Cần giải quyết dứt điểm khiếu kiện của người dân về dấu hiệu đền bù nhầm đất ở thành đất trồng cây
Việc đo đếm, xác định nguồn gốc đất đai tại thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chủ yếu dựa vào bản đồ đo đạc của nhiều năm trước, mà chưa xem xét thực tế tại địa phương, dẫn đến những kết quả khác nhau trong quá trình đền bù, khiến người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.
Dự án xây dựng cầu Huyện 2 và đường dẫn do UBND huyện Vạn Ninh làm chủ đầu tư, được phê duyệt ngày 8/12/2020 với tổng mức đầu tư 157,449 tỷ đồng.

Nhiều người dân cho rằng UBND thị trấn Vạn Giã chưa xác định đúng nguồn gốc đất và thời điểm xây nhà của bà Vân
Liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án, bà Trần Thị Bích Vân (tổ 2, thị trấn Vạn Giã) cùng 6 người có quyền lợi liên quan đã gửi đơn phản ánh tới báo Nhà báo và Công luận cho biết, ngày 27/4/2006, bà mua lại ngôi nhà trên thửa đất số 148, tờ bản đồ 12, diện tích 236,9 m2 mặt tiền đường Lê Hồng Phong. Thửa đất này trước đây do ông Mai Ngọc Hùng sử dụng và xây nhà vào năm 1999.
Tuy nhiên khi thông báo thu hồi đất ngày 31/7/2023, UBND huyện Vạn Ninh xác định đất bà Vân là đất trồng cây lâu năm, đền bù chỉ hơn 2 triệu đồng/m2. Trong khi, nhiều hộ có nguồn gốc đất tương tự, thậm chí xây nhà sau bà, lại được đền bù theo giá đất ở cao hơn rất nhiều. Việc đền bù, xác định giá trị đất có dấu hiệu không công bằng khiến gia đình bà Trần Thị Bích Vân bức xúc và gửi đơn khiếu kiện đến nhiều cấp chính quyền tại địa phương.
UBND thị trấn Vạn Giã lý giải đất này trước đây do ông Mai Sáng khai hoang trồng cây lâu năm từ trước năm 1993, sau đó chuyển nhượng cho ông Mai Ngọc Hùng năm 1995. Tuy nhiên, những nhân chứng xung quanh, bao gồm các thợ xây dựng, láng giềng, đều khẳng định ngôi nhà đã được xây trên mảnh đất từ năm 1999.

Người dân xác nhận nhà ông Mai Ngọc Hùng bán cho bà Vân được xây dựng từ năm 1999
Việc chỉ dựa vào tài liệu cũ mà bỏ qua thực tế quá trình sử dụng đất, những chứng cứ rõ ràng từ người dân, gây ra những bất cập, có dấu hiệu ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng của người bị thu hồi đất.
Không đồng tình với quyết định đền bù, ngày 18/11/2024, bà Trần Thị Bích Vân đã gửi đơn khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, UBND huyện Vạn Ninh và UBND thị trấn Vạn Giã đến Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa...

Công trình nhà ở của bà Trần Thị Bích Vân đã bị tháo dỡ từ lâu nhưng đến này vẫn chưa nhận được tiền đền bù
Để có góc nhìn khách quan, ngày 26/12/2024, phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã làm việc với ông Lê Đình Vinh - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã, và ông Lê Tuấn Nguyên – Cán bộ phòng địa chính thị trấn. Ông Nguyên cho biết: "Dựa trên bản đồ cũ, chúng tôi xác định nhà ông Mai Ngọc Hùng được xây sau năm 2005. Còn giấy tờ đóng thuế đất hiện tại không thể xác minh do thuộc chuyên môn của cơ quan thuế. Việc bà Vân mua nhà năm 2006 chưa có cơ sở vì chỉ có giấy viết tay và thị trấn nhận được nhiều giấy tờ có thời điểm khác nhau".
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc UBND thị trấn Vạn Giã đã đối thoại với người dân hay xác minh thời điểm ông Hùng xây nhà qua nhân chứng hay chưa, đã kiểm tra thời điểm mua bán, chuyển nhượng nhà giữa bà Vân và ông Hùng hoặc đã làm việc với phòng Thuế Vạn Ninh chưa…, đại diện UBND thị trấn chỉ cho biết: "Sẽ xác minh trong thời gian tới".
Ngày 17/12/2024, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản số 14385/UBND-KGVX phản hồi báo Nhà báo & Công luận nêu rõ: "Giao UBND huyện Vạn Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan khẩn trương nghiên cứu nội dung phỏng vấn của báo Nhà báo & Công luận, làm việc cụ thể với báo để cung cấp thông tin theo quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 24/12/2024".
Tuy nhiên, ông Trần Thành Tiến – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vạn Ninh, người được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí về vấn đề này, cho biết: "UBND huyện chỉ thẩm định dựa trên hồ sơ do UBND thị trấn Vạn Giã báo cáo lên, còn nguồn gốc đất của công dân như thế nào thì huyện cũng không nắm rõ".

Dự án xây dựng Cầu Huyện 2 và đường dẫn có vốn đầu tư hơn 157 tỷ đồng do UBND huyện Vạn Ninh làm chủ đầu tư
Như vậy, việc xác định nguồn gốc đất do địa chính thị trấn Vạn Giã báo cáo đã thực sự đảm bảo tính pháp lý và quyền lợi của người dân hay chưa? Câu hỏi này xin được gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Khánh Hòa.
Hy vọng UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ sớm có kết luận rõ ràng sự việc, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, đồng thời cung cấp thông tin minh bạch, khách quan và đúng pháp luật về quá trình thẩm định, đền bù và giải phóng mặt bằng tại địa phương.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Trâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai 2013 nêu rõ, nếu người sử dụng đất có nhà ở trên đất trước ngày 1/7/2004 (hoặc trước thời điểm Nhà nước lập bản đồ quy hoạch) và không có tranh chấp, họ có thể được công nhận quyền sử dụng đất, ngay cả khi chưa được cấp giấy chứng nhận. Nếu nhà ở được xây dựng hợp pháp trước ngày 1/4/2004 trên đất không có tranh chấp, có thể được xem là đã sử dụng ổn định và phù hợp với chính sách pháp luật thời điểm đó.
Như vậy, nếu có đủ chứng cứ chứng minh nhà đã được xây dựng trên đất trồng cây lâu năm trước ngày 1/4/2004 và sử dụng ổn định, không tranh chấp, thì người dân có thể được công nhận quyền sử dụng đất ở. Khi đó, việc đền bù sẽ được thực hiện theo chính sách đất ở. Tuy nhiên, thực tế việc đền bù còn phụ thuộc vào quy hoạch sử dụng đất và quyết định cụ thể của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương.