Cần giải pháp căn cơ, bài bản khắc phục ùn tắc giao thông
Bên cạnh kéo giảm TNGT, khắc phục ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các thành phố lớn là một trong những mục tiêu quan trọng về đảm bảo TTATGT năm 2025.
Báo Giao thông trao đổi với ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia về nguyên nhân và những giải pháp để hạn chế ùn tắc giao thông, đặc biệt vào dịp cao điểm, trong bối cảnh lưu lượng phương tiện ngày một tăng cao.
Thưa ông, thời gian qua, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra tại các thành phố lớn ngày càng trở nên phức tạp, nhất là dịp cao điểm. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông như hiện nay?
Bên cạnh kéo giảm TNGT, việc khắc phục tình trạng ùn tắc và ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM là một mục tiêu quan trọng để đảm bảo TTATGT không chỉ trong năm 2025 mà còn cần thực hiện dài hạn trong những năm tiếp theo.
Những thiết chế mới vừa qua đã góp phần thiết lập lại trật tự trong giao thông, quá trình triển khai cũng bộc lộ các bất cập là nguyên nhân gây nên ùn tắc, ô nhiễm từ hoạt động giao thông, như: quy hoạch đô thị, mật độ xây dựng, mật độ dân cư, tiêu chuẩn xây dựng, kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông...
Thực tế này đòi hỏi cần phải triển khai các giải pháp căn cơ, bài bản để vấn đề ùn tắc và ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông được "chữa" bởi những giải pháp đúng đắn. Trong đó, các giải pháp phải tính cả trước mắt và lâu dài.
Vậy theo ông, giải pháp trước mắt có thể triển khai ngay để khắc phục ùn tắc giao thông là gì?
Trước hết đó là giáo dục và truyền thông văn hóa giao thông; khuyến khích người dân kiên nhẫn chấp hành pháp luật giao thông ngay cả khi xảy ra ùn tắc.
Cùng đó, tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý bằng chu kỳ đèn, linh hoạt từ các lực lượng chức năng đến các giải pháp công nghệ tại những nơi đã có.
Mặt khác, khuyến khích người dân có hành trình cố định hàng ngày sử dụng phương tiện công cộng.
Và chắc chắn rồi, vẫn cần phải tăng cường giám sát và xử phạt, trong đó, phạt nặng, xử nghiêm các hành vi chen lấn, đi sai làn đường, phần đường hoặc cố tình vi phạm quy định làm cho ùn tắc càng ùn tắc thêm.
Về giải pháp dài hạn thì sao, thưa ông?
Tôi cho rằng, giải pháp trung và dài hạn cần tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính. Đầu tiên đó là nhóm giải pháp nâng cấp và tối ưu hóa hạ tầng giao thông, trong đó, quan tâm mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông, ưu tiên giành nguồn lực mở rộng các tuyến đường huyết mạch, xây dựng cầu vượt và hầm chui tại các điểm nút giao thường xuyên ùn tắc. Xây dựng bãi đậu xe công cộng, giảm tình trạng xe đậu tràn lan trên lòng đường.
Song song với đó phát triển giao thông công cộng, tăng cường xe buýt, phát triển hệ thống metro và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì xe cá nhân. Mặt khác tiến hành phân luồng phương tiện hợp lý, có thể tách làn xe máy, ô tô riêng để giảm xung đột giao thông.
Nhóm giải pháp thứ hai đó là quản lý phương tiện giao thông, bằng cách hạn chế phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm và thúc đẩy giao thông xanh.
Đối với hạn chế xe cá nhân, giải pháp này đã được đề cập nhiều lần, tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần cân nhắc áp dụng các chính sách như thu phí ô tô vào trung tâm hoặc cấp hạn ngạch xe cá nhân…
Cùng đó, có chính sách hỗ trợ các phương tiện điện và xe đạp công cộng (tại các khu vực nội thành và gần các trạm giao thông công cộng để người dân dễ dàng chuyển tiếp), kết hợp với việc phát triển phần đường/không gian dành riêng cho người đi bộ.
Tiếp đến là nhóm giải pháp về quy hoạch, phân bố lại không gian đô thị bằng cách giãn dân ra khu vực ngoại thành thông qua đẩy mạnh quy hoạch các khu đô thị vệ tinh, tạo điều kiện cho người dân sinh sống và làm việc tại các khu vực ngoài trung tâm để giảm áp lực giao thông.
Đồng thời, cải thiện kết nối liên vùng, xây dựng thêm các tuyến đường cao tốc, cầu vượt liên tỉnh để giảm lượng xe đổ dồn vào các trung tâm chính trị, kinh tế là Hà Nội và TP. HCM.
Nhóm giải pháp thứ tư là giáo dục, truyền thông và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục, truyền thông mạnh mẽ về ý nghĩa của việc chấp hành luật giao thông và tầm quan trọng của sự kiên nhẫn, đặc biệt trong giờ cao điểm, từ đó hình thành ý thức tự giác chấp hành luật giao thông trong nhân dân.
Đặc biệt, lên án nghiêm khắc với những hành vi thiếu văn hóa giao thông, không tuân thủ pháp luật giao thông; duy trì, kiên trì chế tài xử phạt nghiêm hành vi vi phạm.
Nhóm giải pháp thứ năm là đầu tư vào công nghệ giao thông thông minh, bao gồm hệ thống giao thông tự động (đầu tư lắp đặt mạng lưới cảm biến giao thông và camera AI tại các giao lộ chính để theo dõi và quản lý lưu lượng giao thông theo thời gian thực) và phát triển, nâng cấp các ứng dụng bản đồ giao thông số tại các đô thị lớn là trung tâm chính trị, kinh tế (Hà Nội, TP. HCM), để hướng dẫn người dân lựa chọn lộ trình tối ưu.
Cuối cùng là nhóm giải pháp kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ giao thông. Trong đó, chú trọng tăng cường kiểm soát khí thải phương tiện, đặc biệt với xe cũ, xe tải, xe khách sử dụng nhiên liệu kém thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh phát triển xe điện, xe lai, khuyến khích phương tiện xanh, như hỗ trợ chính sách thuế, xây dựng trạm sạc, ưu tiên xe điện trong giao thông công cộng.
Mở rộng không gian xanh đô thị, xây dựng tuyến đường dành cho xe đạp, người đi bộ để giảm phụ thuộc vào xe cá nhân.
Có thể nói, các giải pháp được đưa ra rất toàn diện, cụ thể. Tuy nhiên, khi triển khai cần lưu ý điều gì để đạt kết quả khả thi, thưa ông?
Giải quyết ùn tắc, ô nhiễm môi trường luôn đòi hỏi sự kết hợp giữa giải pháp ngắn hạn và chiến lược dài hạn, cùng với sự kiên trì từ cả phía chính quyền và sự đồng tình, ủng hộ từ người dân.
Tôi cho rằng khi thực hiện đồng bộ và quyết liệt các giải pháp ngắn và trung dài hạn trong năm 2025 và những năm tiếp theo, chúng ta có thể kỳ vọng vào một hệ thống giao thông nói chung, giao thông đô thị nói riêng hiện đại hơn, ít ùn tắc hơn và thân thiện với môi trường hơn.
Các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải thiện hạ tầng giao thông, phát triển theo hướng xanh giảm thiểu ô nhiễm, tăng cường giáo dục để người dân hiểu rõ lợi ích của việc tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần chủ động điều chỉnh hành vi, chấp hành nghiêm túc pháp luật để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.
"Chỉ có cùng nhau mới là chìa khóa để xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh và thông thoáng hơn!".