Cần hiểu kỹ năng để cứu người trong trường hợp khẩn cấp

Nữ điều dưỡng của Bệnh viện Lão khoa Trung ương đang đi nghỉ cùng gia đình, phát hiện bé trai bị đuối nước nhưng được sơ cứu sai cách, chị chạy tới, giới thiệu nghề nghiệp của mình và yêu cầu đặt cháu bé xuống mặt phẳng cứng để tiến hành cấp cứu.

Hay trường hợp gần đây, một du khách Ấn Độ khi đến Đà Nẵng du lịch bị đột quỵ, ngừng tim ngay tại nhà hàng, nữ điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai ở ngay bàn bên cạnh đã lập tức ép tim ngoài lồng ngực, cứu sống nam du khách… Rất nhiều trường hợp, do không được sơ cứu đúng cách đã tử vong hoặc khi đưa tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch; thậm chí nhiều trường hợp do nôn nóng cứu người khác, bỏ qua yếu tố an toàn của bản thân nên đã tử vong.

Cứu sống nhiều trẻ đuối nước nhờ ép tim và thổi ngạt

Vụ việc một bé trai bị đuối nước ở khu nghỉ dưỡng vào dịp 30/4 và 1/5 được chị Dương Thị Hồng (SN 1992), điều dưỡng Khoa Nội tiết - Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cứu sống đã khiến những người có mặt đều cảm phục.

Theo lời kể của chị Hồng, trong khi đi nghỉ dưỡng cùng gia đình, chị phát hiện có bé trai bị đuối nước ở bể bơi nằm trong khu nghỉ nhưng được sơ cứu sai cách, chị đã chạy tới và giới thiệu mình là điều dưỡng. Sau khi kiểm tra thấy bé trai không còn dấu hiệu sinh tồn, chị nhanh chóng thực hiện ép tim, thổi ngạt trong khoảng 3-4 phút, cháu bé nôn ra nhiều nước, có ý thức trở lại và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện gần nhất. Hiện, sức khỏe của cháu ổn định, mọi sinh hoạt, học tập trở lại bình thường.

Hướng dẫn ép tim khi cứu người bị đuối nước.

Hướng dẫn ép tim khi cứu người bị đuối nước.

Nữ điều dưỡng chia sẻ thời điểm đó, điều duy nhất thôi thúc chị hành động quyết liệt là làm sao để cấp cứu kịp thời, đúng cách, giữ tính mạng cháu bé đang nguy kịch. Theo mẹ cháu bé, khi con trai gặp nạn, chị không có mặt tại đó nhưng được nghe kể lại hành động của chị Hồng đã giúp cứu sống con mình, chị vô cùng xúc động và biết ơn người đã giành lại sự sống cho con mình trước lưỡi hái tử thần.

Việc có kiến thức sơ cấp cứu rất quan trọng để kịp thời hỗ trợ người bệnh không may gặp nạn. Sơ cấp cứu đúng cách, có thể cứu tính mạng người bệnh ngoạn mục. Vào tháng 8/2023, bé gái (SN 2013) ở Phú Xuyên, Hà Nội đã ấn tim và thổi ngạt cho em trai bị đuối nước nhờ kỹ năng học ở trường và xem trên tivi. Cậu em tỉnh dần và nói được tiếng “cứu” rồi lịm đi nên người chị tiếp tục thổi ngạt 1-2 lần, ép tim cho em tỉnh. Sau khoảng 2 phút thì bé trai thở được và khóc.

BS Nguyễn Hữu Hiếu, Trung tâm Nhi Khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trường hợp này khá may mắn vì quá trình xử lý cấp cứu ban đầu của người chị rất hợp lý. Cháu bé mới 11 tuổi nhưng nắm được kỹ năng sơ cứu đuối nước như nghe tim, ép tim, hà hơi thổi ngạt, gọi người hỗ trợ. Khi bệnh nhân có phản ứng tự thở được, người nhà đã đưa đi cấp cứu.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, năm nào bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều ca đuối nước vào cấp cứu, có nhiều trường hợp rất thương tâm và nguy kịch, phần lớn do phát hiện muộn hoặc do người dân sơ cứu sai cách. Nhiều người thấy nạn nhân ngừng tim, hoặc bất tỉnh, đã vác dốc ngược lên vai rồi chạy. Cách làm này không những không cứu được tính mạng nạn nhân mà làm cho các dịch dạ dày trào ngược, hít vào đường thở, mất thời gian vàng cấp cứu.

