Cần khai thác tổng hợp đa giá trị từ hệ sinh thái rừng

Lâu nay, nói đến rừng, người ta thường chỉ nghĩ đến gỗ, lâm sản và tìm mọi cách để khai thác. Thế nhưng, rừng còn nhiều giá trị khác chưa được quản lý, khai thác và sử dụng một cách hiệu quả: Giá trị cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, bán tín chỉ carbon (CO2)...

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông! Lâu nay chúng ta nói nhiều đến trồng rừng gỗ lớn (rừng sản xuất) - việc này nói thì dễ nhưng thực hiện lại không hề đơn giản. Vậy để giúp người dân trồng rừng gỗ lớn, nhà nước cần có cơ chế, chính sách gì để khuyến khích, hỗ trợ trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Đúng là trồng rừng gỗ lớn không hề đơn giản, không hề dễ; vì vậy để hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn, nhà nước đã ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích hỗ trợ, ưu đãi đầu tư và tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.

Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn là rừng sản xuất với loài cây là cây đa mục đích, cây bản địa khai thác sau 10 năm trồng với mức hỗ trợ là 8 triệu đồng/ha tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với công ty nông lâm nghiệp. Đồng thời nhà nước cũng đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, kỹ thuật chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để người dân thực hiện.

Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ và ưu đãi đầu tư cho các dự án trồng rừng gỗ lớn quy định, các chính sách ưu đãi bao gồm: Miễn giảm tiền thuê đất, miễn giảm tiền sử dụng đất, hỗ trợ tập trung đất đai, hỗ trợ tín dụng theo theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài ra, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng việc cung cấp giống cây và phân bón thông qua các dự án khuyến nông Trung ương theo Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24-5-2018 của Chính phủ về khuyến nông.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.

PV: Cuối năm 2021, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức hội nghị “Phát triển kinh tế dưới tán rừng”. Ông có thể cho biết về ý nghĩa của việc phát triển kinh tế dưới tán rừng như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Như chúng ta đã biết, hệ sinh thái rừng có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người, rừng cung cấp rất nhiều sản phẩm, bao gồm các sản phẩm hữu hình như: Cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ, nguồn nước và các các sản phẩm, dịch vụ vô hình như: Dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon; du lịch sinh thái, giáo dục, nghiên cứu...

Từ trước đến nay, chúng ta mới tập trung nhiều vào khai thác các giá trị hữu hình mà hệ sinh thái rừng cung cấp chủ yếu là gỗ, còn các giá trị khác, trong đó có lâm sản ngoài gỗ hiện vẫn khai thác ở dưới mức tiềm năng. Mặt khác, cũng chưa khai thác, sử dụng một cách tổng hợp đa chức năng, đa giá trị của hệ sinh thái rừng để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Ngày 3-12-2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu tổ chức hội nghị “Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc”, như chúng ta đã biết, đây là vùng có diện tích rừng lớn, với tổng diện tích rừng là khoảng 5,7 triệu ha, chiếm gần 40% tổng diện tích rừng toàn quốc, đa dạng về tài nguyên rừng, địa hình, khí hậu, bản sắc văn hóa, do đó có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế dưới tán rừng như: Cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các giá trị dịch vụ môi trường rừng như cung ứng, điều hòa nguồn nước; đa dạng sinh học, hấp thụ carbon và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng...

Việc tổ chức hội nghị có ý nghĩa quan trọng, là dịp để các địa phương trong vùng đánh giá thực trạng việc khai thác, sử dụng các giá trị của rừng thời gian qua; xác định tiềm năng và từ đó có định hướng và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy việc khai thác tiềm năng, sử dụng tổng hợp đa giá trị hệ sinh thái rừng, trên cơ sở tài nguyên rừng, sự phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc và sự sáng tạo của con người để rừng ngày càng có đóng góp nhiều hơn cho đời sống con người và xã hội theo hướng phát triển bền vững.

 Phong cảnh Hồ Mạc sáng sớm ở Vườn quốc gia Cúc Phương.

Phong cảnh Hồ Mạc sáng sớm ở Vườn quốc gia Cúc Phương.

PV: Kết quả cụ thể việc thực hiện chi trả giảm phát thải khí nhà kính (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ đến nay như thế nào? Có bao nhiêu chủ rừng sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải ở khu vực này, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Trị: Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký vào ngày 22-10-2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tư cách là Cơ quan thực hiện Chương trình và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) với tư cách là bên được ủy thác của Quỹ đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF).

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 tương đương (CO2) cho FCPF; đơn giá chuyển nhượng là 5 USD/tấn CO2; tổng giá trị thỏa thuận này là 51,5 triệu USD; thời gian thực hiện từ 2018- 2025. Hai điều kiện hiệu lực để thực hiện ERPA gồm: Quy định về chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quy định về quản lý tài chính.

Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp đang tích cực tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan để hoàn thiện các điều kiện, thủ tục pháp lý liên quan.

Dự kiến khi triển khai thực hiện ERPA, sẽ có khoảng 69.000 chủ rừng là tổ chức; hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư được giao quản lý rừng tự nhiên sẽ được hưởng lợi từ ERPA. Trong đó, có khoảng 68.000 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và khoảng 950 chủ rừng là cộng đồng dân cư. Ngoài ra, còn có khoảng 600 Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên cũng sẽ được hưởng lợi từ thỏa thuận này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-khai-thac-tong-hop-da-gia-tri-tu-he-sinh-thai-rung-704948