Cần Giờ liệu có tìm được 137,6 triệu m3 cát để lấn biển làm khu đô thị?

Số liệu khảo sát sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy nhu cầu sử dụng cát san lấp trên địa bàn thành phố là rất lớn so với trữ lượng khoáng sản cát đã được khảo sát, thăm dò.

Như Người Đô Thị đã thông tin, UBND TP.HCM vừa có tờ trình ngày 26.8 gởi Ban cán sự Đảng UBND Thành phố kiến nghị chủ trương cho phép Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ thực hiện khai thác cát tại khu vực vùng biển Cần Giờ để phục vụ Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Tờ trình cho biết, theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt ngày 28.1.2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường do chủ đầu tư cung cấp, khối lượng cát san lấp của dự án khoảng 137.616.000 m3. Dự kiến nguồn cát san lấp này được lấy từ các mỏ cát đã được khảo sát, thăm dò trên vùng biển Cần Giờ, từ lượng đất đào biển hồ nhân tạo, từ vùng biển lân cận và nguồn vật liệu từ nơi khác.

Khu vực quy hoạch dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ rộng 2.870 ha thuộc xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với khoảng 20 ha đất lấn biển đã san lấp tôn nền. Ảnh: Quỳnh Danh

Khu vực quy hoạch dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ rộng 2.870 ha thuộc xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với khoảng 20 ha đất lấn biển đã san lấp tôn nền. Ảnh: Quỳnh Danh

Trước đó, tại tài liệu thuyết minh điều chỉnh cục bộ quy hoạch đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị lấn biển Cần Giờ (quy mô 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh), UBND huyện Cần Giờ cho biết dự án lấn biển sẽ sử dụng cát tại các mỏ đã được Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ thăm dò tại khu vực Cần Giờ làm nguồn vật liệu san lấp cho khu quy hoạch.

Đồng thời nghiên cứu phương án nhận chìm chất thải vô cơ (xà bần, đất đá thải) từ quá trình thi công các tuyến metro tại TP.HCM để giảm áp lực về nguồn cung ứng vật liệu san lấp tại TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận…

Trữ lượng cát trên địa bàn TP.HCM

Số liệu điều tra, khảo sát đã thực hiện và tham khảo báo cáo lập quy hoạch, sử dụng tài nguyên khoáng sản rắn trên địa bàn TP.HCM công bố tại Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh, giai đoạn 2023 -2026 cho biết:

Trữ lượng cát xây dựng trên địa bàn thành phố đã khảo sát đánh giá là khoảng 41.422.721 m3, trong đó khu vực cấm khai thác bao gồm 6 tiểu khu với tổng trữ lượng 19.697.672 m3 và khu vực dự trữ bao gồm 22 tiểu khu, tổng trữ lượng 21.725.040 m3.

Trữ lượng cát san lấp đã thăm dò đánh giá trữ lượng bao gồm 11 mỏ trên vùng biển Cần Giờ và 1 khu vực đã khảo sát trên sông Đồng Tranh với tổng diện tích 1.142 ha, trữ lượng 35.817.017 m3.

Theo số liệu tính toán nhu cầu cát xây dựng đến năm 2020 tại Đề án phát triển vật liệu xây dựng TP.HCM đến năm 2030 (được UBND TP.HCM phê duyệt ngày 4.4.2020) là 20,38 triệu m3.

Số liệu khảo sát sơ bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy nhu cầu sử dụng cát san lấp trên địa bàn thành phố là rất lớn so với trữ lượng khoáng sản cát đã được khảo sát, thăm dò. Ước tính nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp cho một số dự án lớn trên các quận, huyện: Quận 4, Quận 7, quận Bình Thạnh, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ từ nay đến năm 2030 vào khoảng 24 -38 triệu m3.

TP.HCM kiến nghị cho nhà đầu tư khai thác cát nhiễm mặn trên vùng biển Cần Giờ để làm khu đô thị lấn biển. Ảnh: Hoàng Triều

TP.HCM kiến nghị cho nhà đầu tư khai thác cát nhiễm mặn trên vùng biển Cần Giờ để làm khu đô thị lấn biển. Ảnh: Hoàng Triều

Thách thức lớn với nhà đầu tư dự án lấn biển Cần Giờ

Theo tờ trình của UBND TP.HCM, từ năm 2006 đến 2019, UBND TP.HCM đã cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản 10 mỏ cát (cát nhiễm mặn) cho Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ trên vùng biển Cần Giờ với tổng trữ lượng hơn 27 triệu m3 (chiếm khoảng 20% nhu cầu dự án), cụ thể:

Cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho 2 mỏ cát (Long Hòa 1 và Long Hòa 2) cho Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ. Tuy nhiên, do đơn vị chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý khác liên quan đến Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nên chưa có hoạt động khai thác khoáng sản để phục vụ nhu cầu san lấp dự án.

Cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cho 8 mỏ cát (Long Hòa 3, Long Hòa 4, Long Hòa 5, Long Hòa 6, Long Hòa 7, Long Hòa 8, Long Hòa 9 và Long Hòa 10) cho Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ, trong đó: 6 mỏ cát (Long Hòa 3, Long Hòa 4, Long Hòa 5, Long Hòa 6, Long Hòa 7, Long Hòa 8) đã được UBND Thành phố phê duyệt trữ lượng; 2 mỏ cát (Long Hòa 9 và Long Hòa 10) chưa được UBND Thành phố phê duyệt trữ lượng...

