Cần dự báo giá những vật tư chiến lược để chủ động điều hành ngân sách

Để làm rõ hơn về vấn đề thu chi ngân sách năm 2024, giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bên lề kỳ họp.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Hà Sỹ Đồng. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Trong khuôn khổ Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.

Để làm rõ hơn về vấn đề thu chi ngân sách năm 2024, giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu, thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bên lề kỳ họp.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước trong thời gian vừa qua?

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng: Năm 2024, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, có cả những cơ hội đan xen với những khó khăn khôn lường. Tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, xung đột, bảo hộ thương mại... ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu cũng như nguồn thu, thiếu tính ổn định.

Đặc biệt, cơn bão số 3 gây ảnh hưởng tới thu ngân sách, đời sống nhân dân, sản xuất của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2024 đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Do đó, Việt Nam có điều kiện đảm bảo cân đối thu chi hài hòa. Đặc biệt, các lĩnh vực như: chi đầu tư công, chi đầu tư phát triển xã hội được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ. Tuy nhiên, còn một số vấn đề như: các dự báo, đánh giá phân tích để xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước còn chưa sát với thực tế nên ảnh hưởng tới chính sách tài khóa phần chi ngân sách. Do đó, cần có những phân tích sâu hơn, kỹ hơn về những nguyên nhân khách quan, chủ quan để xây dựng dự toán ngân sách hàng năm đạt được kết quả sát thực tế hơn.

Phóng viên: Nhu cầu nguồn vốn cho phát triển kinh tế xã hội vẫn rất lớn, đặc biệt cho các đại dự án như: đường sắt tốc độ cao, các dự án giao thông trọng điểm. Theo đại biểu, việc quản lý ngân sách nhà nước thời gian tới cần thực hiện như thế nào để đảm bảo an toàn và hiệu quả?

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng:

Để quản lý ngân sách trong thời gian tới tốt hơn, đảm bảo an toàn về nợ công, về bội chi ngân sách, cũng như tăng được nguồn thu, mang tính chủ động và quyết liệt hơn, đề nghị Chính phủ sớm đề xuất với Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Ngân sách nhà nước sao cho phù hợp với các luật khác.

Có thể dùng 1 luật để sửa 7 luật trong kỳ họp lần này. Đặc biệt, việc sửa luật để thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nhằm tăng tính chủ động trong cân đối ngân sách, cũng như dự báo tình hình ngân sách của năm 2025 sát thực tế hơn, dự báo trúng tình hình thế giới, trong nước, biến đổi khí hậu và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là tại các chương trình mục tiêu quốc gia cần chủ động, linh hoạt, giao vốn sớm hơn.

Qua đó đảm bảo thu chi ngân sách, an toàn tài chính; trong đó, đầu tư cho một số công trình trọng điểm quốc gia, như một số tuyến cao tốc hoàn thiện, đặc biệt là chuẩn bị cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đòi hỏi nguồn vốn rất lớn nên cần có dự báo phân tích rõ, kỹ hơn về tình hình nợ công, cũng như biện pháp kiềm chế lạm phát. Điều này là cần thiết để Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua có đầy đủ cơ sở thực tiễn, cùng với Chính phủ trong điều hành tài chính ngân sách linh hoạt và đảm bảo an toàn bền vững.
Phóng viên: Trong kế hoạch ngân sách nhà nước từ năm 2025 - 2027, để phát triển nhà nước bền vững, theo đại biểu cần tập trung vào những nội dung gì?

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng: Điều hành ngân sách nhà nước trong 3 năm (từ năm 2025 - 2027) là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội của đất nước, vấn đề nợ công, cũng như kiểm soát lạm phát.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!./.

Thúy Hiền – Văn Giáp/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/can-du-bao-gia-nhung-vat-tu-chien-luoc-de-chu-dong-dieu-hanh-ngan-sach/350914.html