Cần ghi số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND là người dân tộc thiểu số không thấp hơn 18%

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) và việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 12/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) và việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.

Cần ghi số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND là người dân tộc thiểu số không thấp hơn 18%

Cho ý kiến thảo luận về dự án dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc khẳng định, đến thời điểm này, dự thảo Luật đã được điều chỉnh cụ thể. Đặc biệt, công tác rà soát các quy định liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương cũng như tới đây thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp đã được rà soát kỹ, các quy định và các điều kiện đã được quy định tương đối đầy đủ.

Về quy định giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục bầu cử, đại biểu tán thành với những sửa đổi về các mốc thời gian, thủ tục bầu cử như dự thảo Luật. Tổng thời gian thực hiện bầu cử là 42 ngày, thay vì 70 ngày như hiện nay. Việc điều chỉnh giảm thời gian thực hiện quy trình bầu cử là yêu cầu chính trị đặt ra trong lần sửa đổi luật này, nhằm rút ngắn thời gian kể từ khi bế mạc Đại hội Đảng đến khi khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa sau.

Việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 trong dự thảo có quy định: Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, trong đó bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương. "Tuy nhiên, theo Luật Tổ chức Quốc hội và HĐND có quy định tỷ lệ người dân tộc thiểu số là ít nhất phải đạt 18%. Do đó, đề nghị, trong dự thảo luật phải ghi số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương, tuy nhiên không thấp hơn 18% theo quy định”, đại biểu đề xuất.

Liên quan đến quy định về số đơn vị bầu cử HĐND cấp tỉnh, cấp xã và danh sách các đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử, đại biểu thấy rằng, quy định như vậy là phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức thực hiện. Tại khoản 4, Điều 11 về việc xác định khu vực bỏ phiếu do UBND cấp xã quyết định, trường hợp cần thiết thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh khu vực bỏ phiếu. Quy định này đã có sự điều chỉnh sau khi các ĐBQH và các Đoàn ĐBQH có ý kiến. Nếu xác định khu vực bỏ phiếu do UBND cấp xã quyết định thuận lợi cho việc thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp hiện nay.

Về thành lập cơ cấu, thành phần của ủy ban bầu cử, theo luật mới có quy định bổ sung là đại diện của Đoàn ĐBQH sẽ tham gia vào Ủy ban bầu cử cấp tỉnh là phù hợp. Thực tiễn những năm qua, trong những nhiệm kỳ trước đây, khi thực hiện công tác bầu cử, Đoàn ĐBQH thực hiện chức năng giám sát, phối hợp để giám sát. Tuy nhiên, lại không có trong thành phần nên không thể nắm bắt, không được tham gia và không được có ý kiến nên rất khó khăn. "Trong dự thảo Luật lần này đã bổ sung thành viên đại diện của Đoàn ĐBQH vào Ủy ban bầu cử tỉnh. Điều này thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm, giúp cho Đoàn ĐBQH tỉnh có điều kiện để tham gia vào quy trình bầu cử cũng như giám sát các hoạt động liên quan đến các quy định của pháp luật. Qua đó sẽ bảo đảm công khai, phù hợp với điều kiện thực tiễn”, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết.

Hiện nay thực hiện Hội nghị tiếp xúc cử tri trực tuyến hoặc hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến để các ứng cử viên có thể thông tin, báo cáo với cử tri về chuẩn bị chương trình hành động. Đại biểu Ngọc đề nghị, dự thảo nghiên cứu và bổ sung thêm việc thông tin về các ứng cử viên ĐBQH, HĐND thông qua báo chí. Điều này thuận tiện cho cử tri tìm hiểu kỹ hơn về các ứng cử viên.

Rà soát kỹ các quy định về thời hạn trong các luật tố tụng

Đại biểu Đặng Bích Ngọc nhất trí cao với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đại biểu khẳng định, việc xây dựng mô hình tổ chức Tòa án nhân dân 3 cấp (TAND Tối cao, TAND cấp tỉnh, TAND khu vực) thay cho hệ thống 4 cấp hiện hành đòi hỏi phải sửa đổi các luật tố tụng liên quan, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và giúp việc tổ chức thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ lưỡng những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, các luật liên quan để bảo đảm tính tương thích, phù hợp.

Liên quan đến thời hạn thực hiện các thủ tục tố tụng, hiện nay, việc thay đổi hệ thống Tòa án sẽ có tác động lớn đến thời hạn, trình tự một số thủ tục. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các quy định về thời hạn trong các luật tố tụng được sửa đổi để bảo đảm tính phù hợp và đồng bộ. "Ví dụ như việc kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm của Tòa án dân khu vực giữ nguyên 15 ngày theo luật hiện hành hay có điều chỉnh cho phù hợp với lại phạm vi mới. Trong khi thời hạn chuyển hồ sơ vụ án từ tòa án khu vực lên tòa án cấp tỉnh để xét xử phúc thẩm có cần rút ngắn hay không? Những nội dung này đề nghị trong dự thảo Luật khi sửa đổi cũng cần có những tính toán, xác định để tạo điều kiện cho Tòa án nhân dân ở các khu vực cũng như trong quá trình phối hợp điều tra từ truy tố, xét xử cho đến thi hành án sau này bảo đảm liên thông và thống nhất trong hoạt động”, đại biểu dẫn chứng.

Đại biểu cho biết thêm, hiện nay đối với tòa án có tòa án khu vực, kiểm sát khu vực; thi hành án tới đây cũng sẽ có phòng ở khu vực. Thế nhưng, cơ quan điều tra lại không có ở cấp huyện và cũng không có ở khu vực. Bởi vậy, để tổ chức thực hiện một cách đồng bộ giữa các cơ quan trong quá trình tổ chức thực hiện, đại biểu cũng đề nghị, trong dự thảo Luật nên rà soát lại các nội dung để khi có quy định sẽ bảo đảm thuận tiện trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bùi Hiển

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hòa Bình

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/201012/can-ghi-so-luong-nguoi-ung-cu-dai-bieu-quoc-hoi-va-hdnd-la-nguoi-dan-toc-thieu-so-khong-thap-hon-18.htm