Trong diễn biến liên quan, số liệu tổng hợp trữ lượng các mỏ cát đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng tại Quyết định 2395 ngày 12.6.2023 của UBND TP.HCM cho biết, 8 mỏ cát san lấp của Công ty cổ phần đô thị du lịch Cần Giờ thăm dò đều tại xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) với tổng trữ lượng thăm dò đã phê duyệt là: 22.824.071 m3.

Trong đó, mỏ cát san lấp Long Hòa 1 (2.565.000 m3), Long Hòa 2 (3.040.000 m3), Long Hòa 3 (1.409.521 m3), Long Hòa 4 (2.340.980 m3), Long Hòa 5 (3.009.090 m3), Long Hòa 6 (1.299.480 m3), Long Hòa 7 (5.870.000 m3), Long Hòa 8 (3.290.000 m3).

Ngoài ra, tại địa bàn xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) còn có hai đơn vị khác đã được phê duyệt trữ lượng thăm dò là Công ty TNHH sản xuất – thương mại – dịch vụ - xây dựng – xuất nhập khẩu Đức Phú Thịnh với mỏ cát san lấp Cần Thạnh (3.000.000 m3) và Công ty cổ phần Địa chất và Môi trường MODIMO với mỏ cát san lấp Cần Giờ (5.045.000 m3).

Toàn cảnh đồ án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Trong đó Khu vực mũi Hải đăng với công trình điểm nhấn là tòa tháp 108 tầng và cụm công trình hỗn hợp. Ảnh trích từ Tài liệu thuyết minh điều chỉnh cục bộ quy hoạch

Dẫn giải một vài số liệu cơ bản về trữ lượng cát của TP.HCM và nhu cầu cát của dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ như trên, mặc dù còn những khác biệt về con số, nhưng không khó để thấy khoảng trống quá lớn giữa nhu cầu cát của dự án và trữ lượng cát thực tế trên địa bàn TP.HCM nói chung và Cần Giờ nói riêng.

Trong bối cảnh đang có những cảnh báo về tác động của khai thác cát không bền vững tới môi trường, hệ sinh thái, cấu trúc địa mạo dòng chảy, sinh kế người dân… Đồng thời, các tỉnh, thành đã siết chặt hơn việc cấp phép, hạn chế khai thác cát; riêng TP.HCM đã có chủ trương không cấp phép mới khai thác cát trên địa bàn thành phố hơn 10 năm qua; cùng với chủ trương của Chính phủ hạn chế khai thác khoáng sản, tăng cường kiểm soát đối với việc cấp phép khai thác cát san lấp, cát xây dựng, thì khả năng tìm được 137.616.000 m3 khối lượng cát san lấp cho dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ rõ ràng là một thách thức rất lớn đối với nhà đầu tư.

Kiến nghị giảm hơn 55 triệu m3 vật liệu san lấp

Theo Tài liệu thuyết minh điều chỉnh cục bộ quy hoạch đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị lấn biển Cần Giờ, khu vực lập quy hoạch là vùng bờ của xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.

Đây chủ yếu là khu vực dự kiến lấn biển với tổng diện tích 2.870 ha, trong đó khu vực đã triển khai lấn biển theo dự án trước đây của Khu đô thị du lịch Cần Giờ khoảng 20 ha (đất đã san lấp tôn nền). Phần còn lại, đất thuận lợi cho xây dựng (cao độ đắp nền >1m) là 132 ha; đất ít thuận lợi cho xây dựng (cao độ đắp nền

Cơ bản vùng biển ven bờ này là vùng nước nông với bãi biển rất thoải, dễ sử dụng nếu triển khai xây dựng công trình. Địa chất công trình chủ yếu là mặt nước biển với đáy là bùn, cát và các lớp địa chất khác. Hiện chưa có khảo sát địa chất chi tiết cho khu vực này.

Số liệu mới được đưa ra trong kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu cho thấy khối lượng đắp nền nhỏ hơn quy hoạch được duyệt 2018. Cụ thể, giảm từ 137.616.000 m3 còn 81.732.315 m3 (giảm 55.883.685 m3) nên sẽ giảm áp lực lên nguồn vật liệu san lấp. Khối lượng này là tạm tính, chưa bao gồm khối lượng đắp nền đường, khối lượng chuẩn xác sẽ được tính toán ở giai đoạn lập dự án.

Theo hồ sơ trình thẩm định của UBND huyện Cần Giờ, phương án lấn biển hoàn toàn phù hợp với chế độ thủy văn của khu vực. Tuy nhiên, dự án cần có giải pháp đê kè hợp lý và tính toán thoát nước cho thị trấn đối với từng giai đoạn xây dựng dự án...

Lê An – Nguyễn Hoàng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/can-gio-lieu-co-tim-duoc-137-6-trieu-m3-cat-de-lan-bien-lam-khu-do-thi-40811.html