Theo các bác sĩ, với trường hợp đuối nước, sơ cứu ban đầu ngay tại hiện trường rất quan trọng. Thời gian chịu đựng thiếu ô-xy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Do đó, để kịp thời sơ cứu, khi thấy trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, không mạch (không bắt được mạch cảnh, mạch bẹn), cần đặt trẻ trên một mặt phẳng cứng và tiến hành hồi sinh tim phổi ngay. Cách hồi sức tim phổi là thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực. Tuyệt đối không được ngừng hồi sức tim phổi nếu nạn nhân chưa có nhịp thở.

Sơ cứu người gặp tai nạn cần lưu ý điều gì?

Trong cuộc sống vẫn có nhiều tai nạn xảy ra xung quanh chúng ta như TNGT, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động… Nếu sơ cấp cứu đúng cách giúp người bị nạn bảo toàn được tính mạng, còn sai cách thì rất nguy hiểm. Theo BS Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, có không ít trường hợp người bệnh thêm bệnh cảnh nặng nề do cấp cứu sai cách và đáng tiếc, rất nhiều trường hợp do nôn nóng cứu người khác, bỏ qua yếu tố an toàn của bản thân nên đã tử vong.

BS Hùng dẫn chứng trường hợp điển hình vào tháng 8/2021, một trường hợp rơi xuống giếng, 3 người ở trên nôn nóng xuống giếng cứu. Đáng tiếc, nạn nhân thì cứu được sau khi ngạt nước, nhưng cả 3 người này đều tử vong. Hay vào năm 2022, một người đàn ông tử vong khi lao xuống biển cứu 5 du khách do không biết bơi. Hoặc vì mải lo lắng cho người thân mất tích ở trong lò vôi, lần lượt 8 người gồm cả người nhà và hàng xóm đã đi vào lò vôi để tìm cứu bệnh nhân nhưng họ đều tử vong do ngạt khí. Đây là trường hợp tử vong cực kỳ đáng tiếc do không biết cách bảo đảm an toàn cho mình.

“Mục đích của sơ cấp cứu là nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục”, BS Hùng nói.

Theo nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu ngoại viện. Trong số 343 trường hợp chấn thương vào cấp cứu từ 1/5-15/7/2023, nguyên nhân do TNGT chiếm tỷ lệ cao nhất với 211 trường hợp. Tổn thương của nạn nhân gồm chấn thương sọ não chiếm 55,4%; gãy xương 38,5%; chấn thương hàm mặt 25,1%; chấn thương cột sống chiếm 21%. Những nạn nhân này đa số được vận chuyển đến bệnh viện bằng xe cứu thương, ngoại trừ 8,7% do người nhà tự đưa đến. Trong số được vận chuyển bằng xe cứu thương có 13,1% chỉ có người nhà hộ tống người bệnh, số khác nhân viên y tế đi cùng chỉ là điều dưỡng, không có bác sĩ. Các kỹ thuật cấp cứu ban đầu chiếm đa số là băng vết thương, bất động chi gãy, khai thông đường thở, đặt nội khí quản và nẹp cổ. Cũng có trường hợp được đưa đến viện trong tình trạng nặng và sơ cấp cứu sai cách.

Theo BS Hùng, khi sơ cấp cứu giúp người bị nạn, người dân phải xác định các yếu tố nguy hiểm xung quanh, ví dụ: Điện giật, ngạt khí…để xử trí. Trong các vụ tai nạn lao động, TNGT, luôn chú ý đến cột sống của nạn nhân, để tránh trường hợp khiến bệnh nhân bị liệt hoàn toàn do sơ cứu sai cách. Đề phòng nạn nhân bị gãy đốt sống cổ, phải giữ cho nạn nhân nằm yên và cố định cổ bằng vật cứng như nẹp, mảnh gỗ, thậm chí bằng 2 viên gạch 2 bên trước khi nhân viên y tế đến.

BS cũng cho biết, nếu nạn nhân có các dấu hiệu ngừng tuần hoàn như: Thở ngáp hoặc không thở; không sờ thấy mạch ở cổ và bẹn; tím tái, cần thực hiện hồi sức tim phổi ngay lập tức. Tần số ép tim sẽ là 100-120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Vị trí ép đúng là nửa dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú. Tư thế người ép là chân quỳ, trục cánh tay vuông góc với thân mình người bệnh. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Đối với nhũ nhi cần điều chỉnh lực ép bằng cách dùng 2 ngón tay cái để ép.

Cùng với việc sơ cấp cứu, cần gọi cấp cứu 115 bằng cách hô to yêu cầu mọi người xung quanh giúp đỡ. Nếu chỉ có một mình, cần bật chế độ loa ngoài để trao đổi thông tin và được hướng dẫn liên tục khi đang hỗ trợ nạn nhân.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/can-hieu-ky-nang-de-cuu-nguoi-trong-truong-hop-khan-cap-i732557/