Cần kéo dài chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tới 2025

Theo TS Nguyễn Đình Cung, trong bối cảnh hiện nay, cần kéo dài các chương trình hỗ trợ đến năm 2024, thậm chí là năm 2025 để tạo ra một niềm hứng khởi, luồng gió thúc đẩy tiêu dùng nhiều hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP cả nước 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24%, cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế thông qua 3 trụ cột gồm đầu tư công, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đã thu được những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, nhiều khó khăn, thách thức khiến các động lực tăng trưởng suy giảm rõ rệt. Cụ thể, giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng - chỉ đạt 51% kế hoạch; tiêu dùng nội địa chậm lại do tình hình trong nước khó khăn và đơn hàng xuất khẩu thiếu hụt trong bối cảnh nhu cầu thế giới giảm. Bên cạnh đó, sức ép mới về lạm phát, tỉ giá và những khó khăn còn tiếp diễn của thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... cũng là bài toán nan giải với nền kinh tế.

Đà tăng trưởng bị kìm hãm bởi nhiều lý do khiến mục tiêu GDP năm 2023 tăng 6,5% theo nghị quyết của Quốc hội khó thể hoàn thành. Trên cơ sở kết quả 9 tháng và dự báo tình hình trong nước, thế giới thời gian tới còn nhiều khó khăn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2023 lần lượt là 5%; 5,5% và 6%.

Giải pháp nào có thể triển khai ngay để "chạy nước rút" thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn từ nay đến đầu năm 2024 là câu hỏi cấp thiết được đặt ra khi thời gian còn lại của năm 2023 không còn nhiều. Do đó, rất cần sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương nhằm tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa cơ hội từ cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế. Trong đó, cần tập trung vào những lĩnh vực có thể đóng góp lớn cho tăng trưởng như: công nghiệp chế biến - chế tạo, xuất khẩu, du lịch, xây dựng - bao gồm cả dự án đầu tư công và tiêu dùng nội địa.

Trong bối cảnh này, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024" nhằm ghi nhận ý kiến, hiến kế của các chuyên gia kinh tế, địa phương, doanh nghiệp trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển song song với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và tạo đà cho giai đoạn tiếp theo.

Tọa đàm diễn ra lúc 8 giờ 30 sáng 3-11 qua hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Hội trường lầu 2 Báo Người Lao Động (địa chỉ: 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM).

Tham dự tọa đàm có lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực:

1. Về phía chuyên gia kinh tế

- TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

- TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia,

- GS-TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu, Giám đốc điều hành Trường Kinh doanh Léonard de Vinci & Giám đốc phát triển quốc tế Tổ hợp đại học De Vinci (Pháp) - có mặt ở hội thảo trong chuyến công tác về Việt Nam dịp này.

- TS Huỳnh Phước Nghĩa, ĐH Kinh tế TP HCM

2. Về phía các địa phương

- Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

- Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM

- Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM

- Bà Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng

- Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương

3. Về phía doanh nghiệp

- Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng VPĐD Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TP HCM (Vitas)

- Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM

- Ông Nguyễn Trường Giang, Lãnh đạo Công ty CP Gigamall Việt Nam

- Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op)

- Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group

* Về phía Báo Người Lao Động: Nhà báo - Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te/bao-nguoi-lao-dong-to-chuc-toa-dam-giai-phap-tang-truong-kinh-te-cuoi-nam-2023-dau-nam-2024-2023110219150994.htm