Cần làm rõ các chính sách hỗ trợ nhà giáo

Cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo, các ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành sự cần thiết xây dựng dự án luật, song đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa một số nội dung, bảo đảm thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Sáng 28.9, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã cho ý kiến vào dự án Luật Nhà giáo. Đây được đánh giá là dự án luật mới và rất khó, đối tượng áp dụng rộng, tác động lớn.

Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Nhà giáo cụ thể hóa 5 chính sách trong đề nghị xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7.7.2023, gồm: định danh nhà giáo, tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, quản lý nhà nước về nhà giáo.

 Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp

Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, dự thảo 5 Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 49 điều. Không chỉ ngắn gọn hơn về mặt nội dung, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cũng đã rút gọn.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật này quy định về nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo; quản lý nhà giáo.

Luật Nhà giáo áp dụng đối với nhà giáo trong các trường công lập, trường dân lập, trường tư thục; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục; tổ chức, cá nhân có liên quan.

 Các ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tham dự phiên họp

Các ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tham dự phiên họp

Xây dựng chính sách tiền lương cho nhà giáo là một trong những vấn đề lớn được quy định trong các văn kiện của Đảng nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, theo các ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, dự thảo Luật Nhà giáo chưa thể chế hóa được chủ trương này.

Dự thảo Luật quy định nhiều chính sách mới liên quan tới nguồn lực về tài chính, nhân lực . Tuy nhiên, Báo cáo đánh giá tác động và Tờ trình của Chính phủ, ngoài vấn đề tiền lương, chưa có đánh giá cụ thể về những vấn đề nêu trên.

Một số quy định về quyền nhà giáo trong dự thảo Luật không phải là quyền, mà là nhiệm vụ trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, hoạt động giảng dạy, đánh giá kết quả học tập; phân phối thời lượng và sắp xếp nội dung theo chương trình giáo dục…

Tán thành quy định về chính sách hỗ trợ nhà giáo, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị đánh giá kỹ tác động, xác định đối tượng nhà giáo được thụ hưởng, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách.

Nhiều ý kiến băn khoăn việc có thêm chính sách hỗ trợ với đối tượng “nhà giáo trẻ”, đề nghị làm rõ như thế nào là nhà giáo trẻ; sự cần thiết có chính sách ưu tiên về tiền lương, đãi ngộ và an sinh xã hội đối với nhà giáo trẻ; lý do nhà giáo trẻ được được ưu tiên...

 Phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho ý kiến dự án Luật Nhà giáo

Phiên họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho ý kiến dự án Luật Nhà giáo

Về chính sách thu hút nhà giáo, có ý kiến băn khoăn vì có sự trùng lặp trong quy định về chế độ phụ cấp, trợ cấp, nhà công vụ; chưa bao quát hết đối tượng cần được thu hút; chưa có chính sách thu hút người có học lực xuất sắc vào học ngành sư phạm, giữ sinh viên xuất sắc ở lại trường làm giảng viên đại học. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát các quy định này; cụ thể hóa nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách thu hút nhà giáo.

Đây là luật quy định cho đối tượng (nhà giáo), có thể xung đột với các luật chuyên ngành liên quan. Vì vậy, các ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát thật kỹ, đặc biệt đối với Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, các luật chuyên ngành thuộc lĩnh vực giáo dục bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật; giải quyết được những vấn đề vướng mắc và xử lý được những xung đột pháp lý nếu phát sinh.

Ghi nhận và đánh giá cao sự cầu thị của Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo, lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý qua nhiều kênh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo; đồng thời mong muốn các thành viên Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, góp ý để hoàn thiện dự án Luật một cách tốt nhất, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của nhà giáo và xã hội.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua dự thảo Báo cáo tham gia thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2025 với lĩnh vực Ủy ban phụ trách; dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025.

Tin: Nhật Linh; Ảnh: Nghĩa Đức

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-lam-ro-cac-chinh-sach-ho-tro-nha-giao-post391691.html