Cần kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc chữa bệnh qua thương mại điện tử
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược bổ sung các quy định về việc bán thuốc chữa bệnh qua hình thức thương mại điện tử, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ việc này.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức lấy ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo là quy định các sơ sở bán lẻ được bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế quy định được phép bán theo phương thức thương mại điện tử và phù hợp với phạm vi kinh doanh.
Khoản e, điểm 2 điều 42 của dự thảo quy định: Các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử thông qua: Website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương (không được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến).
Cụ thể, cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, bán buôn thuốc được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử đối với các thuốc thuộc phạm vi kinh doanh; cơ sở bán lẻ được bán thuốc thuộc danh mục của Bộ Y tế quy định được phép bán theo phương thức thương mại điện tử và phù hợp với phạm vi kinh doanh;
Được đăng thông tin về sản phẩm mà không phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý, bao gồm: bao bì thương phẩm của thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo đúng nội dung thông tin về Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, nhãn thuốc đã được phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Thế Tin- Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam (VPA), việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử cần được kiểm soát rất chặt chẽ.
“Mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng và phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sỹ và được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc (ADR), bên cạnh đó, còn vấn đề khác như thu hồi thuốc...
Nhưng về nguyên tắc, các công ty bán buôn (đạt GDP) không được phép bán lẻ đến người dân, vấn đề này cần được làm rõ khi doanh nghiệp có chuỗi bán lẻ bán thuốc cho người dân, vì có liên quan đến trách nhiệm của từng chủ thể khi xử lý vụ việc.
Bên cạnh đó, hàng giả bán trên internet đang là một mặt trận mới vì có đến 80%- 90% hàng giả được mua bán trên mạng. Do đó, lực lượng chức năng vô cùng khó khăn bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn…”- ông Nguyễn Thế Tin cho hay.
Vì vậy, đại diện Hội Dược học Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này.