triển kinh tế tư nhân lần đầu tiên có ở Việt Nam, chuyển từ cơ chế xin-cho sang nguyên tắc doanh nghiệp được làm mọi thứ pháp luật không cấm.
Cùng đó, tiến hành sửa đổi Bộ luật Hình sự để có thể tách bạch tranh chấp kinh tế và tội phạm hình sự, tránh tình trạng "hình sự hóa quan hệ kinh tế" vốn từng gây tâm lý e ngại cho doanh nhân.
Áp dụng mô hình “hậu kiểm” (trừ một số lĩnh vực đặc thù như an ninh, quốc phòng), số hóa 100% thủ tục cấp phép đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết từ 30 ngày xuống còn 7 ngày. Đặc biệt, Tổng Bí thư chỉ đạo cần thành lập Hội đồng Doanh nhân tư nhân quốc gia để doanh nghiệp kinh tế tư nhân đóng vai trò tư vấn phản biện chính sách trực tiếp với Chính phủ thay vì được “mời khi cần” như lâu nay.
Những giải pháp mới mang tính đột phá về thể chế để kinh tế tư nhân phát triển hướng tới các mục tiêu của Nghị quyết số 68 còn cần thể hiện được rõ tinh thần kiến tạo môi trường cạnh tranh công bằng.
Cạnh tranh công bằng trước hết là khắc phục triệt để tư duy phân biệt đối xử. Lần đầu tiên ở Việt Nam sẽ tiến hành việc công khai danh sách các hành vi thiên vị doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong tiếp cận đất đai, dự án trọng điểm. Dành từ 5 - 10% quỹ đất khu công nghiệp với giá thuê ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và, vừa khởi nghiệp.
Cạnh tranh công bằng như Tổng Bí thư chỉ ra là còn cần có những giải pháp hỗ trợ tài chính mang tính đa tầng. Theo đó, tổ chức tín dụng xây dựng hệ thống đánh giá riêng cho doanh nghiệp tư nhân, kết hợp với quỹ bảo lãnh tín dụng giảm rủi ro cho vay.
Sự công bằng đó cũng còn cần được thể hiện ngay trong chuyển đổi số để kinh tế tư nhân tự mò mẫm cũng như có thêm dư địa phát triển không chỉ cho riêng mình mà cho cả tăng trưởng của kinh tế đất nước. Theo đó, mở rộng mô hình sandbox pháp lý toàn quốc, cho phép thử nghiệm thực tế với fintech, AI, nông nghiệp số trong khung thời gian bảo vệ pháp lý rõ ràng.
Những giải pháp được Tổng Bí thư chỉ ra trong bài viết đều là những giải pháp hết sức mới mẻ, chưa từng có tiền lệ nhưng thực tiễn đã cho thấy đều là những giải pháp, công việc cần làm ngay. Không thể chỉ vì chưa từng có tiền lệ mà không nhanh chóng bắt tay vào làm và làm quyết liệt, bởi có làm mới có ra, có đi mới có đến. Lợi ích phát triển của đất nước đòi hỏi chúng ta điều đó, thực tiễn cũng sẽ có những tư duy, cách làm hay mang tính phù hợp. Không thể ngồi đợi một tiền lệ nào đó, một gợi ý nào đó xuất phát từ bên ngoài.